Cặp cây Chò chỉ nghìn năm tuổi ở Xuân Sơn

BVR&MT – Đến Bản Cỏi, xã Xuân Sơn, huyện Tân Sơn, từ xa, du khách có thể dễ dàng bắt gặp hai cây Chò chỉ cao sừng sững giữa những mái nhà sàn. Không chỉ góp phần làm nên nét đặc sắc cho thôn bản nhỏ, cặp Chò chỉ còn được gắn liền với những câu chuyện đã lưu truyền qua nhiều thế hệ.

Từ đằng xa hướng về phía bản Cỏi, hai cây Chò chỉ cao vút, nổi bật giữa núi rừng trùng điệp. Hai thân cây cao lớn, vươn cao hẳn lên so với cây cối xung quanh nên có thể thấy rất rõ. Hai cây Chò chỉ, một to một nhỏ hơn, tán lá xum xuê tạo nên sự độc đáo, bao phủ lên xóm làng.

Cặp chò chỉ vươn cao giữa bản Cỏi.

Ở vùng đất này, ngoài câu chuyện về loại gà chín cựa hay những tập tục, nét đẹp văn hóa của người Dao thì truyền thuyết về cặp cây Chò chỉ cũng là một câu chuyện hết sức thú vị, mang nhiều màu sắc tâm linh. Không ai biết chắc cây đã ở đây từ bao giờ nhưng chúng đã tồn tại trong ký ức của những người dân bản kể từ khi tấm bé, gắn bó với đất rừng nơi đây.

Theo lời kể của bà Đặng Thị Sinh, người cao niên trong bản, hai cây Chò chỉ này gắn liền với một câu chuyện tình cảm động. Chuyện kể rằng có một cậu bé người Dao mồ côi cả cha lẫn mẹ nhưng chăm chỉ, cần mẫn lại khỏe mạnh và có biệt tài săn bắn. Chính nhờ vậy, anh được nhiều cô gái mến mộ. Thế nhưng, đường tình duyên lại trắc trở, vì phận mồ côi, anh luôn phải chịu sự ngăn cản của nhiều người trong bản.

Một lần do mải mê đi săn lạc vào rừng sâu, anh tình cờ gặp một cô gái bên suối, hai người làm quen từ đó và đem lòng yêu thương nhau. Nhưng trái ngang thay, cô gái là con của một tộc trưởng người Mường, có uy quyền, giàu sang nức tiếng, nên khi biết con gái mình yêu một chàng trai người Dao lại mồ côi cha mẹ thì ra sức ngăn cản.

Không đành xa nhau, cặp đôi tìm đường trở lại bản của chàng. Tưởng rằng mọi chuyện sẽ êm xuôi nhưng khi về tới nơi, các vị cao niên trong làng cũng nhất mực ngăn cấm hai người đến với nhau bởi nàng là người Mường chứ không phải người Dao. Đau buồn vì không thể thành đôi, chàng và nàng trở lại nơi lần đầu gặp gỡ và cuối cùng ngồi chết bên suối. Nơi đó, sau này mọc lên một cặp Chò chỉ.

Người dân tộc Dao bản Cỏi đã gắn bó với cây từ thuở đầu dựng bản.

Theo bà Sinh, khi xưa, người dân tộc Dao du canh du cư, ở đâu cũng chỉ một vài năm sẽ rời đi, thế nhưng, khi phát hiện ra hai cây thần, họ dừng chân ở đây và ở suốt từ đó đến tận ngày nay.

Người dân tộc Dao ngày đó phát hoang, lập xóm bản, cuộc sống sinh hoạt diễn ra quanh hai cây Chò chỉ. Cây cao to, cành lá xum xuê nên không ít người dân trong bản Cỏi đã từng có ý định đốn hạ vì sợ cành rơi đổ vào nhà nhưng không lần nào thành công cả. Hiện nay, cặp Chò chỉ này được người dân coi như vị thần bảo vệ dân bản, bởi vậy, không ai dám mạo phạm.

Ngày trước, khi chưa có bản đồ, chưa được tiếp xúc với công nghệ như ngày nay, cây còn đóng vai trò là chỉ dẫn địa lý để người dân bản định hướng đường về và để những du khách phương xa biết đường vào xóm. Thậm chí, ngày nay cây vẫn giống như một biểu tượng không thể thiếu để khi du khách tới thăm bản, chỉ cần nhìn thấy cặp cây Chò chỉ người ta sẽ biết nơi ấy là đất của bản Cỏi.

Hai cây Chò chỉ như nhân chứng cho sự phát triển từ bao đời tại bản Cỏi.

Ngày 15/12/2023, Hội đồng Cây di sản Việt Nam đã họp, xét duyệt hồ sơ và kết luận hai cây Chò chỉ tại bản Cỏi đã đạt đầy đủ các tiêu chí và được công nhận là Cây Di sản Việt Nam.

Cặp cây cùng tồn tại với bản người Dao qua hàng nghìn năm, là chứng nhân cho sự phát triển của vùng đất này. Từ thuở còn sơ khai, nghèo nàn, lạc hậu đến nay cuộc sống của người dân đã khang trang, đủ đầy hơn nhiều. Hiện, đường vào bản đã được bê tông hóa, trên 70% đường ngõ xóm được cứng hóa, đảm bảo đi lại thuận tiện. Các tuyến đường được trồng hoa hoặc cây xanh, các tuyến đường nội thôn có hệ thống điện chiếu sáng.

Đời sống của người dân cũng từng bước được nâng cao. Xác định phát triển kinh tế, nâng cao đời sống người dân là một trong những tiêu chí quan trọng hàng đầu, bên cạnh sản xuất nông nghiệp, Chính quyền địa phương đã tập trung vận động nhân dân thực hiện triển khai các mô hình du lịch cộng đồng, xây dựng homestay… để quảng bá thiên nhiên bản Cỏi cùng với đó là bảo tồn, phát triển những nét đẹp văn hóa của người Dao ở nơi đây.

Người phụ nữ Dao dưới gốc cây Chò chỉ di sản.

 

Tags:
CHIA SẺ