Chấp thuận không nhận chìm gần 1 triệu m3 chất nạo vét xuống biển
BVR&MT – Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) Trần Hồng Hà cho biết, Bộ TN&MT chấp thuận đề xuất của tỉnh Bình Thuận về việc không nhận chìm gần 1 triệu m3 chất nạo vét xuống biển mà đưa vào khu vực Cảng Tổng hợp Vĩnh Tân. Hiện phương án thống nhất này đã được báo cáo xin ý kiến chỉ đạo của Chính phủ.
Theo đó, Bộ TN&MT và tỉnh Bình Thuận cùng các cơ quan liên quan vừa có văn bản thỏa thuận, thống nhất không nhận chìm gần 1 triệu m3 chất nạo vét của Công ty THHH Điện lực Vĩnh Tân 1 xuống vùng biển Tuy Phong, Bình Thuận.Bộ TN&MT thống nhất phương án mà Tỉnh ủy, UBND tỉnh Bình Thuận đã đề xuất, đưa toàn bộ gần 1 triệu m3 chất nạo vét của Công ty TNHH Điện lực Vĩnh Tân 1 sẽ được đổ vào khu vực Cảng tổng hợp Vĩnh Tân.
Khu vực Cảng tổng hợp Vĩnh Tân là nơi trước đó được Công ty CP cảng tổng hợp Vĩnh Tân đồng ý cho Dự án Nhà máy Nhiệt điện Vĩnh Tân 4 (thuộc Tập đoàn Điện lực Việt Nam – EVN) đổ khối lượng bùn cát nạo vét của đơn vị này.
Trước đó, ngày 23/6/2017, Thứ trưởng Bộ TN&MT Nguyễn Linh Ngọc đã ký Giấy phép số 1517/GP-BTNMT, chấp thuận cho Công ty TNHH điện lực Vĩnh Tân 1 nhận chìm 918.533 m3 bùn, cát, vỏ sò, sạn sỏi ra vùng biển thuộc xã Vĩnh Tân (Tuy Phong, Bình Thuận). Trong đó, có 20% bùn, 80% cát, vỏ sò, cát pha, cát kết phong hóa, sét, bùn trầm tích… Giấy phép có hiệu lực kể từ ngày ký và hết hạn vào ngày 31/10/2017.
Khu vực biển được cấp phép đổ chất nạo vét nằm gần Khu bảo tồn biển Hòn Cau thuộc huyện Tuy Phong, là một trong 16 khu bảo tồn biển của cả nước. Vì vậy, dư luận đặt câu hỏi việc cho đổ chất nạo vét xuống vùng biển này có đe dọa trực tiếp đến quần thể san hô và tác động hiệu ứng tràn của biển ở khu vực này hay không.
Sau khi có ý kiến phản đối từ dư luận, chuyên gia… Tỉnh Bình Thuận đã kiến nghị nên dừng việc nhận chìm chất nạo vét của Công ty TNHH điện lực Vĩnh Tân 1.Đến ngày 3/8, Văn phòng Chính phủ có văn bản truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc về dự án nhận chìm vật chất ở biển Bình Thuận.Thủ tướng yêu cầu Bộ trưởng Bộ TN&MT xem xét, xử lý vấn đề trên đúng quy định của pháp luật. Giao Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam (VAST) chủ trì, khẩn trương xem xét, đánh giá toàn diện tác động môi trường, các giải pháp bảo vệ môi trường trong việc nhận chìm vật chất tại vùng biển tỉnh Bình Thuận theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại công văn 7732 ngày 24/7/2017 của Văn phòng Chính phủ.Về phía Bộ TN&MT cho biết, Bộ này chưa bàn giao biển cho Vĩnh Tân 1 để chủ dự án nhận chìm bùn thải nạo vét mà phải chờ kết quả quan trắc của các nhà khoa học.Ngày 29/7, Viện Hải dương học Nha Trang đã có báo cáo kết quả khảo sát vùng biển nhận chìm 1 triệu m3 nạo vét của Vĩnh Tân 1. Kết quả cho thấy, thành phần vật liệu trầm tích đáy biển chủ yếu là cát mịn, màu xám đen, rất ít vỏ vụn xác sinh vật, độ chọn lọc tốt.