Cấp chứng chỉ phát triển nghề trồng rừng

BVR&MT – Phát triển rừng nguyên liệu có chứng chỉ rừng bền vững (FSC) sẽ tạo niềm tin cho người dân tham gia trồng rừng. Người dân có thể chủ động khâu tiêu thụ, ký kết hợp đồng với các đối tác thu sản phẩm gỗ.

Thu hoạch keo ở Tân Long, Tân Kỳ, Nghệ An. Ảnh minh họa Văn Trường

Cấp chứng chỉ cho 15.000 ha rừng trồng 

Chiều 8/3, đồng chí Đinh Viết Hồng – Phó chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An chủ trì giữa các sở để nghe và cho ý kiến về Đề án phát triển rừng nguyên liệu có chứng chỉ rừng bền vững (FSC) gắn với chế biến gỗ chất lượng cao tỉnh Nghệ An giai đoạn 2017 – 2020. Dự hội nghị có đại diện các Sở: NN&PTNT, Tài chính, KH&ĐT, Công thương, và Khoa học công nghệ tỉnh Nghệ An.

Đồng chí Đinh Viết Hồng – Phó chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An chủ trì hội nghị. Ảnh: Văn Trường

Nghệ An có diện tích đất lâm nghiệp chiếm hơn 70% diện tích của tỉnh, tài nguyên rừng vô cùng phong phú và đa dạng. Nhu cầu nguyên liệu gỗ rừng trồng về sản lượng và chất lượng của các nhà máy, làng nghề ngày càng tăng…

Trước nhu cầu chế biến gỗ của các doanh nghiệp, tỉnh Nghệ An triển khai nhiều dự án, chương trình trồng rừng nguyên liệu nhưng do nhu cầu gỗ nguyên liệu cho các nhà máy lớn nên nguyên liệu không đáp ứng yêu cầu. Đặc biệt trong điều kiện hội nhập quốc tế, đòi hỏi phải có chứng chỉ cho vùng rừng nguyên liệu.

Chứng chỉ rừng bền vững FSC là hệ thống các tiêu chuẩn về chứng nhận nguồn gốc gỗ cho các nhà khai thác. Chứng chỉ FSC được cấp đối với nhóm hộ gia đình có diện tích rừng trồng theo quy mô hộ gia đình của địa phương (tổng diện tích > 300 ha/xã); Rừng trồng đã có sổ đỏ. Đối với các tổ chức, diện tích rừng trồng trên 1.000 ha thì được cấp chứng chỉ.

Tại hội nghị, các đại biểu tập trung thảo luận về Đề án phát triển rừng nguyên liệu có chứng chỉ rừng bền vững (FSC); bàn về các phương án, cơ chế, chính sách hỗ trợ các hộ, nhóm chủ rừng trồng rừng sản xuất đáp ứng nhu cầu nguyên liệu đủ điều kiện phục vụ xuất khẩu.

Để quản lý và sử dụng bền vững tài nguyên rừng, bảo tồn đa dạng sinh học và các giá trị dịch vụ môi trường rừng, đề án đưa ra mục tiêu xây dựng vùng nguyên liệu khoảng 15.000 ha rừng trồng được cấp chứng chỉ quản lý rừng bền vững (chứng chỉ FSC).

Năng suất của rừng trồng nguyên liệu có chứng chỉ rừng bền vững bình quân đạt từ 25 -30m3/ha/năm; Trữ lượng bình quân đạt từ 160 – 200 m3/ha; Tỷ lệ gỗ lớn bình quân trên 80%. Đảm bảo nguyên liệu ổn định cho Nhà máy chế biến gỗ MDF tại Nghĩa Đàn, phấn đấu đến năm 2020 gỗ MDF đạt 400 ngàn m3 sản phẩm/năm, ván ghép thanh đạt 70 ngàn m3 sản phẩm/năm. Khi tham gia chứng chỉ FSC, thu nhập của người trồng rừng sẽ tăng 30 – 40%/ha. Đề án được thực hiện trong giai đoạn 2017 – 2020 với tổng nguồn kinh phí thực hiện là 31 tỷ đồng.

Phó chủ tịch UBND tỉnh Đinh Viết Hồng thống nhất với các nội dung của đề án, đồng thời yêu cầu Sở NN&PTNT tổ chức thực hiện thí điểm đề án tại 5 huyện đã hoàn thành việc cấp giấy chứng nhận sử dụng đất rừng, sau đó triển khai đề án tại các huyện còn lại.

Khi đã có tiêu chí, các nghành liên quan phải hướng dẫn, giám sát để thực hiện theo đúng tiêu chí đã đề ra, góp phần quản lý, phát triển rừng bền vững.

Chú trọng phát triển rừng gỗ lớn

Thu hoạch keo gỗ lớn ở Lục Dạ, Con Cuông – Ảnh Văn Trường

Qua khảo sát hiện nay có nhiều gia đình, nhóm hộ ở các địa phương trên địa bàn tỉnh trồng rừng gỗ lớn hiệu quả, như huyện Tương Dương hiện có khoảng trên 800 ha xoan gỗ lớn; huyện Con Cuông trồng xen canh được 350 ha cây bản địa vạng trứng; Công ty TNHH MTV lâm nghiệp Sông Hiếu quy hoạch và trồng được 2.700 ha gỗ lớn, hiện đã khai thác được 1.000 ha, còn lại 1.700 ha đang tiếp tục khai thác.

Theo các chủ hộ và đơn vị, việc trồng rừng gỗ lớn thường đạt từ 140 – 160 m3/ha với chu kỳ 10 – 11 năm, doanh thu từ 180.000 – 200.000 triệu đồng/ha, hiệu quả kinh tế cao gấp 2,5 lần so với rừng gỗ nhỏ.

Ông Đặng Xuân Minh – Phó chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm cho biết: Diện tích rừng gỗ lớn hiện nay ở Nghệ An có khoảng trên 4.000 ha, tập trung ở các huyện Nghĩa Đàn, Quỳ Châu, Tương Dương, Con Cuông. Đặc biệt là rừng gỗ lớn sử dụng đa mục đích, từ gỗ ghép thanh, đến băm dăm, không chỉ mang lại lợi ích kinh tế cao, mà còn giúp giảm xói mòn, rửa trôi đất… góp phần bảo vệ môi trường và chống biến đổi khí hậu.

 

UBND tỉnh Nghệ An cũng đã ban hành quyết định phê duyệt Đề án “Tái cơ cấu ngành lâm nghiệp Nghệ An đến năm 2020”, trong đó có mục tiêu đạt độ che phủ rừng lên 57% và tăng giá trị sản xuất của ngành lên 4 – 4,5%/ năm.

Đề án còn có mục tiêu bảo vệ và phát triển diện tích rừng, từng bước đáp ứng nhu cầu gỗ, lâm sản tiêu dùng và xuất khẩu; chuyển hóa rừng trồng hiện có sang rừng sản xuất kinh doanh gỗ lớn 15.000 ha, trồng rừng mới cây gỗ lớn trên đất chưa có rừng 8.000 ha và trồng rừng lại cây gỗ lớn trên đất đã khai thác 30.000 ha.

Các địa phương chuẩn bị giống keo lai cho vụ trồng rừng mới. Ảnh: Văn Trường

Đối với trồng rừng gỗ lớn, từ năm 2016 UBND tỉnh có cơ chế chính sách hỗ trợ 50% giá cây giống keo lá tràm, keo tai tượng, sao đen (ươm bằng hạt hoặc nuôi cấy mô) đạt tiêu chuẩn cho hộ nông dân trồng rừng trên diện tích đất lâm nghiệp được giao, hoặc cho thuê trong vùng quy hoạch sản xuất kinh doanh rừng gỗ lớn được cấp có thẩm quyền phê duyệt. Tỉnh cũng có cơ chế hỗ trợ 50% giá cây giống cây bản địa (lim xanh, lát hoa, trám) cho các hộ dân trồng rừng trên đất lâm nghiệp được giao, hoặc cho thuê trong quy hoạch vùng sản xuất kinh doanh rừng gỗ lớn được cấp có thẩm quyền phê duyệt.

Trong năm 2017, UBND tỉnh giao cho Sở NN & PTNT triển khai việc tạm giao kế hoạch cho các địa phương, đơn vị dự án trồng 17.000 ha rừng nguyên liệu (tăng hơn năm 2016 là 1.000 ha). Đặc biệt năm nay tỉnh quy hoạch trồng rừng gỗ lớn khoảng trên 4.000 ha tập trung ở các huyện Thanh Chương, Quỳ Hợp, Nghĩa Đàn…