Cấp thiết phải minh bạch thông tin thị trường bất động sản

BVR&MT – Sau khi Sở Xây dựng tỉnh Hòa Bình nêu tên nhiều dự án sai phạm do chưa được cấp phép, không đủ điều kiện kinh doanh bất động sản (BĐS), huy động vốn, vấn đề minh bạch thông tin về thị trường này một lần nữa được nhắc đến là việc làm cấp thiết.

Dự án “ma” lại xuất hiện

Văn bản thông báo về những dự án đủ, chưa đủ điều kiện kinh doanh huy động vốn và khuyến cáo người dân của Sở Xây dựng Hòa Bình mới được công bố đã chỉ tên 8 dự án BĐS không tồn tại trên địa bàn, chưa được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền cấp phép đầu tư, không đủ cơ sở pháp lý, huy động vốn và kinh doanh BĐS. Cụ thể, 8 dự án đó gồm: Green Oasis Hòa Bình – Lương Sơn; Beverly Hill – Lương Sơn Hòa Bình; Dự án Vịt Cổ Xanh Ecologe Việt Pháp; Sun Legend Villa – Đà Bắc Ecolodge; Mountain Villa – Lương Sơn; Kai Village Resort khu vực cầu Mè, TP Hòa Bình; Ohara Villas &Resort, xã Mông Hóa, TP Hòa Bình; The Moon Village xã Yên Quang, TP Hòa Bình.

Người dân cần cẩn trọng với những dự án ”ma” .(Ảnh internet)

Thời gian gần đây, hàng chục vụ án liên quan đến dự án BĐS “ma” ở nhiều địa phương trên cả nước sau khi bị khách hàng tố cáo, cơ quan chức năng đã vào cuộc và khởi tố, bắt giam nhiều Chủ tịch HĐQT, Giám đốc của những doanh nghiệp này. Theo Luật sư Trịnh Hữu Đức – Văn phòng luật Hàm Rồng, nguyên nhân khiến cho nhiều người lao vào những dự án “ma” phần lớn là do thiếu hiểu biết và hám lợi. Nhưng bên cạnh đó, cơ quan chức năng, chính quyền địa phương thiếu biện pháp can thiệp, xử lý mạnh tay đối với hành vi này.

“Các doanh nghiệp lợi dụng thông tin quy hoạch, “vẽ” lên dự án sau đó sử dụng đội ngũ “cò đất” thực hiện chiêu trò giao dịch ảo để “thổi” giá. Nhiều người do thiếu hiểu biết và cũng hám lợi nên dính bẫy. Hình thức kinh doanh BĐS theo kiểu đa cấp đã xuất hiện nhiều trong thời gian gần đây, nhưng cơ quan chức năng chưa can thiệp kịp thời, dẫn đến xảy ra sự việc hàng nghìn người dân đang bị lừa đảo” – luật sư Trịnh Hữu Đức nói.

Đẩy mạnh số hóa thông tin thị trường

Trên thị trường, những dự án “ma” thường gắn với phương thức bán nhà hình thành trong tương lai, hay còn gọi là “bán nhà trên giấy”. Nhưng điều đáng nói, dự án kiểu này sẽ tiến hành huy động vốn của người dân khi chưa hề có hạ tầng cơ bản (đường giao thông, cấp thoát nước, điện…) hoặc bán nhà trên giấy, nhưng không có nhà để bàn giao cho khách hàng.

Nguy hại hơn, nhiều dự án tổ chức bán sản phẩm mà chưa được chính quyền địa phương phê duyệt, cấp phép dự án… nhưng vẫn lừa đảo được hàng nghìn tỷ đồng của người dân. Dự án “ma” hiện nay chủ yếu tồn tại theo dạng phân lô, bán nền, hoạt động mạnh ở khu vực “nóng” về thông tin quy hoạch, để dễ dàng gây “sốt” giá.

Theo đánh giá, việc cho phép phân lô, bán nền chính là một trong những “kẽ hở” để dự án “ma” xuất hiện; đồng thời gây ra tình trạng “sốt” đất. Vấn đề này đã nhiều lần được đưa ra bàn luận, “mổ xẻ” giữa cấm hay không cấm, cuối cùng giải pháp tiếp tục cho tồn tại được lựa chọn. Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng, để thị trường phát triển lành mạnh cần nghiên cứu phương thức phân lô, bán nền áp dụng đối với từng phạm vi cụ thể. Về lâu dài, chỉ nên áp dụng ở vùng nông thôn, nhằm giải quyết nhu cầu chỗ ở cho hộ gia đình mới.

Giải pháp trước mắt là cơ quan chức năng cần tăng cường thanh, kiểm tra, quản lý địa bàn nhằm kịp thời phát hiện và đưa ra ánh sáng các cá nhân, tổ chức có dấu hiệu vi phạm hình sự, lừa đảo chiếm đoạt tài sản của người khác.

“Quan trọng nhất lúc này là cấp thiết phải hoàn thiện đồng bộ các quy định trong hệ thống pháp luật về đầu tư, xây dựng, đất đai. Đẩy mạnh số hóa thông tin thị trường, công khai thông tin quy hoạch, cấp phép dự án, niêm yết giá bán sản phẩm… người dân sẽ căn cứ vào đó để tìm hiểu về sản phẩm, dự án trước khi quyết định giao dịch mua bán, tránh trường hợp bị lừa đảo như thời gian vừa qua” – Chủ tịch Hội môi giới BĐS Việt Nam Nguyễn Văn Đính nhìn nhận.