Chi trả dịch vụ môi trường rừng trong hoạt động nuôi trồng và khai thác thuỷ sản

BVR&MT – Ngày 22/10, Tổng cục Lâm nghiệp tổ chức Hội thảo chi trả dịch vụ môi trường rừng trong hoạt động nuôi trồng và khai thác thuỷ sản. Hội thảo này nhằm tổng hợp, tiếp thu những ý kiến đóng góp trong việc sửa đổi Nghị định số 156/2018/NĐ-CP ngày 16/11/2018 của Chính phủ về quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Lâm nghiệp.

Tham dự Hội thảo có đại diện Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng Việt Nam, Ban Quản lý các dự án lâm nghiệp Việt Nam, Ban Kinh tế Trung ương; các vụ, đơn vị thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; đại diện các địa phương, phòng, ban, đơn vị, thuộc tỉnh có biển; đại diện một số Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng các tỉnh ven biển và các đơn vị sử dụng, cung ứng dịch vụ môi trường rừng đối với hoạt động nuôi trồng và khai thác thuỷ sản.

Đồng chí Vũ Văn Hưng, Phó Trưởng Ban quản lý các dự án lâm nghiệp phát biểu khai mạc.

Chi trả dịch vụ môi trường rừng là một trong những chính sách lớn của Đảng và Nhà nước nhằm xã hội hóa nghề rừng, nâng cao giá trị gia tăng của rừng; huy động các nguồn lực của xã hội, đặc biệt của các tổ chức, cá nhân được hưởng lợi từ DVMTR vào việc bảo vệ và phát triển rừng, gắn với xóa đói giảm nghèo, nhất là đối với đồng bào dân tộc, thiểu số ở vùng núi có đời sống gắn liền với rừng. Sau hơn 10 năm triển khai, đến nay đã đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận, tạo lập nguồn tài chính ngoài ngân sách, ổn định, bền vững phục vụ công tác quản lý, bảo vệ, phát triển rừng, góp phần cải thiện sinh kế, tăng thu nhập, nâng cao đời sống cho người làm nghề rừng và sống gắn bó với rừng. Tuy vậy, tại Hội thảo, các đại biểu cũng chỉ ra, một số nội dung về chi trả dịch vụ môi trường rừng được quy định tại Nghị định số 156/2018/NĐ-CP đã bộc lộ những điểm hạn chế nhất định, đặc biệt là thiếu hướng dẫn cụ thể đối với đối tượng chi trả là cơ sở nuôi trồng thuỷ sản có sử dụng nguồn lức từ rừng, cơ sở kinh doanh dịch vụ du lịch, sinh thái, nghỉ dưỡng, cơ sở sản xuất công nghiệp, dịch vụ hấp thụ và lưu trữ các bon của rừng.

Theo TS. Trần Thị Thu Hà, Viện Khoa học Lâm nghiệp Việt Nam, trong khuôn khổ Dự án Hiện đại hoá ngành lâm nghiệp, kết quả nghiên cứu ban đầu trong việc xây dựng mô hình thí điểm chi trả dịch vụ môi trường rừng đối với hoạt động khai thác và nuôi trồng thuỷ sản tại Quảng Ninh cho thấy đa số các cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp nuôi trồng thủy sản đều có nhận thức tốt về vai trò của rừng ngập mặn đối với hoạt động nuôi trồng thuỷ sản và có hiểu biết nhất định về cơ chế chi trả dịch vụ môi trường rừng. Trong phạm vi khảo sát, đã có 76,2% số hộ gia đình, doanh nghiệp sẵn sàng chi trả với mức phổ biến từ 30 – 40% thuế đất nuôi trồng thuỷ sản, tương đương khoảng 900.000 – 1.200.000 đồng/ ha đất được giao/ năm.

Rừng ngập mặn Giao Thủy (Nam Định).

Theo TS. Phạm Thu Thuỷ, Tổ chức CIFOR, rừng ngập mặn có thể cung cấp rất nhiều loại hình dịch vụ môi trường, như dịch vụ hấp thụ, lưu trữ, bể chứa các bon; bồi lắng và giảm bùn thải; chống xói lở bờ biển; chắn sóng; cung ứng nước sạch, lọc kim loại nặng, lọc ô nhiễm; cung ứng bãi đẻ; vẻ đẹp cảnh quan và nguyên liệu thực phẩm. Trên thế giới đã có nhiều quốc gia thực hiện các chính sách liên quan đến chi trả dịch vụ môi trường rừng ngập mặn, như Indonesia, Mexico, Kenya, Bangladesh,… do đó, bà Thuỷ cũng khuyến nghị một số vấn đề cần xem xét trong quá trình xây dựng, sửa đổi chính sách liên quan đến chi trả dịch vụ môi trường rừng trong hoạt động nuôi trồng và khai thác thuỷ sản như việc mở rộng đối tượng chi trả và hướng tới nhiều nhóm người mua, có cơ chế khuyến khích bảo tồn rừng ngập mặn hiện có. Tuy nhiên, cũng cần tính đến các yếu tố liên quan đến định lượng dịch vụ hệ sinh thái, tính bền vững của các dịch vụ hệ sinh thái rừng ngập mặn cũng như bảo đảm điều kiện và tính công bằng trong chia sẻ lợi ích.

Ông Lê Văn Thanh, Phó giám đốc Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng Việt Nam đánh giá cao ý kiến của các đại biểu tham gia tại Hội thảo, đồng thời khẳng định, đây là cơ sở quan trọng để giúp các chính sách về chi trả dịch vụ môi trường rừng ngày càng hiệu quả, phù hợp với nối cảnh thực tiễn hiện nay. Đồng thời, các ý kiến tại Hội thảo cũng sẽ hỗ trợ Tổng cục Lâm nghiệp trong việc tham mưu cho Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sửa đổi Nghị định 156/2018/NĐ-CP, trong đó có nội dung liên quan đến dịch vụ môi trường rừng.

Hậu Thạch