Chậm triển khai dự án tái định cư đường cao tốc bắc-nam tại Quảng Bình

BVR&MT – Đến giữa tháng 8, tỉnh Quảng Bình mới chỉ có 1/26 khu tái định cư thuộc dự án đường bộ cao tốc bắc-nam phía đông hoàn thành và giao đất cho người dân; hầu hết các khu còn lại chỉ mới đang trong giai đoạn triển khai. Nếu không đẩy nhanh tiến độ thì chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến tiến độ chung của dự án đường cao tốc bắc-nam đoạn qua Quảng Bình.

Sau khi khu tái định cư ở Hiền Ninh, huyện Quảng Ninh (Quảng Bình) được hoàn thiện hạ tầng, chính quyền đã giao đất cho người dân.

Dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc bắc-nam phía đông giai đoạn 2021-2025, đoạn qua tỉnh Quảng Bình gồm 3 dự án thành phần với chiều dài 126,43 km. Trong đó, đoạn Vũng Áng-Bùng dài gần 43 km, Bùng-Vạn Ninh dài gần 50 km Vạn Ninh-Cam Lộ hơn 33,5 km. Tuyến cao tốc đi qua địa bàn cũng có tới tám nút giao, vì vậy khối lượng giải phóng mặt bằng rất lớn.

Trên diện tích thực hiện dự án đường bộ cao tốc, có 3.227 hộ gia đình bị ảnh hưởng, trong đó có 580 hộ thuộc diện tái định cư; 4.662 ngôi mộ bị ảnh hưởng, trong đó có 3.737 ngôi mộ phải di dời đến vị trí mới. Về công trình hạ tầng kỹ thuật, hệ thống đường dây 500 kV có 15 vị trí bị ảnh hưởng, đường dây 220 kV có 15 vị trí, đường dây 110 kV có 21 vị trí giao chéo với tuyến cao tốc và nhiều hệ thống đường dây điện trung thế, hạ thế, hệ thống viễn thông.

Với sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị, Quảng Bình đã nỗ lực tập trung bàn giao mặt bằng sạch cho chủ đầu tư phục vụ thi công ở các đoạn tuyến. Tính đến cuối tháng 7, chiều dài ba đoạn tuyến mà các địa phương ở Quảng Bình đã bàn giao cho các ban quản lý dự án của Bộ Giao thông vận tải đạt 106,66 km/126,43 km (84,36%).

Cụ thể, thành phố Đồng Hới bàn giao 100%, thị xã Ba Đồn 95,19%; các huyện: Quảng Trạch 85,57%, Bố Trạch 80,23%, Quảng Ninh 95,8% và Lệ Thủy 71,66%. Riêng huyện Lệ Thủy còn hơn 9 km chưa bàn giao, trong đó có 1,91 km phạm vi đất rừng, đất nông nghiệp đang xác định nguồn gốc đất và kiến nghị về giá bồi thường, hỗ trợ; 3,41 km thuộc phạm vi người dân đang đề nghị được tái định cư phân tán; 3,73 km thuộc phạm vi các hộ tái định cư.

Phó Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng và phát triển quỹ đất Lệ Thủy Phạm Xuân Phú cho biết, trên địa bàn huyện quy hoạch ba khu tái định cư, đều đang trong giai đoạn lập báo cáo kinh tế kỹ thuật, hoàn chỉnh hồ sơ đánh giá tác động môi trường để trình phê duyệt. Tất cả đều được thực hiện với quyết tâm cao nhất để triển khai thi công trên hiện trường, sớm di dời người dân đến nơi ở mới. Cùng với đó, việc di dời lăng mộ, hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng viễn thông, di dời hoàn trả kênh mương thủy lợi đang được chính quyền địa phương triển khai khẩn trương.

Đại diện lãnh đạo các xã ở huyện Lệ Thủy cho rằng, dù các ban, ngành cấp huyện và cấp ủy, chính quyền địa phương đã tích cực vào cuộc tuyên truyền, vận động nhân dân để triển khai dự án đúng tiến độ nhưng thực tế gặp nhiều khó khăn. Đó là, việc xác định loại đất trồng rừng sản xuất và đất trồng cây lâu năm có bảng giá chênh lệch lớn nên nhiều hộ dân chưa đồng tình. Địa phương chưa bố trí được quỹ đất để bồi thường cho các đối tượng tái định cư, bồi thường đất nên chưa có cơ sở để tiến hành định giá đất tại các thửa đất bị thu hồi.

Chủ tịch Ủy ban nhân dân thị trấn Nông trường Lệ Ninh Phạm Minh Điền (huyện Lệ Thủy) cho biết, tuyến cao tốc qua địa phương dài 3,98 km, với 107 hộ và tổ chức bị ảnh hưởng; trong đó có 56 hộ gia đình, cá nhân phải tái định cư. Trong quá trình kiểm kê, áp giá bồi thường, phát hiện 28 hộ gia đình, cá nhân đã xây dựng nhà ở và các công trình sinh hoạt vượt hạn mức đất ở. Mặt khác, một số hộ gia đình, cá nhân ở ngoài phạm vi giải phóng mặt bằng nhưng có nhà ở sát đường bộ cao tốc bắc-nam đề nghị cơ quan liên quan thu hồi phần diện tích đất và nhà ở nhưng chưa được kiểm tra, giải quyết.

Theo lãnh đạo huyện Lệ Thủy, dự án đường cao tốc bắc-nam đi qua địa bàn dài 32 km (lớn nhất tỉnh Quảng Bình), khối lượng tái định cư, di dời công trình kỹ thuật, hạ tầng, mồ mả lớn nhất từ trước đến nay. Thủ tục pháp lý để thực hiện tái định cư, di dời hạ tầng phức tạp trong khi cơ chế đặc thù không quy định cắt bỏ các thủ tục liên quan. Mặt khác, đoạn tuyến Vạn Ninh-Cam Lộ thuộc địa bàn hai tỉnh Quảng Bình và Quảng Trị nên thực hiện khung chính sách bồi thường, hỗ trợ giải phóng mặt bằng, trước khi phê duyệt phải xin ý kiến Bộ Giao thông vận tải về phương án nên mất thời gian.

Ngoài ra, các khu tái định cư của huyện Lệ Thủy chậm tiến độ còn do trong quá trình thực hiện, nhiều hộ dân lúc đầu đăng ký tái định cư nhưng sau đó đổi ý xin nhận tiền đền bù và tự tái định cư nên huyện phải điều chỉnh lại quy mô dự án. Về mặt chủ quan, cán bộ, nhân viên làm công tác tái định cư ít, khối lượng công việc nhiều, trong khi cơ chế đặc thù không quy định cắt bỏ các thủ tục liên quan; việc thẩm định, phê duyệt của cơ quan chuyên môn cấp tỉnh cũng chưa đáp ứng yêu cầu đề ra.

Không riêng Lệ Thủy, các địa phương khác ở Quảng Bình vẫn đang triển khai các bước về thủ tục để xây dựng khu tái định cư. Huyện Bố Trạch là địa phương có nhiều khu tái định cư nhất (12 khu), nhưng mới khởi công được ba khu, số còn lại đang trong giai đoạn phê duyệt dự án đầu tư. Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Bùi Quốc Thanh cho biết, địa phương đã tập trung quyết liệt để đẩy nhanh tiến độ, nhưng do thủ tục để triển khai các khu tái định cư mất nhiều thời gian nên bị ảnh hưởng. Đơn cử như việc thẩm duyệt phương án phòng cháy, chữa cháy nằm trong phương án chung của quy hoạch cũng mất khá nhiều thời gian. Địa phương mong muốn cơ quan chức năng quan tâm rút ngắn quy trình, tạo điều kiện cho huyện triển khai các bước tiếp theo.

Huyện Quảng Ninh đang là địa phương dẫn đầu về tiến độ xây dựng các khu tái định cư của tỉnh. Toàn huyện có ba khu tái định cư, trong đó khu tái định cư ở xã Hiền Ninh đã hoàn thành và bàn giao đất cho người dân, khu tái định cư ở xã Vạn Ninh đang thi công nước rút để hoàn thành, người dân đã bốc thăm nhận đất, chỉ còn khu tái định cư Xuân Ninh vừa thi công, vừa vận động các hộ dân đồng thuận với phương án bồi thường, nhận đền bù. Đại diện lãnh đạo Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng và phát triển quỹ đất huyện cho rằng, các dự án tái định cư bảo đảm tiến độ do được bố trí trên vị trí đất đã có trong quy hoạch sử dụng đất nên không phải bổ sung, điều chỉnh; không phải đất rừng nên không phải làm thủ tục chuyển đổi mục đích hoặc phải bồi thường giải phóng mặt bằng rồi mới triển khai dự án xây dựng khu tái định cư.

Theo Giám đốc Sở Giao thông vận tải tỉnh Quảng Bình Phạm Văn Năm, trong các cuộc họp giao ban, Ban chỉ đạo của tỉnh luôn rà soát tiến độ, giao các phần việc cụ thể, liên quan từng đoạn tuyến, từng trường hợp cho các địa phương ưu tiên giải quyết, sớm giải phóng mặt bằng một số vị trí “đường găng” để đáp ứng thi công. Với kiến nghị của các hộ dân đề nghị tái định cư phân tán, tỉnh cũng ưu tiên giải quyết, sớm bàn giao mặt bằng cho nhà thầu thi công đoạn qua Lệ Thủy hoặc đoạn tuyến đã bàn giao mặt bằng nhưng không liên tục tại huyện Quảng Trạch.

Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Bình Đoàn Ngọc Lâm cho biết, khối lượng mặt bằng các địa phương đã bàn giao cho chủ đầu tư vẫn đáp ứng cho việc thi công thời gian tới. Tuy nhiên, công tác tái định cư đang bị chậm so với kế hoạch đề ra, nếu không tập trung đẩy nhanh tiến độ để bố trí cho người dân thì chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến việc bàn giao mặt bằng phục vụ thi công dự án vào cuối năm nay và đầu năm tới. Vì vậy, để bảo đảm tiến độ chung của dự án đường cao tốc bắc-nam, tỉnh đang quyết liệt yêu cầu các ban, ngành, địa phương phối hợp chặt chẽ để tháo gỡ khó khăn, có giải pháp tháo gỡ vướng mắc thủ tục pháp lý, rút ngắn thời gian thực hiện thủ tục hồ sơ nhằm sớm hoàn thành các khu tái định cư.