Chi phí tăng, ngư dân vẫn vượt khó vươn khơi bám biển

BVR&MT – Thời gian vừa qua, giá nhiên liệu liên tục “phi mã” đã tác động đến mọi mặt đời sống của người dân, trong đó ngư dân đánh bắt thủy sản là đối tượng chịu ảnh hưởng khá nặng nề.

Ngư dân Quảng Ninh lao đao khi giá nhiên liệu “phi mã”

Tại tỉnh Quảng Ninh, ngư dân gặp khó khăn khi chi phí đánh bắt tăng nhưng giá thành sản phẩm lại giảm.

Từ 16/2 đến nay, giá dầu Diezel tăng khoảng trên 3.000 đồng/lít, làm cho chi phí sản xuất của ngư dân tăng cao. Theo các ngư dân, giá nhiên liệu, vật tư tăng cao khiến tổng chi phí cho mỗi chuyến biển tăng thêm từ 25-30%; ngư dân đối mặt với nguy cơ bỏ tàu, hoặc thua lỗ nặng.

Đa số các tàu cá hoạt động khai thác hải sản chỉ đủ để duy trì sản xuất, một số tàu bị thua lỗ, thu không đủ chi. Trong khi nguồn lợi thủy sản có nguy cơ suy giảm, nhất là vùng biển ven bờ và ngư trường truyền thống.

Anh Đinh Văn Khá (huyện thủy Nguyên, Hải Phòng), chủ tàu cá số hiệu HP/90393/TS đỗ tại bến Hạ Long 1 cho biết, tàu anh vừa cập bến được hai ngày sau một tuần ra khơi, tổng chi phí hết khoảng 48-50 triệu đồng, trong khi đó, chuyến vừa rồi hàng bán ra chỉ thu về 57-58 triệu đồng.

Nhiều tàu cá thua lỗ do chi phí nhiên liệu “phi mã” không đủ chi phí để tiếp tục ra khơi. (Ảnh: Thanh Vân/TTXVN)

Như vậy, lợi nhuận thu về không đáng kể, anh Khá chia sẻ, với tình hình giá dầu tiếp tục tăng, nếu lên đến 26.000 đồng/lít dầu thì có lẽ không chỉ anh mà có khoảng 70% dân đi biển phải nghỉ, anh em phải chịu cảnh thất nghiệp.

Anh Nguyễn Văn Thành (phường Hà An, thị xã Quảng Yên), chủ tàu QN/90082/TS than thở, chuyến biển 4 ngày vừa rồi tàu anh bị lỗ, không có tiền công trả cho anh em, vì bên cạnh giá hải sản thời điểm hiện tại giảm hơn so với thời điểm trong tết; nguồn lợi thủy sản ngày càng cạn kiệt, sản lượng đánh bắt giảm. Trong khi đó, các chi phí khác thì tăng cao, nhất là nhiên liệu.

Khi phóng viên đặt câu hỏi, tại sao các chủ tàu không nâng giá bán hải sản lên một vài giá để bù chi phí thì anh Thành cho biết, do ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19, người mua giảm, không thể bán cao hơn được vì sẽ không có người mua.

Giá hiện tại đang bán thấp hơn thời điểm trước Tết Nguyên đán. Nếu tiếp tục ra khơi chắc chắn sẽ lỗ hoặc là làm không công vì vậy chỉ đành đỗ bến nghỉ và chưa tính đến việc ra khơi trở lại.

Bên cạnh đó, một bộ phận lớn ngư dân có hoàn cảnh kinh tế còn khó khăn, nhưng sản xuất lại không hiệu quả thường xuyên bị thua lỗ nên trước khi đi khai thác phải vay vốn với lãi xuất cao, thậm chí vay nóng bên ngoài để trang trải chi phí cho chuyến biển, việc trả lãi cho khoản chi phí này cũng làm tăng thêm gánh nặng cho ngư dân đã khó càng khó hơn. Đã có nhiều tàu cá phải hoạt động cầm chừng, thậm chí chịu lỗ để giữ nhân công và tránh cho tàu cá khỏi bị hư hỏng.

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Quảng Ninh, cơ cấu chi phí sản xuất của nghề khai thác hải sản gồm: chi phí mua nhiên liệu dầu Diezel, nước đá, chi phí sửa chữa ngư cụ, thuê lao động, mua lương thực, thực phẩm, thuê nhân công… Vì vậy, giá dầu tăng ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động sản xuất của ngư dân, tăng thêm gánh nặng chi phí trong mỗi chuyến biển.

Tỉnh Quảng Ninh hiện có 7.966 tàu; trong đó có khoảng hơn 200 tàu đánh bắt xa bờ. Tàu cá tỉnh hoạt động các nhóm nghề chủ yếu như lưới chụp, lưới kéo, lưới rê, câu, pha xúc, hậu cần đánh bắt nguồn lợi thủy sản và nghề khác; ngư trường khai thác chủ yếu vùng biển vịnh Bắc bộ, một số tàu cá hoạt động tại vùng biển các tỉnh Nam Trung bộ và Tây Nam bộ.

Hiện, các nghề khai thác gần bờ như nghề lưới rê, nghề câu hoạt động kém hiệu quả; một số tàu nghề giã tôm đã chuyển sang làm kiêm nghề cào ngao, cào ghẹ để duy trì hoạt động sản xuất. Các tàu hoạt động trong vùng bờ và vùng lộng tăng thêm thời gian bám biển sản xuất.

Để giảm bớt khó khăn cho ngư dân, góp phần củng cố và phát triển nghề khai thác thủy sản, Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Quảng Ninh đề xuất, kiến nghị Tổng cục thủy sản tham mưu cho Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, có cơ chế, chính sách hỗ trợ một phần kinh phí mua dầu cho ngư dân khai thác thủy sản; vốn đóng mới, cải hoán nâng cấp, thay máy sang máy ít tiêu hao nhiên liệu hơn nhằm giảm bớt chi phí nhiên liệu trong quá trình khai thác thủy sản; kinh phí ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ trong khai thác thủy sản.

Ngoài ra, cần có chính sách chuyển đổi nghề nghiệp cho một bộ phận ngư dân sang làm nghề khác để giảm áp lực đến nguồn lợi ven bờ, chuyển từ nghề đánh bắt gây xâm phạm nguồn lợi, hiệu quả thấp sang các ngành nghề khai thác chọn lọc, thân thiện với môi trường, chuyển đổi từ nghề khai thác gần bờ ra xa bờ.

Chi phí tăng, ngư dân Phú Yên vẫn vượt khó vươn khơi bám biển

Giá nhiên liệu tăng cao, chi phí chuyến biển của ngư dân khai thác vùng khơi ở Phú Yên đã tăng thêm từ 15-20 triệu đồng, ảnh hưởng rất lớn đến nguồn thu nhập. Nhưng, ngư dân vùng biển Phú Yên vẫn khắc phục khó khăn vươn khơi bám biển, bám ngư trường, duy trì sản xuất.

Phần lớn các tàu cá công suất lớn, khai thác vùng khơi tại cảng cá Đông Tác, thành phố Tuy Hòa, Phú Yên đã vươn khơi bám biển sản xuất. (Ảnh: Phạm Cường/TTXVN)

Tại cảng cá Đông Tác, phường Phú Đông, thành phố Tuy Hòa thời điểm này, hầu hết các tàu cá có công suất lớn của ngư dân thành phố Tuy Hòa đã vươn khơi sản xuất; số ít tàu cá ngư dân chờ “ngày tốt” cũng đã chuẩn bị sẵn ngư cụ, nhiên liệu để vươn khơi.

Ngư dân Đào Duy Phong, thuyền trưởng tàu PY9199TS cho biết tàu cá của gia đình khai thác cá ngừ đại dương và cá chuồn. Mỗi chuyến biển khai thác vùng khơi (khoảng gần hai tháng) tốn 10.000 lít dầu. Thời điểm trước giá dầu 14.000 đồng/lít, mỗi chuyến biển chỉ tốn 140 triệu đồng tiền dầu. Giá dầu liên tục tăng cao và thời điểm này là 21.000 đồng/lít, hiện mỗi chuyến biển, riêng chi phí cho nhiên liệu đã 200 triệu đồng.

“Vươn khơi sản xuất trên biển thời điểm này, ngư dân chúng tôi phải áp dụng một số biện pháp giúp giảm chi phí hao tổn. Gia đình tôi đã quyết định tạm nghỉ nghề câu cá ngừ đại dương, chỉ khai thác cá chuồn, giảm thời gian khai thác chuyển biển từ 60 ngày xuống còn 30 ngày. Do thời gian khai thác trên biển được rút ngắn, chuyến biển này tôi chỉ mua 5.000 lít dầu, giảm một nửa so với các chuyến trước, do vậy, hao tổn phí nhiên liệu chuyến biển này cũng sẽ giảm xuống, nếu đi biển gặp luồng cá, tàu chúng tôi sẽ có lãi,” anh Phong nói.

Tại khu vực lạch sông Ngọn, phường Hòa Hiệp Nam, thị xã Đông Hòa nơi tập trung nhiều phương tiện công suất nhỏ, khai thác gần bờ. Sau những ngày thời tiết không thuận lợi, nhiều ngư dân đã trở lại thủyền vươn khơi sản xuất.

Ngư dân Bùi Tấn Hạnh, khu phố Phú Thọ 3 chia sẻ, giá nhiên liệu tăng cao, khai thác chuyến biển thời điểm này sẽ “kém” hiệu quả hơn những chuyến trước.

“Ghe của tôi có công suất nhỏ 30CV khai thác vùng ven bờ, trước đây khi giá nhiên liệu chưa tăng mỗi chuyến biển chỉ tốn 200.000 đồng tiền dầu. Bây giờ giá dầu tăng lên 21.000 đồng/lít, chi phí nhiên liệu mỗi chuyến biển đã tăng thêm 50.000 đồng. Hiện mỗi đêm tôi khai thác cá bán được 500.000 đồng trừ chi phí hao tổn nhiên liệu tôi vẫn có thu 250.000 đồng. Mặc dù, gặp nhiều khó khăn do giá nhiên liệu tăng cao, tuy, nhiên làm ngư dân không đi biển thì không có kinh phí trang trải cuộc sống, do vậy tôi vẫn quyết tâm bám biển,” anh Hạnh cho biết.

Phú Yên có đường bờ biển dài hơn 189km, nghề khai thác, nuôi trồng thủy sản là ngành kinh tế mũi nhọn mang lại giá trị cao tại tỉnh. Hiện, tỉnh có hơn 4.100 tàu cá khai thác thủy sản; trong đó có trên 650 tàu khai thác vùng khơi.

Chi cục trưởng Chi cục thủy sản tỉnh Phú Yên Đào Quang Minh cho biết hiện toàn bộ số tàu cá khai thác vùng khơi của tỉnh đã vươn khơi bám biển sản xuất, chỉ một số ít tàu vẫn nằm bờ do ngư dân đang chờ ngày tốt, hoặc chủ tàu chưa tìm tìm đủ lao động; các tàu có công suất nhỏ, đánh bắt gần bờ ngư dân khai thác đi về trong ngày. Tại tỉnh chưa ghi nhận việc tàu cá vùng khơi nằm bờ do giá nhiên liệu tăng.

Để giảm chi phí sản xuất, ngành nông nghiệp tỉnh Phú Yên khuyến cáo ngư dân khai thác thủy sản theo tổ đội, nhóm hỗ trợ nhau trong quá trình đánh bắt thủy sản; tăng cường khai thác theo chuỗi liên kết; bảo quản nâng cao chất lượng, giá thành của sản phẩm.

Tỉnh Phú Yên cũng đang triển khai tốt các chính sách an sinh xã hội và phát triển thủy sản. Cụ thể, trong năm 2021, Phú Yên đã giải ngân hơn 1.000 tỷ đồng cho 2.000 lượt phương tiện từ chính sách của trung ương hỗ trợ ngư dân. Đồng thời, tỉnh cũng đã hỗ trợ hơn 1 tỷ đồng phí thuê bao (không quá 4 triệu/năm) đối với tất cả tàu cá có chiều dài 15m trở lên có gắn thiết bị giám sát hành trình.

“Ngay từ đầu năm 2022 này, chúng tôi sẽ có biện pháp hỗ trợ sớm hơn đối với các chính sách an sinh xã hội cho ngư dân, xét hỗ trợ phí thuê bao mỗi quý một lần để kịp thời giúp ngư dân vơi bớt khó khăn”, ông Minh cho biết thêm.

Mặc dù, đối diện với nhiều khó khăn do giá nhiên liệu tăng cao, ảnh hưởng của dịch COVID-19 và lợi nhuận từ nghề biển không còn nhiều như trước; nhưng ngư dân ở Phú Yên vẫn luôn vươn khơi, bám biển. Bởi ngư dân vẫn xem “thuyền là nhà, biển cả là quê hương,” vươn khơi không chỉ để mưu sinh mà còn góp phần khẳng định và bảo vệ chủ quyền biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc.