Cao Bằng: Nỗ lực thực hiện các chính sách dân tộc

BVR&MT – Năm 2021, trong bối cảnh tình hình dịch bệnh Covid-19 có nhiều diễn biến phức tạp, ngoài công tác tham mưu, thực hiện nghiêm túc công tác phòng, chống dịch bệnh trong cơ quan, trong vùng đồng bào DTTS, Ban Dân tộc tỉnh Cao Bằng đã chủ động triển khai thực hiện các chính sách dân tộc, nâng cao vai trò trách nhiệm, hoàn thành tốt nhiệm vụ công tác dân tộc. Đồng thời, chủ động chuẩn bị tốt nhất các điều kiện để triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế – xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021 – 2030 (Chương trình MTQG).

Hội nghị cung cấp thông tin cho Người có uy tín huyện Bảo Lạc được Ban Dân tộc tỉnh Cao Bằng tổ chức cuối tháng 9/2021.

Thực hiện hiệu quả các chính sách dân tộc

Bản Lũng Củm, xã Sóc Hà, huyện Hà Quảng có 100% người Dao đỏ sinh sống. Những năm gần đây, đồng bào Dao đỏ đã dần xóa bỏ lối sản xuất thuần nông lạc hậu, đẩy mạnh áp dụng khoa học – kỹ thuật, đưa giống cây trồng, vật nuôi có giá trị, chất lượng cao vào sản xuất.

Điển hình như hộ ông Triệu Văn Ù, một trong những hộ tiên phong đưa cây lạc đỏ về trồng ở bản thay cho cây ngô vụ Hè – Thu. Sau đó, các hộ dân chuyển đổi sang trồng lạc cho năng suất cao hơn. “Đến nay, 100% hộ trong xóm tham gia trồng lạc hàng hóa. Được sự giúp đỡ của Nhà nước về giống, phân bón và hướng dẫn áp dụng khoa học – kỹ thuật, tạo điều kiện vay vốn Ngân hàng Chính sách xã hội, người dân đã mở rộng diện tích trồng lạc đỏ, đầu tư trồng cỏ voi, chăn nuôi bò vỗ béo. Nhiều hộ có thu nhập trung bình 20 – 40 triệu đồng/năm, thu nhập từ trồng lạc cao hơn 2 – 3 lần so với trồng lúa. Từ đó, Lũng Củm giờ chỉ còn hơn 10 hộ nghèo (giảm 9 hộ nghèo so với năm 2016)”, ông Ù chia sẻ.

Thông qua các chương trình, dự án, trong giai đoạn 2016 – 2020, huyện Hà Quảng đã đầu tư trên 1.012 tỷ đồng xây mới, sửa chữa, nâng cấp 619 công trình hạ tầng nông thôn. Trong đó, nâng cấp, cải tạo, sửa chữa 8 công trình trường học. Từ nguồn vốn hỗ trợ sản xuất thuộc Chương trình 135, huyện hỗ trợ thực hiện 2 mô hình trồng gừng trâu, lúa Đoàn Kết thương phẩm, quy mô hơn 160ha theo hình thức liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ.

Theo ông Riêu Văn Toàn, Trưởng Phòng Dân tộc huyện Hà Quảng, đến cuối năm 2021, đời sống KT-XH vùng đồng bào DTTS ngày càng có bước phát triển, đời sống của bà con từng bước được cải thiện. Tỷ lệ hộ nghèo toàn huyện hiện còn 28% (giảm 4% so cuối năm 2020). Từ đó, đồng bào DTTS tích cực tham gia các phong trào do các cấp phát động, xây dựng nông thôn ngày càng khang trang, sạch đẹp, chung tay xây dựng, củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc.

Đời sống người dân vùng DTTS của tỉnh Cao Bằng đã có những bước chuyển tích cực.

Tổ chức thực hiện tốt Chương trình MTQG

Xác định Người có uy tín có vai trò quan trọng trong công tác tuyên truyền, vận động Nhân dân phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo, giữ gìn an ninh trật tự, thời gian qua, Ban Dân tộc tỉnh Cao Bằng đã phối hợp với các địa phương đẩy mạnh triển khai các lớp bồi dưỡng, cung cấp kiến thức cho Người có uy tín trong đồng bào DTTS.

Ông Sinh Văn Sông, Người có uy tín xóm Kha Rào, xã Khánh Xuân, huyện Bảo Lạc cho biết: Qua lớp tập huấn, chúng tôi được nâng cao trình độ hiểu biết, kỹ năng hoạt động, đáp ứng ngày càng tốt hơn yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới về tập hợp quần chúng trong khối đại đoàn kết toàn dân, phát triển KT-XH, xóa đói giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới.

Báo cáo của Ban Dân tộc tỉnh Cao Bằng cho thấy: Năm 2021, công tác dân tộc của tỉnh tiếp tục có nhiều chuyển biến tích cực, đạt nhiều kết quả quan trọng. Đến hết tháng 12/2021, tỉnh đã thực hiện giải ngân 17,330 tỷ đồng; cấp 439.761 tờ báo cho Người có uy tín. Tổ chức 4 lớp tập huấn cho 141 Người có uy tín tại 2 huyện Bảo Lạc, Bảo Lâm; tặng quà Tết cho 614 người, khen thưởng 60 người với kinh phí 997,5 triệu đồng; tổ chức 20 hội nghị cung cấp thông tin cho 1.501 lượt Người có uy tín. Tổ chức các hội nghị tuyên truyền về giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết, các lớp bồi dưỡng về bình đẳng giới và các chính sách dân tộc khác.

Đồng thời, phối hợp theo dõi các chính sách dân tộc và các chương trình trong vùng DTTS do các sở, ngành trực tiếp tham mưu như: Chính sách bảo trợ xã hội, giảm nghèo, đào đạo nghề, giải quyết việc làm… Thực hiện cho 9.469 hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo… được vay vốn; cấp trên 360.000 thẻ bảo hiểm y tế cho hộ DTTS nghèo. Đào tạo nghề cho 3.500 người DTTS, 191 lao động được bố trí việc làm tại các công ty.

Phát huy những kết quả đạt được, năm 2022, Ban Dân tộc tỉnh sẽ tiếp tục tăng cường công tác chỉ đạo, kiểm tra đôn đốc và thực hiện có hiệu quả các đề án, dự án, chương trình, chính sách dân tộc địa bàn.

“Tỉnh sẽ tổ chức thực hiện tốt các dự án thuộc Chương trình MTQG; tạo điều kiện để các hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ đồng bào DTTS tiếp cận và hưởng thụ các dịch vụ xã hội. Trong đó, ưu tiên tập trung cho các xã, xóm đặc biệt khó khăn, thực hiện nghiêm túc việc công khai hóa các chính sách, chương trình, dự án, vốn đầu tư…”, ông Bế Văn Hùng, Trưởng Ban Dân tộc tỉnh Cao Bằng cho biết.