Chỉ 1,5% rau an toàn vào được siêu thị

BVR&MT – Trồng theo quy trình, có nhật ký giám sát, đáp ứng đủ tiêu chí của rau an toàn (RAT) nhưng đến khi tiêu thụ lại được đưa ra chợ đầu mối đổ buôn.

Đây là thực trạng đang diễn ra ở các hợp tác xã, những vùng trồng rau sạch của Hà Nội. Người nông dân trồng rau, các hợp tác xã RAT vẫn loay hoay với bài toán đầu ra.

95,2 % rau an toàn được bán cho thương lái và bán ở chợ đầu mối

Xã Vân Nội (huyện Đông, Hà Nội) là một trong những xã trọng điểm trong vùng quy hoạch RAT, có hơn 90 ha đất trồng rau. Đây là nghề truyền thống của người dân Vân Nội với hơn 20 năm kinh nghiệm sản xuất RAT. Tuy nhiên, vùng trồng rau trọng điểm này ngày càng bị thu hẹp.

Những ruộng rau đang dần bị thay thế bởi những tòa nhà xây kiên cố trong quá trình tốc độ đô thị hóa nhanh chóng mặt trong những năm gần đây. Không chỉ vậy, chính bản thân người trồng rau ngán ngẩm vì đầu ra bấp bênh, giá rau trồi sụt thất thường.

Rau an toàn Vân Nội (Đông Anh) đang khó đầu ra, hầu hết phải bán ở chợ đầu mối, chợ dân sinh.

Chị Nguyễn Thị Hoa ở thôn Đầm Tây, xã Vân Nội chia sẻ: Trồng RAT luôn phải tuân thủ theo quy trình nghiêm ngặt, nông dân phải đầu tư rất nhiều công sức nâng cao kỹ thuật để chăm sóc, nuôi trồng rau đúng theo tiêu chuẩn đặt ra. Tất cả phải tuân theo quy trình từ lúc gieo đến khi bỏ đạm, phun thuốc bảo vệ thực vật… Dù vậy, giá RAT bán ra thị trường không cao hơn rau thường là bao. Chị Hoa nêu ví dụ: “Rau ăn lá trồng theo tiêu chuẩn an toàn mà giá chỉ từ 10.000 – 12.000 đồng/kg, chỉ tương đương giá bán của rau được trồng đại trà, khiến nhiều gia đình cảm thấy ngán ngẩm, không còn thiết tha trồng RAT nữa”.

Qua khảo sát ở các vùng chuyên canh rau, sản lượng RAT cung cấp ra thị trường khó có thể “chen chân” vào hệ thống các siêu thị, cửa hàng tiện lợi. Cụ thể, theo báo cáo của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội, các hợp tác xã sản xuất RAT và doanh nghiệp thu mua chỉ tiêu thụ 4,8% sản lượng RAT. Đặc biệt, số RAT được đưa vào siêu thị càng ít ỏi hơn, con số này chỉ chiếm 1,5%.

1,5% tổng sản lượng rau an toàn vào được siêu thị.

Nút thắt lớn nhất của RAT chính là ở giá bán, RAT cũng không cao hơn rau sản xuất thông thường và việc tiêu thụ sản phẩm cũng không dễ. Do đó, các hộ trồng rau không mặn mà vào hợp tác xã. Bà Nguyễn Thị Huyền Chủ tịch HĐQT Hợp tác xã Ba Chữ (xã Vân Nội, huyện Đông Anh) cho biết: Trong số 30ha rau tại Ba Chữ, có 17ha RAT có giấy chứng nhận, có thể truy xuất nguồn gốc, nhưng phần lớn sản phẩm đều do các hộ gia đình tự tiêu thụ thông qua chợ dân sinh, chợ đầu mối. “Nhiều hợp tác xã RAT hoạt động cầm chừng và một số xã viên muốn bỏ hợp tác xã ra ngoài sản xuất rau thông thường, đây đang là thực trạng ở Vân Nội” – bà Huyền nói.

Chất lượng bị đánh đồng

RAT Lĩnh Nam hiện được phân phối theo hợp đồng đến các cơ quan, trường học, siêu thị, cụm dân cư và một số điểm bán lẻ như trường mầm non 1/6, mầm non Tuổi thơ thuộc khu vực Ba Đình, Co.opmart Nguyễn Trãi, hệ thống Vinmart, Fivimart… Lượng tiêu thụ ở các nguồn này chỉ đạt 45-50% sản lượng của toàn Hợp tác xã.

Ông Lê Hồng Minh, Phó Chủ nhiệm Hợp tác xã rau sạch Lĩnh Nam cho biết: “Với rau trồng ở Lĩnh Nam thì không bị ế, chất đống, bỏ đồng ruộng như những vùng trồng rau khác vì lợi thế nằm trung tâm Hà Nội. Tuy nhiên, 50% sản lượng rau RAT (khoảng 5 tấn rau, củ, quả/ngày) vẫn phải đưa đi tiêu thụ ở chợ đầu mối, rau sạch cân ở chợ thì chất lượng đánh đồng như nhau cả.”

Không có nguồn bao tiêu sản phẩm, khi đưa rau ra chợ đầu mối, cho dù người nông dân chấp hành tốt quy trình sản xuất RAT thì sản phẩm cũng bị đánh đồng với các loại rau không rõ nguồn gốc. Mục tiêu mở rộng, xây dựng những vùng rau an toàn quy mô lớn, sản xuất tập trung, thu hút các hộ gia đình vào sẽ khó thực hiện.

Khó khăn tiêu thụ sản phẩm không chỉ là câu chuyện riêng của vùng RAT Vân Nội và Lĩnh Nam. Thống kê của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội, tổng sản lượng RAT của thành phố đạt khoảng 250.000 tấn/năm. Trong đó, 95,2% RAT được bán cho thương lái và bán tại chợ đầu mối. Do vậy, rau không truy xuất được nguồn gốc, người tiêu dùng cũng khó mua được RAT có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng và người trồng rau cũng chưa bán được RAT theo đúng giá trị.

Có 4 yêu cầu cơ bản để sản xuất rau quả an toàn:

Thứ nhất, về đất trồng. Đất trồng rau quả an toàn không bị ảnh hưởng của các chất thải công nghiệp, chất thải của khu dân cư tập trung, bệnh viện, nghĩa trang, không nhiễm các hóa chất độc hại cho con người và môi trường.

Thứ hai, về phân bón cho rau quả an toàn. Người trồng chỉ được phép dùng phân xanh hoặc phân chuồng đã ủ hoai mục, tuyệt đối không được dùng phân hữu cơ còn tươi như phân bắc, phân chuồng, phân rác còn tươi… để tưới hoặc bón cho rau quả. Cần sử dụng hợp lý và cân đối giữa các loại phân hữu cơ và vô cơ. Số lượng phân bón phải dựa trên qui trình qui định cho từng loại rau quả cụ thể, đặc biệt đối với rau ăn lá phải kết thúc bón đạm trước khi thu hoạch tối thiểu từ 12 đến 15 ngày, hạn chế tối đa việc sử dụng các chất kích thích.

Thứ ba, về nước tưới. Chỉ được phép dùng các nguồn nước từ giếng khoan, nước từ các sông suối không bị ô nhiễm các hóa chất độc hại và vi sinh vật gây bệnh.

Thứ tư là về công tác phòng trừ sâu bệnh. Người trồng cần áp dụng triệt để các biện pháp quản lý dịch hại tổng hợp (IPM) trên nguyên tắc hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại do sâu bệnh gây lên, nhằm đạt hiệu quả kinh tế cao, ít hoặc không độc hại cho con người và môi trường.