Chi tiết hiện trạng rừng ở dự án hồ chứa nước Ka Pét

BVR&MT – Đại diện Phân viện điều tra, quy hoạch rừng Nam Bộ đã công bố một số nội dung liên quan đến kết quả điều tra, kiểm kê hiện trạng rừng và đất lâm nghiệp thuộc dự án hồ chứa nước Ka Pét tại họp báo chiều 7/9.

Phân viện điều tra, quy hoạch rừng Nam Bộ là đơn vị tư vấn chuyên ngành đã trúng thầu của UBND tỉnh Bình Thuận (chủ đầu tư dự án hồ thủy lợi Ka Pét tại huyện Hàm Thuận Nam) để điều tra về hiện trạng diện tích rừng, đất lâm nghiệp; hiện trạng trữ lượng rừng; thành phần thực vật rừng tại khu vực triển khai dự án hồ Ka Pét, có tổng diện tích 679,72ha.

TS. Đỗ Văn Thông – Phân viện trưởng Phân viện điều tra, quy hoạch rừng Nam Bộ đã thông tin kết quả điều tra về hiện trạng của khu rừng nói trên.

Phân viện điều tra, quy hoạch rừng Nam Bộ là đơn vị tư vấn chuyên ngành đã trúng thầu của UBND tỉnh Bình Thuận (chủ đầu tư dự án hồ thủy lợi Ka Pét tại huyện Hàm Thuận Nam) để điều tra về hiện trạng diện tích rừng, đất lâm nghiệp; hiện trạng trữ lượng rừng; thành phần thực vật rừng tại khu vực triển khai dự án hồ Ka Pét, có tổng diện tích 679,72ha.

TS. Đỗ Văn Thông – Phân viện trưởng Phân viện điều tra, quy hoạch rừng Nam Bộ đã thông tin kết quả điều tra về hiện trạng của khu rừng nói trên.

TS. Đỗ Văn Thông, Phân viện trưởng Phân viện điều tra, quy hoạch rừng Nam Bộ (Ảnh: Linh An)

“Chúng tôi điều tra theo tính khoa học, phương pháp thiết lập các ô đo đếm. Đến khi khai thác phải đo đếm thực tế mới chính xác 100% về trữ lượng, thành phần”, ông Thông chia sẻ.

Theo điều tra, trong diện tích sử dụng đất rừng 679,72ha, đất có rừng lên đến 619,58ha (rừng tự nhiên chiếm 612,48ha, rừng trồng 7,1ha), còn lại 60,14ha là đất chưa có rừng (đất đã trồng rừng nhưng chưa thành rừng, đất có cây gỗ tái sinh, đất trống, đất trồng cây nông nghiệp và diện tích khác).

Mật độ bình quân của các trạng thái rừng trên 500 cây/ha. Về trữ lượng, trạng thái rừng giàu là 310m3/ha, rừng hỗn giao và tre nứa chỉ 165,7m3/ha…

Phân viện điều tra, quy hoạch rừng Nam Bộ điều tra theo phương pháp 96 ô tiêu chuẩn điển hình, có diện tích 1.000m2/ô (kích thước 25x40m), đã cho kết quả có 4.262 cây gỗ, tổng có 78 loài thuộc 62 chi, 35 họ thực vật. Cụ thể có các loại như: Bằng lăng ổi, căm xe, sổ, cóc rừng, dầu đồng, thẩu tấu, cà chắc, cà gằng, thành ngạnh…

Đáng nói, bắt gặp được 2 loài quý hiếm trong Sách đỏ Việt Nam là dáng hương (Pterocarpus Macrocapus Kurz) và sơn điều (Melanorrhoea Usitata Wall).

Trong đó, loài cây dáng hương với 26 cá thể cũng là loài thuộc nhóm IIA được quy định tại Nghị định 06/2019 của Chính phủ về quản lý thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm và thực thi công ước về buôn bán quốc tế các loài động vật, thực vật hoang dã nguy cấp.

Hiện trạng tại khu vực dự kiến là lòng hồ Ka Pét (Ảnh: UBND tỉnh Bình Thuận)

Một số loài được phát hiện như cẩm liên, căm xe, cà chắc, sến cát, xây… không thuộc các loài cây gỗ quý, hiếm trong Sách đỏ Việt Nam nhưng là loài thuộc nhóm gỗ tốt (nhóm I, II).

Tổng trữ lượng gỗ tại khu vực điều tra là hơn 97.527m3, riêng gỗ của rừng tự nhiên chiếm 97.251m3, còn lại số ít là rừng trồng. Trữ lượng tre nứa được xác định là 1.933 ngàn cây, toàn là của rừng tự nhiên.

Báo cáo còn nêu rõ phần lớn cây gỗ tái sinh trong khu vực điều tra có chất lượng trung bình.

TS. Đỗ Văn Thông cho biết: “Kết quả điều tra hiện trạng rừng và đất lâm nghiệp này phản ánh trung thực, khách quan và đảm bảo độ tin cậy. Kết quả đã được đoàn kiểm tra chuyên ngành của tỉnh Bình Thuận phúc tra đạt yêu cầu và Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh thẩm định thống nhất”.

Như đã thông tin, dự án hồ Ka Pét được Quốc hội thông qua tại kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIV vào tháng 5/2019. Đến tháng 5/2023, tại kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV, Chính phủ trình tờ trình về việc điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án này. Trong các nội dung điều chỉnh, diện tích sử dụng đất của dự án lên 697,73ha, tăng gần 4,5ha so với phê duyệt ban đầu.

Sông Bà Bích, vị trí dự kiến chặn dòng để gây ngập tích trữ nước cho lòng hồ Ka Pét (Ảnh: Nguyễn Huế)

Mục tiêu đầu tư dự án là cấp nước tưới cho khoảng 7.762ha đất sản xuất nông nghiệp của huyện Hàm Thuận Nam và cấp nước thô cho khu công nghiệp Hàm Kiệm II với 2,63 triệu m3/năm.

Đồng thời, tạo nguồn nước thô để cấp cho sinh hoạt của khoảng 120.000 người dân khu vực huyện Hàm Thuận Nam và TP. Phan Thiết; phòng, chống lũ và cải tạo môi trường, điều tiết nước cho vùng hạ du huyện, góp phần phát triển du lịch, dịch vụ của tỉnh Bình Thuận.