Chăm lo đồng bào Khmer ở biên giới Tây Nam

BVR&MT – Hàng trăm năm qua, đồng bào dân tộc Khmer ở Tây Ninh sống chủ yếu tại các huyện Tân Châu, Tân Biên, Châu Thành và phần lớn theo Phật giáo Nam tông. Nhờ có sự quan tâm, chăm lo của lãnh đạo Đảng, Nhà nước, người dân đã có sự thay đổi rõ nét từ đời sống đến văn hóa tinh thần. Bà con nơi đây đang từng bước ổn định cuộc sống, yên tâm xây dựng, phát triển kinh tế – xã hội, bảo vệ an ninh biên giới.

Bộ đội Biên phòng Tây Ninh nhận các cháu học sinh Khmer làm con nuôi.

Chúng tôi về thăm xã biên giới Tân Ðông (huyện Tân Châu), nơi nhiều bà con Khmer có họ hàng với người dân xã Chan Mul, huyện Memot, tỉnh Tbong Khmum, Campuchia. Nguyên Bí thư Ðảng ủy xã Hồ Thanh Liêm cho biết: Hơn 40 năm trước, người Khmer qua lại biên giới thường xuyên, khi ấy điều kiện sống của người dân ở xã lạc hậu lắm, sống chung trên nhà sàn, dưới là gia súc. Nhờ Ðảng và chính quyền các cấp đầu tư dần dần, đường nhựa mới về xã, đường bê-tông, điện, nước sạch về từng ấp… thì bà con mới phát triển kinh tế nông nghiệp, dần dần xóa hết đói, nghèo. “Mấy năm nay áp dụng khoa học vào nông nghiệp, xã tuy chưa giàu nhưng không còn hộ Khmer nào thiếu thốn do trồng mía, mì và làm công nhân. Cá biệt có hơn 10 hộ làm giàu, mua xe hơi phục vụ đi lại…”, ông Liêm phấn khởi chia sẻ.

Nhờ tổ chức tốt các phong trào thi đua, vùng dân tộc thiểu số ở Tây Ninh đã có 70% số hộ nghèo thoát nghèo mỗi năm và 70% bà con có nhà ở đạt chuẩn. Tình trạng thiếu đất, nước phục vụ sản xuất cũng đã chấm dứt. Ở 20 xã biên giới có đông người dân tộc thiểu số, 100% đường trục liên xã được nhựa hóa, bê-tông hóa và hơn 80% đường trục ấp được cứng hóa đạt chuẩn; 100% số hộ sử dụng điện thường xuyên và nước sinh hoạt hợp vệ sinh; internet đến hầu hết các ấp và 100% số trạm y tế đạt chuẩn quốc gia có bác sĩ làm việc.

Theo Tỉnh ủy Tây Ninh, nhờ bảo đảm cuộc sống nên hệ thống chính trị ở cơ sở và an ninh chính trị, quốc phòng vùng dân tộc Khmer luôn tăng cường thông qua khối đại đoàn kết các dân tộc. Toàn tỉnh có 194 đảng viên là người dân tộc thiểu số, 100% ấp, khu phố có đông đồng bào dân tộc thiểu số đều có chi bộ đảng; có 74 cán bộ là người dân tộc thiểu số công tác tại các cơ quan Ðảng, Nhà nước, và 5.176 người tham gia các tổ chức chính trị – xã hội.

Ðiển hình như đảng viên Danh Ngất (ấp Kà Ốt, xã Tân Ðông) là một thí dụ. Vào năm 2000, ông được Huyện ủy Tân Châu đồng ý kết nạp khi tuổi đã cao mà trình độ học vấn chưa được đồng bộ. Tuy nhiên, xét uy tín và sự tham gia cống hiến, phát huy hiệu quả hỗ trợ giúp đồng bào Khmer phát triển kinh tế – xã hội, Huyện ủy Tân Châu đã “vượt rào” và đó là quyết định sáng suốt. Bởi sau khi đứng vào hàng ngũ của Ðảng, đảng viên Danh Ngất đã cùng chi bộ nhiều năm kiên trì, vận động để ấp phát triển thêm năm đảng viên và đạt được một số thành tựu như giúp nhiều hộ gia đình xóa đói, giảm nghèo; xây dựng thêm con đường nhựa thẳng tít tắp, thay cho con đường lầy lội xuyên ấp năm nào, giúp bà con đồng bào đi lại thuận tiện…

Theo thống kê của UBND tỉnh Tây Ninh, giai đoạn 2014 – 2019, hầu hết học sinh Khmer được dạy song ngữ (Việt-Khmer) và được học lên cấp ba của Trường Dân tộc nội trú tỉnh. Trong thời gian đó, tỉnh đã có những chính sách hỗ trợ học sinh người dân tộc thiểu số như hỗ trợ 495 học sinh người dân tộc thiểu số 50.100 kg gạo giúp đỡ, động viên các em đi học, từ đó nâng cao chất lượng học tập. Các em học sinh dân tộc thiểu số còn được miễn đóng học phí và được hỗ trợ sách giáo khoa, vận động khuyến khích đến trường… Ðặc biệt tỉnh Tây Ninh còn bố trí các hộ dân tộc thiểu số nghèo thụ hưởng một căn nhà diện tích 42 m2, phần đất ở diện tích 1.000 m2, đất sản xuất 10.000 m2. Lũy kế đến nay, có 291 hộ được bố trí lên khu dân cư Chàng Riệc, trong đó có 72 hộ đồng bào dân tộc thiểu số. Cũng trong giai đoạn này, tổng dư nợ từ các chương trình tín dụng cho vay đối với hộ đồng bào dân tộc thiểu số là 59.376 triệu đồng; hàng nghìn lượt hộ nhờ tiếp cận nguồn vốn đã có việc làm ổn định, có nguồn thu nhập cải thiện đời sống gia đình, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần.

Ðiều đặc biệt, trong bốn di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia ở Tây Ninh thì đồng bào Khmer đã có nghệ thuật múa trống Chhay-dăm và di tích cấp tỉnh của đồng bào là chùa Khe Dol. Bên cạnh đó, đồng bào Khmer còn có các các hình thức văn hóa đa dạng, phong phú khác như: Tết cổ truyền Chol Chnam Thmay, lễ Sen Dolta, nghệ thuật múa Lam Thol. Ðể chăm lo văn hóa tinh thần cho bà con Khmer, 5 năm qua, Sở Thông tin và Truyền thông Tây Ninh đã thực hiện hỗ trợ đầu thu truyền hình số mặt đất cho hàng nghìn hộ nghèo, cận nghèo để nắm bắt thời sự qua các chương trình phát thanh, truyền hình tiếng dân tộc Khmer trên Ðài Phát thanh và Truyền hình Tây Ninh.

Cũng như những đảng viên người đồng bào Khmer, phát thanh viên tiếng Khmer Nách Chan Nên đã ý thức được việc học văn hóa, học tiếng, chữ Khmer quan trọng dường nào, nhất là khi thấy bà con trong phum, sóc của mình cứ quẩn quanh công việc chăn trâu hoặc làm mướn, thu nhập chỉ đủ sống qua ngày. Sau khi tốt nghiệp Trường cao đẳng sư phạm Tây Ninh, Chan Nên xin quay về đúng ngôi trường ngày xưa mình từng học để có cơ hội nhiều hơn trong việc giúp đỡ trẻ em Khmer ở quê hương mình. Qua nhiều năm nỗ lực thực hiện ước mơ vì cộng đồng, năm 2014, Nách Chan Nên được kết nạp vào Ðảng. Mới đây, khi tham gia vai trò phát thanh viên, Nách Chan Nên cũng chỉ có một mong ước, là làm sao để đồng bào mình hiểu, chấp hành tốt chủ trương, đường lối của Ðảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, bảo vệ an ninh biên giới, góp phần xây dựng khối đại đoàn kết các dân tộc ngày càng phát triển ■

5 năm qua, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Tây Ninh đã hỗ trợ 109 căn nhà đại đoàn kết cho hộ đồng bào dân tộc thiểu số; hỗ trợ 1.003 con trâu, bò sinh sản cho bà con với trị giá gần 24 tỷ đồng…