Cây cà phê mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người dân Sơn La

BVR&MT – Cà phê đang là một trong những cây công nghiệp chủ lực của huyện Mai Sơn, tỉnh Sơn La.

Năm 2021, hầu hết diện tích trồng cà phê trên ở Sơn La đều được mùa, năng suất đạt trung bình khoảng 20 tấn/ha, giá cà phê quả tươi từ đầu vụ cà phê đến nay đã đạt trung bình 7-8 nghìn đồng/kg. Nhờ đó, nông dân trồng cà phê rất phấn khởi khi nguồn thu nhập được nâng cao.

Người dân huyện Mai Sơn phơi quả cà phê đã được sơ chế tách vỏ. Ảnh: Hữu Quyết/TTXVN

Gia đình chị Hà Thị Quý, bản Lọng Nghịu, xã Mường Chanh, huyện Mai Sơn có gần 4 ha cà phê. Chị Quý cho biết, năm 2020, do ảnh hưởng bởi sương muối nên cà phê cho quả rất ít, nhưng đến năm 2021, thời tiết thuận lợi cây cà phê sai quả, sản lượng đạt khoảng 20 tấn/ha và với giá bán hiện nay từ 7-8 nghìn đồng/kg, gia đình rất phấn khởi.

Chị Hà Thị Quý chia sẻ thêm, những năm gần đây khi thương hiệu cà phê Sơn La được nhiều khách hàng biết đến thì giá cả đã tăng lên. Đặc biệt, trên địa bàn xã có cơ sở sơ chế cà phê lớn nên bà con rất yên tâm sản xuất vì không phải lo lắng trong việc tìm đầu ra.

Toàn xã Mường Chanh, huyện Mai Sơn có gần 450 ha cà phê. Theo các cơ sở thu mua, sơ chế cà phê, trọng lượng cà phê nhân sau khi tách vỏ ở đây có thể đạt 2,5kg/10kg quả tơi. Trong khi đó, trọng lượng cà phê nhân ở nhiều vùng trồng khác chỉ đạt từ 2,2-2,3kg/10kg quả tươi, dẫn đến giá cà phê luôn cao hơn một số vùng trồng cà phê khác. Việc phát triển cây cà phê đóng góp vai trò quan trọng trong tiến trình xây dựng nông thôn mới của xã. Thu nhập từ cây cà phê giúp cho hàng nghìn hộ dân cải thiện thu nhập, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần.

Ông Cầm Văn Nhất, Chủ tịch UBND xã Mường Chanh cho biết, hiện nay cây cà phê là cây trồng chủ lực của địa phương. Ngoài ra, trên địa bàn còn có hợp tác xã thu mua, bao tiêu sản phẩm quả cà phê nên giá cả ổn định. Vì vậy, người nông dân khi chuyển đổi sang trồng cây cà phê thì đời sống được nâng lên rõ rệt, thu nhập bình quân của xã hiện tại đạt 45 triệu đồng/người/năm.

Xã Chiềng Ban, huyện Mai Sơn được coi là “thủ phủ” cà phê của Sơn La, diện tích hiện tại đạt trên 1.250 ha. Chiềng Ban vốn là vùng đất rộng, màu mỡ, từ những năm 1990 cây cà phê đã được đưa vào trồng. Hiện nay, hầu hết các hộ dân trên địa bàn xã đều trồng cây cà phê. Mặc dù trong giá cà phê lên xuống theo từng năm, tuy nhiên theo các hộ nông dân cây cà phê vẫn là cây trồng chủ lực, mang lại hiệu quả kinh tế cao, thu nhập ổn định cho hàng nghìn hộ nông dân trên địa bàn xã.

Chính điều này, đã góp phần thúc đẩy mạnh mẽ chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, đưa xã Chiềng Ban đạt chuẩn nông thôn mới vào năm 2015 và nông thôn mới nâng cao vào năm 2020. Hiện mức thu nhập bình quân trên đầu người đạt đạt 37,3 triệu đồng/năm, tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 3,8%.

Ông Lò Văn Sâm, Phó Chủ tịch UBND xã Chiềng Ban chia sẻ, nếu giá cả được duy trì ổn định với mức từ 7 – 10 nghìn đồng/kg như hiện nay sẽ giúp người nông dân nâng cao cuộc sống, đảm bảo an sinh xã hội; đồng thời, góp phần duy trì xã nông thôn mới nâng cao và phấn đấu đến năm 2025 đạt xã nông thôn mới kiểu mẫu.

Không chỉ ở những xã đã đạt chuẩn nông thôn mới, cây cà phê còn góp phần tạo ra động lực lớn đối với các xã đang phấn đấu đạt chuẩn nông thôn mới. Xã Chiềng Chung, huyện Mai Sơn hiện đang có gần 600 ha cây cà phê. Trong những năm gần đây việc phát triển cây cà phê trên địa bàn xã đã góp phần quan trọng không chỉ thay đổi cơ bản diện mạo nông thôn mới trên địa bàn các bản sở tại mà còn cả các bản tái định cư.

Những năm gần đây, gia đình anh Lường Văn Chung ở bản tái định cư Tường Chung và gần 80 hộ dân trong bản đã có cuộc sống ổn định hơn từ cây cà phê. Đặc biệt, trong vụ cà phê năm 2021, với gần 1,2 ha cây cà phê, dự kiến anh thu trên 20 tấn quả, giá trị kinh tế mang lại trên 150 triệu đồng.

Anh Lường Văn Chung thông tin, khi chuyển về đây tái định cư anh cùng người dân trong bản đã chọn cây cà phê làm cây trồng chính. Nhờ cây cà phê, cuộc sống của người dân đã ngày càng ổn định, khấm khá hơn. Năm nay, giá cà phê lại cao hơn những năm trước nên người dân rất phấn khởi.

Đến nay, xã Chiềng Chung có gần 700 ha cây cà phê; trong đó, khoảng 450 ha cho thu hoạch quả. Cây cà phê đang là cây trồng chủ lực mang lại thu nhập và động lực chính thúc đẩy chương trình xây dựng nông thôn mới trên địa bàn xã.

Ông Lò Văn Mạc, Chủ tịch UBND xã Chiềng Chung cho biết, trong chương trình xây dựng nông thôn mới của địa phương cây cà phê đóng góp một phần quan trọng. Bởi đây là cây chủ lực, mang lại nguồn thu nhập cao cho người dân, trong đó có những hộ đạt từ 200-300 triệu đồng/năm.

Có thể thấy, cây cà phê đã đóng góp quan trọng trong chương trình chuyển đổi cơ cấu sản xuất nông nghiệp, nâng cao thu nhập, ổn định cuộc sống của người nông dân; đồng thời, tạo động lực quan trọng thúc đẩy phong trào xây dựng nông thôn mới.

Bà Hoàng Thị Hồng, Phó Chủ tịch UBND huyện Mai Sơn cho biết, theo dự báo, sản lượng quả cà phê tươi trong niên vụ 2021 – 2022 tại huyện Mai Sơn là khoảng 91.000 tấn. Hiện, trên địa bàn huyện có 2 nhà máy chế biến và trên 90 hộ đăng ký kinh doanh, sơ chế cà phê.

Cùng với việc phát triển kinh tế, huyện Mai Sơn cũng chú trọng đến việc đảm bảo môi trường tại các cơ sở chế biến quả cà phê tươi. Huyện Mai Sơn đã triển khai ký cam kết với các chủ cơ sở, hộ gia đình có hoạt động sơ chế cà phê. Đồng thời, tiến hành hướng dẫn các hộ dân thực hiện các thủ tục về môi trường, xây dựng công trình xử lý nhằm hạn chế ô nhiễm trong quá trình sơ chế quả cà phê.