BVR&MT – Giảm phát thải khí nhà kính và nhựa sử dụng một lần sẽ giúp hệ thống chăm sóc sức khỏe toàn cầu cứu sống thêm nhiều sinh mạng.
Khi đến Singapore theo học bổng 6 tháng, bác sĩ phẫu thuật người Philippines Claire Teves (không phải tên thật) biết rằng cần thời gian để thích nghi. Teves đến từ một bệnh viện tại một nước đang phát triển và nghèo hơn để làm việc ở một cơ sở y tế hơn hẳn tại một nước giàu có hơn nhiều. Dù đã chuẩn bị tinh thần để khắc phục khoảng cách về kiến thức và đối diện với thách thức y tế hàng ngày ở bệnh viện đẳng cấp thế giới này nhưng khi tới nơi, cô vấp phải cú sốc văn hóa rất khác: cách bệnh viện mới sử dụng nhựa.
Ở phòng phẫu thuật, dụng cụ như banh mổ bằng nhựa chỉ sử dụng một lần rồi bị vứt bỏ vào thùng rác. Ở bệnh viện cô làm việc tại Philippines, dụng cụ này sẽ được tiệt trùng và tái sử dụng cho đến khi không thể tận dụng được nữa.
Chứng kiến dụng cụ này bị vứt bỏ trong khi rất khan hiếm ở Philippines, Teves quyết định phải làm gì đó: “Khi nhìn thấy rác, tôi nghĩ phải tiết kiệm những thiết bị sử dụng một lần nhận được, tôi có thể tái chế và tái sử dụng”. Quyết định này có thể khiến bệnh viện Singapore phiền lòng nếu thực hiện thiếu suy xét và không được các đồng nghiệp thân thiện hỗ trợ. Sau rốt, cô nhét đầy một vali lớn toàn thiết bị phẫu thuật bằng nhựa dùng một lần lẽ ra bị vứt bỏ.
Giải quyết tác động môi trường từ ngành y tế có thể nhanh chóng trở thành chủ đề tranh luận. Theo bác sĩ chuyên khoa tim ở Hồng Kông Ryan Ko, “là bác sĩ, chúng ta ưu tiên cho nhu cầu và đòi hỏi của bệnh nhân hơn hết”.
Ngay cả Teves cũng đồng ý với điều này, thậm chí động cơ cô tiết kiệm thiết bị để mang về cho bệnh nhân ở Philippines cũng là vì bệnh nhân chứ không phải môi trường: “Hướng đến bền vững không thực sự là ưu tiên của chúng tôi, mọi thứ chúng tôi làm là để giúp bệnh nhân”.
Tuy nhiên, những người khác thì cho rằng ở tầm rộng hơn, bền vững cũng là cách giúp bệnh nhân hoặc đúng hơn là để bệnh nhân không phải tới bệnh viện.
Đơn cử, với lượng phát thải carbon của ngành y tế, nếu coi ngành này là một quốc gia thì y tế sẽ là quốc gia phát thải khí nhà kính lớn thứ 5 hành tinh, tổ chức Health Care Without Harm khẳng định. Dấu chân carbon này tương đương với phát thải của 514 nhà máy điện than hoặc 4,4% phát thải toàn cầu. Hơn 1/2 là kết quả của việc sử dụng năng lượng phục vụ điện, gas, hơi nước, điều hòa và khí thải phẫu thuật.
“Đốt năng lượng hóa thạch là nhân tố chính gây ra những cái chết liên quan đến ô nhiễm không khí – thủ phạm mỗi năm lấy đi tính mạng 4 triệu người trên thế giới, nhiều hơn cả các bệnh lao, tả và AIDS cộng lại”, Gary Cohen, Chủ tịch và đồng sáng lập tổ chức Health Care Without Harm cho hay.
Một vấn đề là những người trong ngành y thường coi thân thiện với môi trường và cung cấp dịch vụ y tế cần thiết là các lựa chọn chứ không thể song hành. “Khó mà nghĩ đến bền vững khi chúng tôi phải cân nhắc đến an toàn của bệnh nhân”, Ryan Ko chia sẻ.
Nhưng nếu các bác sĩ không phải đưa ra lựa chọn giữa hai vấn đề trên thì sao?
Những người công tác ở tuyến đầu trong ngành y thường nhấn mạnh nhu cầu đồ nhựa dùng một lần là chính đáng nhằm ngăn ngừa bệnh truyền nhiễm, trong đó Covid-19 là ví dụ hoàn hảo cho nhu cầu này. Không ai thắc mắc gì về việc thải bỏ dụng cụ bảo vệ cá nhân độc hại đã sử dụng là cần thiết trong hoàn cảnh có Covid-19. Tuy nhiên, chỉ 15% rác y tế được phân loại “nguy hiểm” (trong đó bao gồm cả rác là nguồn lây nhiễm hoặc chứa phóng xạ hoặc độc hại). 85% rác y tế còn lại không khác với rác chúng ta thải ra ỏ nhà hoặc nơi làm việc, bao gồm hộp đựng thực phẩm, bao bì hoặc găng tay dùng để khám cho những bệnh nhân không mắc bệnh truyền nhiễm.
85% rác thải không độc hại này có thể giảm được.
“Mọi người hiện cho rằng dụng cụ bảo vệ và dụng cụ y tế sử dụng một lần là an toàn hơn. Nhưng điều đó không hẳn đúng”, Tony Capon, Giám đốc Viện phát triển bền vững Monash chia sẻ. “Khi tôi mới bước chân vào nghề y, theo tiêu chuẩn thì mọi thứ đều được hấp và làm sạch. Dụng cụ y tế thường được làm sạch, khử trùng và tái sử dụng”.
Ở đây nảy sinh câu hỏi về chi phí. Đồ thải bỏ sau khi sử dụng một lần được coi là ít tốn chi phí đầu tư ban đầu hơn dụng cụ phải bảo trì cẩn thận để ngăn lây nhiễm và hỏng hóc. Nhưng về lâu dài, chi phí thay thế dụng cụ là cao. Các bác sĩ giải phẫu thần kinh ở một bệnh viện Canada giảm được 570.000 đô la từ giảm 30% việc vứt bỏ đồ sử dụng một lần.
Găng tay nhựa là ví dụ. Roschnik, Cựu giám đốc bộ phận phát triển bền vững thuộc Cơ quan y tế quốc gia Anh và hiện là Giám đốc chính sách khí hậu quốc tế thuộc Health Care Without Harm hồi tưởng thời điểm các y tá ở bệnh viện Great Ormond Street tại Luân Đôn nhận ra rằng y bác sĩ thay vì rửa tay thì lại đeo găng tay không dùng cho phẫu thuật để thực hiện những việc như đẩy giường bệnh hoặc tắm cho em bé. Khi các y tá nhắc nhở nhau rằng găng tay không phải để dùng cho những việc như thế, số lượng găng tay giảm hẳn. Bệnh viện giảm được 21 tấn găng tay, tương đương 120.000 đô la.
Roschnik cho rằng ngành y “có thể giảm được chi phí tương tự nếu tận dụng một số trang thiết bị và thực hiện nỗ lực đồng bộ để phân loại rác hiệu quả hơn bởi vì không phải mọi loại rác đều có đặc tính lây nhiễm cao”.
Đương nhiên có cách để đạt được mục tiêu đó. Năm 2018, khảo sát thực hiện ở 4 trung tâm Mayo Clinic trên khắp nước Mỹ cho thấy nhựa sử dụng một lần chiếm ít nhất 20% rác thải y tế tại các bệnh viện nước này; 57% người tham gia khảo sát không biết nên tái chế dụng cụ nào được dùng trong phẩu thuật, 39% cho biết họ chỉ thỉnh thoảng hoặc không bao giờ tái chế dụng cụ nào, 48% không có kiến thức gì về tái chế.
Tình trạng thiếu hệ thống tái chế hiệu quả ở quy mô lớn cho thấy một phần của vấn đề lớn hơn trong ngành y tế của một quốc gia. Phó giáo sư chuyên ngành gây mê Jodi Sherman thuộc Trường y Yale bình luận về vai trò của ngành y với cuộc khủng hoảng khí hậu toàn cầu rằng bền vững về môi trường là “mặt không được đánh giá về chăm sóc chất lượng sức khỏe”. Nhóm của Jodi cũng chỉ ra rằng cách đánh giá truyền thống về thành công hay thất bại của tổng thể hệ thống y tế được xem như một nhân tố tạo nên chi phí ô nhiễm trong cả chuỗi cung ứng của ngành, từ khai thác tài nguyên đến quản lý rác thải.
Rác thải y tế đang hiện rõ hơn bao giờ hết, nhóm nghiên cứu kêu gọi đưa dấu chân môi trường và rác thải của ngành y vào chương trình nghị sự. “Virus corona là chất xúc tác tốt vì nhiều người nhận ra rằng làm suy thoái môi trường sẽ khiến chúng ta ngày càng phải hứng chịu nhiều bệnh dịch như thế hơn”, Roschnik phân tích. “Loài người chúng ta có nên sống theo cách đó? Hoặc nói cách khác: nếu chúng ta muốn khỏe mạnh, hành tinh này cũng phải khỏe mạnh, ai trong chúng ta cũng phải làm gì đó”.
Sức khỏe khí hậu
Giảm khí thải nhà kính là cách trực tiếp nhất mà các cơ sở y tế có thể điều chỉnh theo hướng có lợi cho môi trường và sức khỏe con người. Ngoài bệnh dịch và chết chóc do thời tiết cực đoan, sóng nhiêt và nước biển dâng trên khắp thế giới, giảm phát thải cũng sẽ giảm được chi phí để tái đầu tư cho ngành y.
Ở Mỹ, Trung tâm y khoa Boston mua điện từ các nhà máy điện mặt trời và tiết kiệm được 25 triệu đô la. Cleveland Clinic đầu tư xây dựng 15 tòa nhà cao tầng hiệu quả năng lượng khiến lượng điện tiêu dùng giảm 19%, tương đương 50 triệu đô la. Các biện pháp hiệu quả năng lượng giảm lượng tiêu thụ của Trung tâm y khoa Đại học McGill ở Canada tương đương 1,5 triệu đô la/năm, chương trình tái chế rác điện tử của Trung tâm cũng đạt kết quả 52 tấn thiết bị sau một thập kỷ.
Các bệnh viện coi chuỗi cung ứng thực phẩm là cách để giảm phát thải carbon. Trung tâm y khoa Đại học Washington áp dụng hệ thống mua sắm thực phẩm hiệu quả và bền vững hơn để cải thiện dấu chân carbon bằng cách mua thực phẩm organic nuôi trồng ở địa phương từ một liên đoàn nông dân để phục vụ bệnh nhân. Đại học California, San Diego Health loại bỏ rác thực phẩm bằng cách đem ủ hoặc quyên tặng các bữa ăn chưa sử dụng nhằm mục tiêu giảm 25% phát thải liên quan đến thực phẩm vào năm 2030.
Ngoài CO2, ngành y dựa phát thải nhiều loại khí nhà kính, ví dụ bộ phận phẫu thuật sử dụng khí gây mê desflurane, sevoflurane và N2O. Chỉ 5% các loại khí này đi vào khí quản bệnh nhân trong quá trình phẫu thuật, còn lại là phát thải y tế. Những khí halogen này có tiềm năng gây hiện tượng nóng lên toàn cầu gấp 2.000 lần CO2. Giới nghiên cứu đề nghị giảm phát thải bằng công nghệ thu giữ khí ga: dùng hộp để thu nhận khí gây mê dư thừa.
“Quản lý bệnh viện phải thực hiện nhiều việc để tạo nên tính bền vững, nhưng trên thực tế những người trong ngành y nên nghĩ về cách sử dụng sản phẩm”, Roschnik nói. “Bạn thực hành lâm sàng một cách bền vững như thế nào sẽ đòi hỏi mọi y bác sĩ phải suy nghĩ về việc này như thế”.
Những cố gắng của Teves trong việc tiết kiệm thiết bị y tế không bị đốt bỏ đôi khi là cách chăm sóc bệnh nhân tốt nhất mà vẫn đạt được bền vững một cách tự nhiên. Câu hỏi là làm thế nào để tái thiết hệ thống chăm sóc sức khỏe màkhông phải đưa ra lựa chọn giữa cứu mạng người và môi trường.
“Sức khỏe bây giờ có nghĩa là ưu tiên giải quyết các nhân tố khiến con người mắc bệnh chứ không chỉ là chữa trị những người mắc bệnh”, Cohen chỉ rõ. “Chúng ta cần phải hướng ngành y vào giải quyết dấu chân khí hậu để gắn ngành này với cộng đồng mà chính họ phục vụ, và để ủng hộ cho công lý cũng như sức khỏe môi trường”.
Trong bối cảnh gia tăng rủi ro ô nhiễm không khí, biến đổi khí hậu và rác thải nhựa, việc sắp xếp lại ngành chăm sóc sức khỏe sẽ là cơ hội cứu được thêm nhiều sinh mạng.
Nhật Anh (Theo BBC)