Chế tạo sừng tê giác giả để chống nạn săn trộm có thể tác dụng ngược lại

BVR&MT – Các nhà khoa học Anh và Trung Quốc đã chế tạo thành công sừng tê giác giả làm từ lông ngựa và có kế hoạch đưa ra tràn ngập thị trường đen để giảm giá thành nhằm giảm nạn săn trộm bất hợp pháp. Tuy nhiên, hy vọng cứu tê giác khỏi sự tuyệt chủng của phát minh mới này đang bị cảnh báo có nguy cơ tác dụng ngược lại.

Loài tê giác đang đối mặt nguy cơ tuyệt chủng vì bị săn trộm lấy sừng.

Đề xuất giải pháp làm lũng đoạn thị trường chợ đen bằng sừng giả

Nhu cầu sử dụng sừng tê giác trong y học cổ truyền Trung Quốc cho đến chạm khắc trang trí khiến thương mại quốc tế bất hợp pháp về loại hàng này đang phát triển mạnh. Chỉ riêng ở Nam Phi, 769 con tê giác đã bị săn trộm vào năm 2018. Trong thập kỷ qua, 8.889 con tê giác châu Phi đã bị săn trộm. Tội phạm quốc tế còn đánh cắp sừng tê giác từ các bảo tàng ở châu Âu.

Tê giác là ba trong số năm loài đang bị đe dọa nghiêm trọng, có nghĩa là chúng phải đối mặt với nguy cơ tuyệt chủng cao.

Nhiều giải pháp được đưa ra để giải quyết vấn đề này, từ tuyên truyền để người dân kỳ thị với việc sử dụng sừng tê giác, đến hợp pháp hóa thương mại nội địa. Và các chuyên gia cho rằng có một giải pháp khác là làm tràn ngập thị trường bằng hàng giả.

Giáo sư Fritz Vollrath, đồng tác giả của nghiên cứu tại Đại học Oxford cho biết, theo phân tích của các nhà kinh tế, nếu tràn ngập thị trường với các sản phẩm thay thế, giá sẽ giảm. Nếu giá giảm và hình phạt khi mua bán sừng tê giác vẫn còn rất cao, thì người giao dịch có thể thay đổi thói quen mua sắm.

Cấu trúc sừng của hầu hết các loài động vật, bao gồm cả bò, đều có một cục xương được bao phủ bởi một lớp keratin – cùng loại protein có trong tóc và móng tay của chúng ta. Riêng sừng tê giác là keratin rắn và không có lõi xương.

Các nhà khoa học cho biết họ đã tạo ra một chiếc sừng tê giác giả đầy thuyết phục bằng cách dán chặt các lông đuôi ngựa sau khi lột lớp ngoài của nó.

Nhóm nghiên cứu cho biết họ chọn lông ngựa để tạo sừng tê giác giả vì con vật này là anh em họ gần gũi với tê giác, trong khi lông có kích thước tương tự như sợi keratin.

Chất keo mà nhóm nghiên cứu sử dụng để dán là một chất dựa trên lụa mà họ mô phỏng như các vật liệu kết nối trong sừng tê giác thật. Cellulose cũng được đưa vào hỗn hợp nhân tạo để giống với nguyên liệu thực vật được kết hợp khi tê giác mài sừng.

Sừng tê giác thật ở bên trái và sừng nhân tạo ở bên phải dưới kính hiển vi.

Theo Giáo sư Vollrath, vật liệu thu được, có thể dễ dàng được đúc thành hình sừng tê giác, sấy khô chân không trong lò nóng và đánh bóng. Kết quả cuối cùng là một vật liệu cho thấy các tính chất cơ học trông giống như sừng thật, thậm chí dưới kính hiển vi cũng giống. Nghiên cứu được công bố trên tạp chí Báo cáo khoa học.

Giáo sư Fritz Vollrath cho biết, có vẻ như rất dễ dàng và rẻ tiền để tạo ra một vật liệu giống như sừng tê giác vốn đang rất đắt tiền. Ông nói: “Chúng tôi để mở cho những người khác cùng phát triển công nghệ này với mục đích gây nhầm lẫn thương mại, giảm giá và do đó hỗ trợ bảo tồn tê giác”.

Chuyên gia bảo tồn phản đối vì tác dụng ngược

Nhưng Tổ chức từ thiện bảo tồn động vật hoang dã có trụ sở tại Anh Born Free cảnh báo rằng, việc tràn ngập thị trường sừng tê giác giả không chỉ đe dọa tê giác hơn nữa vì kích thích nhu cầu, mà còn làm suy yếu các nỗ lực giáo dục người mua sừng tê giác và khiến việc thực thi lệnh cấm trở nên khó khăn hơn.

Chuyên gia về động vật hoang dã Mark Jones của tổ chức này cho biết: Trước đây, các nhà bảo tồn đã tuyên truyền với người tiêu dùng không nên mua sừng tê giác, nhưng nếu thị trường tràn ngập sản phẩm sừng tê giác giả sẽ có thể kích thích nhu cầu mua sắm.

Sản phẩm giả cũng có thể làm cho công việc của các cơ quan thực thi pháp luật khó khăn hơn khi họ phải phân biệt giữa sừng thật và giả. Rất nhiều nỗ lực để bảo vệ tê giác khỏi nạn săn trộm, và nếu ai đó bất ngờ giới thiệu sản phẩm sừng giả vào thị trường và mong muốn người tiêu dùng thay đổi thì điều đó không thực tế.

Chưa kể, việc làm sừng giả cũng có thể vi phạm các quy định liên quan đến gian lận thương mại, ông Jones nói.

Đáp lại, Giáo sư Vollrath cho rằng: “Thông điệp của chúng tôi rất đơn giản: sừng tê giác chỉ là một búi tóc mọc ở mũi. Không có gì kỳ diệu về nó. Thật dễ dàng để nhân bản nó với giá rất rẻ. Vậy tại sao mọi người lại phải trả nhiều tiền để mua búi tóc mũi?”

Tiến sĩ Richard Thomas, Tổ chức động vật hoang dã Traffic cho biết, nghiên cứu mới này có ý định tốt, nhưng nó gây ra những rủi ro đáng kể. Thomas nói rằng, thay vào đó, điều quan trọng là giảm nhu cầu về sừng tê giác. Điều này có thể đạt được thông qua các biện pháp can thiệp thay đổi hành vi của người tiêu dùng lâu dài cùng với các biện pháp thực thi mạnh mẽ để ngăn chặn những người tiêu dùng sừng tê giác hiện tại.

Trước đây, Tổ chức Bảo vệ tê giác đã từng phản đối những nỗ lực của bốn công ty Mỹ nhằm sản xuất sừng tê giác tổng hợp hoặc chế tạo sinh học.

Vào năm 2015, một liên minh gồm hơn 10 nhóm bảo tồn đã cảnh báo chống lại việc quảng cáo sừng giả vì nó sẽ xóa bỏ sự kỳ thị của việc tiêu thụ sừng tê giác và tạo ra những trở ngại không cần thiết cho cơ quan thực thi pháp luật. Nó cũng có thể làm lung lay niềm tin y học vốn chưa được chứng minh về mặt khoa học về tác dụng của sừng tê giác.