Chất thải rắn sinh hoạt nước ta tăng 46% sau 10 năm

BVR&MT – Khối lượng chất thải rắn sinh hoạt năm 2019 trên toàn quốc đã tăng 46% so với năm 2010. Chôn lấp vẫn là hình thức xử lý chính nhưng chỉ có khoảng 20% bãi chôn lấp hợp vệ sinh.

Một nhà máy xử lý chất thải rắn sinh hoạt - Ảnh minh họa
Một nhà máy xử lý chất thải rắn sinh hoạt – Ảnh minh họa

Bộ Tài nguyên và Môi trường vừa công bố Báo cáo Hiện trạng Môi trường quốc gia 2019 với chủ đề “Quản lý chất thải rắn sinh hoạt” nhằm đánh giá tổng thể và toàn diện về thực trạng công tác quản lý chất thải rắn sinh hoạt (CTRSH), từ đó đề xuất các nhóm giải pháp quản lý bền vững trong thời gian tới và một số giải pháp ưu tiên để xử lý các điểm nóng về quản lý chất thải rắn sinh hoạt hiện nay.
Theo Báo cáo, CTRSH tại các đô thị năm 2019 ở mức 35.624 tấn/ngày, ở nông thôn là 28.394 tấn/ngày. Tổng khối lượng CTRSH phát sinh trên toàn quốc năm 2019 đã tăng 46% so với năm 2010.

Tỷ lệ thu gom CTRSH ở Việt Nam trung bình năm 2019 tại khu vực đô thị đạt 92% và khu vực nông thôn đạt 66%. Cả nước có 1.322 cơ sở xử lý CTRSH, gồm: 381 lò đốt, 37 dây chuyền chế biến phân compost, 904 bãi chôn lấp. Chôn lấp vẫn là hình thức xử lý chính (71% khối lượng thu gom) nhưng chỉ có khoảng 20% bãi chôn lấp là hợp vệ sinh.

Những năm gần đây, ô nhiễm môi trường từ CTRSH, đặc biệt là tại các bãi chôn lấp, đã và đang là vấn đề bức xúc đối với xã hội. Ngoài ra, một phần chất thải rắn từ nước ngoài với thành phần đa dạng được nhập khẩu vào Việt Nam theo hình thức phế liệu nhập khẩu cũng chưa bảo đảm các quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về môi trường, tạo gánh nặng cho việc quản lý CTRSH trong nước. Chất thải nhựa khó phân hủy cũng là vấn đề thách thức trong công tác quản lý CTRSH hiện nay.

Bên cạnh những tác động đối với môi trường tự nhiên như cảnh quan, khí nhà kính, ô nhiễm đất và nước ngầm, ô nhiễm không khí, ô nhiễm biển…, CTRSH và việc kiểm soát, xử lý CTRSH không hiệu quả còn gây nhiều ảnh hưởng đến sức khỏe cộng đồng cũng như có khả năng nảy sinh các xung đột tại các khu vực xung quanh cơ sở xử lý rác thải.

Do vậy, thiệt hại về kinh tế không chỉ bao gồm chi phí xử lý ô nhiễm môi trường, mà còn bao gồm chi phí liên quan đến khám chữa bệnh và thiệt hại thu nhập từ các ngành như du lịch, thủy sản…

Báo cáo đã chỉ ra rất nhiều thách thức trong công tác quản lý CTRSH ở Việt Nam, từ xây dựng và thực hiện các cơ chế, chính sách, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về môi trường, các công cụ kinh tế, công nghệ xử lý, cho đến hoạt động thanh tra và kiểm tra và nhận thức cộng đồng.

Trên cơ sở đó, Báo cáo đề xuất một số giải pháp cần thiết để tăng cường hiệu quả quản lý Nhà nước; phát triển và đầu tư công nghệ xử lý và định giá dịch vụ quản lý CTRSH phù hợp với điều kiện Việt Nam; đẩy mạnh công tác xã hội hoá quản lý CTRSH, đa dạng hóa và duy trì tính bền vững của các nguồn đầu tư trong công tác quản lý.