Chắp nối cho nông sản vươn tầm xuất khẩu

BVR&MT – Thời gian qua, các hợp tác xã trên địa bàn tỉnh Sơn La đã có sự phát triển ổn định về số lượng và chất lượng, đa dạng các mô hình sản xuất, kinh doanh, đổi mới phương thức hoạt động… Qua đó, góp phần quan trọng trong chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi, thay đổi tập quán sản xuất cũ và thực hiện các mục tiêu của tỉnh về phát triển kinh tế, xóa đói, giảm nghèo.

Người lao động của HTX Dịch vụ Nông nghiệp Ngoan Hậu đóng gói nhãn tươi để cung cấp ra thị trường.

Từ đầu năm đến giữa tháng 8 năm 2023, toàn tỉnh Sơn La có 58 hợp tác xã thành lập mới, với tổng số 861 hợp tác xã đang hoạt động. Năm 2024, tỉnh phấn đấu thành lập mới trên 75 hợp tác xã, nâng tổng số hợp tác xã đạt gần 1.000, với hơn 40.000 thành viên; doanh thu bình quân đạt 2,2 tỷ đồng/hợp tác xã/năm; tạo việc làm cho khoảng 12.000 lao động thường xuyên; thu nhập bình quân của người lao động trong khu vực kinh tế tập thể, hợp tác xã đạt khoảng 55 triệu đồng/người/năm.

Trong quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế của tỉnh Sơn La, các hợp tác xã luôn giữ vai trò quan trọng trong việc liên kết, hướng dẫn cho các hộ thành viên áp dụng khoa học, kỹ thuật, công nghệ vào sản xuất, chế biến, xây dựng thương hiệu. Đồng thời, các hợp tác xã cũng là đầu mối chính liên doanh, liên kết, tiếp cận thị trường, tiêu thụ sản phẩm cho các thành viên. Qua đó, chắp nối cho các sản phẩm nông sản trong toàn tỉnh chiếm lĩnh thị trường trong cả nước, vươn tầm xuất khẩu.

Là một trong những hợp tác xã luôn tích cực đẩy mạnh áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, chế biến, hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp Hưng Lộc, xã Chiềng Khương, huyện Sông Mã, tỉnh Sơn La có 46 ha nhãn; trong đó, 16 ha đã được các thành viên chuyển đổi từ nhãn địa phương sang ghép giống nhãn chín sớm T6 và canh tác theo tiêu chuẩn VietGAP. Năm 2023, sản lượng nhãn của hợp tác xã ước đạt 580-600 tấn quả nhãn tươi.

Vườn nhãn của ông Trần Văn Phát, thành viên hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp Hưng Lộc đang tất bật thu hoạch nhãn chính vụ để kịp cho đơn hàng trong ngày. Gia đình ông Phát hiện có 3 ha nhãn; trong đó, 1 ha nhãn chín sớm T6 và 2 ha nhãn Miền Thiết.

Theo ông Phát, để cây nhãn đạt năng suất, chất lượng cao, thì khâu chăm sóc rất quan trọng. Khi thu hoạch xong cần phải tỉa bớt cành để cây phát triển lộc, ra hoa, đậu quả nhiều vào năm sau. Đặc biệt, trong quá trình cây nuôi quả, gia đình ông chủ yếu chăm bón cho cây bằng phân hữu cơ, như: phân chuồng, phân ngô, đỗ tương, đạm cá; bón phân hóa học thì dùng phân NPK, đạm, lân, kali. Ngoài ra cũng cần tưới đủ nước cho cây… Đối với nhãn chín sớm tuy đòi hỏi kỹ thuật chăm sóc cao hơn, nhưng mang lại lợi nhuận cao hơn nhiều lần so với nhãn chính vụ.

Hợp tác xã Dịch vụ Nông nghiệp Ngoan Hậu, xã Chiềng Khương, huyện Sông Mã chuyên nhãn theo quy trình VietGAP và hữu cơ, an toàn. Trên cơ sở tìm ra hướng đi mới trong việc hỗ trợ nhau sản xuất chuyên canh tập trung, bảo đảm cho việc đáp ứng các tiêu chí về vệ sinh an toàn thực phẩm, xây dựng thương hiệu, đưa sản phẩm của nhãn của hợp tác xã đến đông đảo người tiêu dùng, các hộ trồng nhãn ở xã Chiềng Khương đã liên kết thành lập Hợp tác xã Dịch vụ Nông nghiệp Ngoan Hậu.

Hiện nay, hợp tác xã có 8 thành viên, với tổng diện tích 20 ha trồng nhãn; trong đó, có 5 ha nhãn địa phương ghép giống nhãn chín sớm T6 và canh tác theo tiêu chuẩn VietGAP, hữu cơ. Các quy trình sản xuất được kiểm soát chặt chẽ, do đó chất lượng, mẫu mã sản phẩm bảo đảm, được khách hàng tin dùng. Ngoài phương thức bán hàng truyền thống, hợp tác xã luôn trú trọng, đẩy mạnh quảng bá, kết nối tiêu thụ nông sản qua các trang mạng. Nhờ đó, sản phẩm của các thành viên được tiêu thụ nhanh chóng, tiết kiệm thời gian, chi phí.

Ông Bùi Sơn Hậu, Giám đốc Hợp tác xã Dịch vụ Nông nghiệp Ngoan Hậu cho biết, với phương châm đặt lợi ích và sức khỏe của người tiêu dùng lên hàng đầu, ngay từ khi thành lập hợp tác xã đã có những bước đi cụ thể. Việc sản xuất của các hộ thành viên được thực hiện theo quy trình chung và được kiểm soát rất nghiêm ngặt từ khâu cắt tỉa, tạo tán, bón phân, phù hợp theo từng thời điểm; tưới nước và giữ độ ẩm cho cây, chăm sóc để bảo đảm cây ra hoa tốt, đậu quả nhiều, không bị rụng quả non… Nhờ đó, sản phẩm có chất lượng cao và đồng đều, bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm, được khách hàng tin dùng, tiêu thụ thuận lợi. Khi thu hoạch, hợp tác xã đứng ra liên kết tiêu thụ với tư thương ở các tỉnh thành cho thành viên.

Niên vụ 2023, sản lượng nhãn chín sớm của hợp tác xã ước khoảng 75 tấn, nhãn chính vụ ước đạt 225 tấn. Với giá bán bình quân 12.000 đồng/kg quả tươi, doanh thu 3,6 tỷ đồng, trừ chi phí thu lãi gần 1,8 tỷ đồng; tạo việc làm thường xuyên cho hàng chục lao động và gần 100 lao động thời vụ.

Anh Sùng Chứ Lầu, xã Long Hẹ, huyện Thuận Châu, tỉnh Sơn La chia sẻ: Trước đây anh Lầu không có việc làm ổn định, anh rất vui vì được nhận vào làm việc tại hợp tác xã. Công việc phù hợp với khả năng, sức khỏe của anh, thu nhập cũng cao, ổn định. Do đó, anh Lầu mong muốn được làm việc lâu dài tại hợp tác xã.

Là một trong những thành viên hợp tác xã tích cực nhất trong việc ứng dụng khoa học, công nghệ vào sản xuất, quảng bá, tiêu thụ sản phẩm của gia đình cũng như các thành viên khác, chị Phạm Thị Ngoan cho hay: nhận thấy nhu cầu của thị trường đòi hỏi ngày càng nghiêm ngặt như, xuất xứ nguồn gốc, mẫu mã, chất lượng sản phẩm, đạt tiêu chuẩn VietGAP, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm. Do đó, việc vào hợp tác xã để được các ban, ngành hướng dẫn về quy trình sản xuất đúng tiêu chuẩn là rất cần thiết và chị Ngoan nhanh chóng tham gia.

Ngoài ra, theo chị Ngoan, xu thế của thời đại bây giờ việc tiếp cận công nghệ thông tin, quảng bá sản phẩm rất quan trọng. Bởi vì, hầu hết người dân đều có điện thoại thông minh, chỉ cần ở nhà cũng có thể nắm bắt được thông tin bên ngoài. Chính vì vậy, chị Ngoan đã giành thời gian theo học một số lớp công nghệ thông tin, quay phim rồi lập ra trang Web về “Nông sản vùng biên” để phục vụ cho việc quảng bá sản phẩm, giới thiệu quy trình chăm sóc, xây dựng thương hiệu của hợp tác xã.

Cũng theo chị Ngoan, sản xuất nhãn theo quy trình VietGAP nên có mẫu mã, chất lượng tốt. Bởi vậy, sản phẩm của hợp tác xã ngày càng được đông đảo người tiêu dùng đón nhận và hướng đến thị trường xuất khẩu. Nhờ đó, nâng cao giá trị, tăng thu nhập cho các thành viên, không còn lo “được mùa, mất giá” như trước.

Với việc ứng dụng công nghệ, đổi mới quy trình, kỹ thuật sản xuất để tạo ra những sản phẩm trái vụ, rải vụ đạt chất lượng cao, mẫu mã đẹp, an toàn, cùng với việc đẩy mạnh quảng bá, kết nối tiêu thụ, nhiều hợp tác trong toàn tỉnh Sơn La đã tạo dựng được thương hiệu, thị trường đón nhận. Qua đó, mang lại thu nhập cao cho các thành viên và giải quyết việc làm cho người dân, góp phần xây dựng nông thôn mới ở địa phương.