Chậm thay đổi tư duy, nông sản sẽ khó kiếm thị trường xuất khẩu

BVR&MT – Ngay cả thị trường được coi là “dễ tính” như Trung Quốc đã đề ra những tiêu chuẩn cao hơn, nên sản xuất nông sản xuất khẩu nếu không nhanh chóng nâng cao chất lượng sẽ gặp khó ở bất cứ thị trường nào.

Từ năm 2020, các chính sách kiểm soát dịch Covid-19 của Trung Quốc đã khiến hoạt động xuất khẩu nông sản của Việt Nam sang thị trường này gặp nhiều khó khăn. Đặc biệt, thị phần rau quả Việt Nam tại Trung Quốc giảm sâu trong 5 tháng đầu năm là tín hiệu dự báo xuất khẩu rau quả sang thị trường này sẽ tiếp tục gặp khó khăn trong thời gian tới.

Theo ông Đặng Phúc Nguyên, Tổng Thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam, 5 tháng năm 2022, kim ngạch xuất khẩu rau quả đạt 1,4 tỷ USD, giảm 17% so với cùng kỳ năm trước. Lý do là bởi thị phần rau quả Việt Nam tại thị trường Trung Quốc giảm sâu. Ông Nguyên nhận định, Trung Quốc có khả năng gỡ bỏ chính sách “Zero Covid” trong thời gian từ cuối năm 2022 đến đầu năm 2023. Tuy nhiên, xuất khẩu rau quả nói riêng, các mặt hàng nông sản nói chung vào thị trường Trung Quốc vẫn khó khăn ở thời điểm hiện tại.

Thanh long khó xuất khẩu khiến nhiều nhà vườn thiệt hại nặng.

Khẳng định Trung Quốc là thị trường quan trọng với rau quả Việt Nam, ông Đặng Phúc Nguyên nhấn mạnh: “Thời gian tới, nếu Trung Quốc không còn duy trì chính sách “Zero Covid”, Việt Nam sẽ có khả năng cạnh tranh rất tốt ngay cả với các nước trong khu vực. Để gia tăng thị phần tại thị trường này, các mặt hàng của Việt Nam cần cải thiện chất lượng”.

Từ góc độ doanh nghiệp xuất khẩu, bà Ngô Tường Vy, Phó Giám đốc Công ty TNHH Xuất nhập khẩu Trái cây Chánh Thu đánh giá, thị trường Trung Quốc đã thay đổi rất nhiều. Nếu các địa phương không lan tỏa đến nông dân, thay đổi thói quen, tập quán canh tác lạc hậu sẽ khó khăn cho công tác tiêu thụ nông sản. “Do đó, tất cả các đơn vị tham gia chuỗi liên kết từ cơ quan quản lý nhà nước, doanh nghiệp, nông dân đều phải chủ động thay đổi, tích cực vào cuộc”, bà Tường Vy nói.

Cho rằng rau quả nói riêng, nông sản Việt Nam nói chung hiện đang quá phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc, ông Lương Phước Vinh, Giám đốc khu vực Đông Nam Á, Tập đoàn Tentamus chỉ ra việc sản phẩm nông sản Việt Nam đang thiếu thông tin để định hướng thị trường.

Trong bối cảnh công tác sản xuất tại vùng nguyên liệu của Việt Nam hiện đã được triển khai khá tốt, theo ông Lương Phước Vinh, nhiều thị trường ở châu Âu rất tiềm năng với nông sản Việt, không thua kém thị trường Trung Quốc nếu sản phẩm của Việt Nam có thể đáp ứng các yêu cầu, tiêu chuẩn đặt ra. “Điều quan trọng là Việt Nam cần hiểu được bản chất và yêu cầu của thị trường. Các đối tác châu Âu sẽ sẵn sàng hỗ trợ”, đại diện Tập đoàn Tentamus khẳng định.

Nâng tầm thương hiệu sản phẩm

Hướng đến những thị trường xuất khẩu nông sản khác ngoài Trung Quốc là mục tiêu của nhiều doanh nghiệp trong bối cảnh hiện nay. Là người có nhiều kinh nghiệm trong hoạt động xúc tiến thương mại và quảng bá sản phẩm nông sản Việt, bà Ngô Tường Vy, Phó Giám đốc Công ty TNHH Xuất nhập khẩu Trái cây Chánh Thu cho biết, qua các hội chợ quốc tế, điểm mà các doanh nghiệp Việt Nam nên học hỏi ở bạn bè các nước là tính tuân thủ, bảo vệ thương hiệu nông sản quốc gia. Khi các doanh nghiệp tham gia cùng một ngành nghề, lĩnh vực, cần thay đổi tư duy theo hướng bảo vệ cái chung, đặt cái chung lên trên, nhất là những sản phẩm chủ lực.

Lấy ví dụ về sản phẩm sầu riêng, bà Vy cho rằng sản phẩm của Việt Nam hoàn toàn có thể cạnh tranh với các nước. Tuy nhiên, để làm được điều này, ngoài sự tự tin cũng nên học hỏi những cách làm hay ở các nước làm tốt như Thái Lan trong việc từng bước nâng tầm thương hiệu sản phẩm này.

“Doanh nghiệp cần xây dựng được những đội, nhóm, đi đến từng vườn để kiểm tra chất lượng; tính toán được các chỉ số để cho ra sản phẩm có độ đồng đều, chất lượng cao nhất. Bên cạnh đó, cần giúp hợp tác xã, người sản xuất thay đổi tư duy theo hướng chú trọng sản xuất an toàn, chất lượng”, bà Ngô Tường Vy khuyến cáo.

Quy trình trồng, chăm sóc trái cây xuất khẩu cần được nâng tầm chất lượng và quy chuẩn, đáp ứng nhu cầu của nhiều thị trường.

Tại Hội nghị Thủ tướng Chính phủ đối thoại với nông dân Việt Nam diễn ra mới đây, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên cho biết, 2 năm vừa qua, Trung Quốc áp dụng chính sách “Zero Covid” nên việc thông quan nông sản gặp nhiều khó khăn. Đặc biệt, khi Trung Quốc đã tham gia Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP) với cùng với Việt Nam và các nước thành viên ASEAN, phía Trung Quốc đã đưa ra hàng loạt tiêu chuẩn về hàng hoá.

Trong khi đó, một số mặt hàng nông sản của Việt Nam, trong đó có trái cây chưa ký được hiệp định, nghị định thư với phía Trung Quốc. Trên thực tế, rất nhiều sản phẩm nông sản của Việt Nam chưa đạt tiêu chuẩn về chất lượng nên còn ách tắc.

“Mặc dù thống nhất là không nên quá phụ thuộc vào 1 thị trường, nhưng phải khẳng định Trung Quốc là thị trường lớn, phù hợp với nền sản xuất của Việt Nam nhưng thị trường Trung Quốc không còn dễ tính như trước đây”, ông Diên nhận định.

Để giải quyết vấn đề này, Chính phủ và các bộ ngành, đặc biệt là Bộ Công Thương đã duy trì chính sách giao thiệp với Trung Quốc để thống nhất với nhau về cách thông quan hàng hoá. Đồng thời, Bộ Công Thương cũng phối hợp chặt chẽ với Bộ NN&PTNT thúc đẩy việc ký nghị định thư về xuất khẩu nông sản.

Đối với quy trình sản xuất hành hóa hướng tới xuất khẩu chính ngạch, Bộ trưởng Bộ Công Thương đề nghị cần chuyển đổi tư duy sản xuất nông nghiệp, từ tư duy sản xuất tự phát sang sản xuất theo tín hiệu thị trường. Các địa phương cần có chiến lược rõ ràng, quy hoạch vùng trồng, vùng nuôi và có hướng dẫn rất cụ thể về quy trình canh tác, quy trình sản xuất đảm bảo được chất lượng sản phẩm, đáp ứng các tiêu chuẩn của thị trường xuất khẩu đề ra./.