Cao Bằng: Nhà máy thủy điện Khuổi Luông nằm “đắp chiếu” do vướng giải phóng mặt bằng lòng hồ

BVR&MT – Nhà máy thủy điện Khuổi Luông, được xây dựng tại địa bàn 2 xã Cách Linh và Bế Văn Đàn, huyện Quảng Hòa, tỉnh Cao Bằng đã hoàn thành các hạng mục xây dựng tháng 12/2019. Quá trình vận hành chạy thử, các tiêu chuẩn, thông số kỹ thuật đạt mục tiêu đề ra.

Nhà máy thủy điện Khuổi Luông đã hoàn thành xây dựng tháng 12/2019, nhưng đến nay vẫn chưa thể đi vào vận hành chính thức.

Tuy nhiên, đến nay, đã gần 3 năm kể từ khi hoàn thành xây dựng, Nhà máy vẫn nằm “đắp chiếu”, chưa thể chính thức vận hành, phát điện, hòa vào lưới điện quốc gia. Nguyên nhân do những vướng mắc trong giải phóng mặt bằng khu vực lòng hồ nhà máy rộng 11,5ha.

Do địa phương chưa hoàn thành giải phóng mặt bằng, bàn giao cho nhà đầu tư và cho nhà đầu tư thuê đất; nhà đầu tư chưa thể tích nước trong lòng hồ để vận hành nhà máy.

Doanh nghiệp “kêu cứu”

Đại diện Công ty cổ phần Đầu tư và Phát triển công nghiệp Đông Bắc, chủ đầu tư Nhà máy thủy điện Khuổi Luông cho biết, nhà máy có tổng mức đầu tư 170 tỷ đồng; trong đó, vốn vay ngân hàng 82 tỷ đồng; vốn các cổ đông đóng góp 88 tỷ đồng.

Dự án Nhà máy thủy điện Khuổi Luông được Ủy ban nhân dân tỉnh Cao Bằng cấp giấy chứng nhận đầu tư năm 2015, đến cuối năm 2019 hoàn thành xây dựng các hạng mục. Tuy nhiên, nhà máy chưa thể vận hành vì chưa được giao đất, cho thuê đất để tích nước trong lòng hồ.

Ông Ngôn Trung Tuyến, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Đầu tư và Phát triển công nghiệp Đông Bắc, cho biết, do chưa thể vận hành, phát điện và không có nguồn thu, để trả lãi và vốn vay ngân hàng, công ty đang bên “bờ vực” phá sản. Cán bộ kỹ thuật và công nhân Nhà máy thủy điện Khuổi Luông bị thất nghiệp, thu nhập thấp. Công ty cũng tốn nhiều chi phí để duy tu, bảo dưỡng nhà máy. Theo tính toán của Công ty, 3 năm nhà máy nằm “đắp chiếu” ngân sách nhà nước hụt thu khoảng gần 26 tỷ đồng tiền thuế, phí mà nếu nhà máy vận hành, phát điện, công ty có thể đóng góp cho ngân sách.

Trước thực trạng này, Công ty cổ phần Đầu tư và Phát triển công nghiệp Đông Bắc khẩn thiết đề nghị địa phương quyết liệt, sớm hoàn thành chi trả đền bù cho người dân, thu hồi đất, bàn giao, cho công ty thuê đất và tích nước trong khu vực lòng hồ nhà máy thủy điện, vận hành nhà máy.

Huyện nêu vướng mắc

Trước những chật vật, khó khăn của Công ty cổ phần Đầu tư và Phát triển công nghiệp Đông Bắc, đồng chí Hoàng Thị Hiếu, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Quảng Hòa cho biết, địa phương rất chia sẻ khó khăn của doanh nghiệp. Tuy nhiên, quá trình tiến hành giải phóng mặt bằng khu vực lòng hồ Nhà máy thủy điện Khuổi Luông gặp phải không ít khó khăn, vướng mắc, đến nay, vẫn đang phải giải quyết.

Cụ thể, năm 2020, diện tích đất cần giải phóng mặt bằng, thu hồi, bàn giao cho Công ty cổ phần Đầu tư và Phát triển công nghiệp Đông Bắc đã được đưa vào danh mục dự án cần thu hồi đất. Tiếp đó, địa phương đã thành lập Ban Chỉ đạo giải phóng mặt bằng Nhà máy thủy điện Khuổi Luông do đồng chí Bí thư Huyện ủy làm Trưởng Ban Chỉ đạo. Huyện cũng thành lập Hội đồng giải phóng mặt bằng và Tổ tuyên truyền, vận động giải phóng mặt bằng Nhà máy thủy điện Khuổi Luông và đồng bộ triển khai các công việc.

Tuy nhiên, ngoài 2ha đất ở khu vực đập đầu mối Nhà máy thủy điện Khuổi Luông đã hoàn thành đền bù, thu hồi; quy trình giải phóng mặt bằng 11,5ha đất khu vực lòng hồ nhà máy thủy điện gặp nhiều khó khăn do người dân chưa đồng thuận. Ủy ban nhân dân huyện đã phải ra quyết định kiểm đếm bắt buộc, rồi lại ra quyết định cưỡng chế kiểm đếm đối với các hộ dân có đất cần thu hồi phục vụ dự án.

Sau khi ra quyết định cưỡng chế kiểm đếm đất đai cần thu hồi, diện tích cần thu hồi đã được kiểm đếm. Địa phương đã lập phương án đền bù, niêm yết phương án đền bù giải phóng mặt bằng và phê duyệt phương án đền bù thu hồi đất khu vực lòng hồ nhà máy trong tháng 5/2022. Theo phương án, có 99 hộ dân có đất bị thu hồi, tổng số tiền đền bù là 4,5 tỷ đồng. Tuy nhiên, đến nay, mới có 2 hộ nhận tiền đền bù; các hộ còn lại chưa chịu nhận tiền đền bù. Huyện đang tiếp tục triển khai, tháo gỡ khó khăn vướng mắc, tạo đồng thuận trong người dân.

Trao đổi về quan điểm của Ủy ban nhân dân huyện Quảng Hòa, bà Trịnh Huyền Trang, Phó Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Đầu tư và Phát triển công nghiệp Đông Bắc chia sẻ, huyện kêu khó giải phóng mặt bằng, dân chưa đồng thuận, thì doanh nghiệp chúng tôi cũng đang gặp muôn vàn khó khăn, đề nghị Ủy ban nhân dân huyện Quảng Hòa cho biết lộ trình cụ thể và thời điểm dự kiến sẽ bàn giao mặt bằng khu vực lòng hồ thủy điện cho công ty.

Nhà máy thủy điện Khuổi Luông nằm “đắp chiếu” dẫn đến rất nhiều khó khăn của doanh nghiệp và người lao động, đồng thời gây lãng phí số tiền đã đầu tư, gây thất thu lớn cho ngân sách địa phương. Các cấp chính quyền tỉnh Cao Bằng, đặc biệt là Ủy ban nhân dân huyện Quảng Hòa cần có giải pháp quyết liệt, đột phá tháo gỡ “nút thắt” giải phóng mặt bằng khu vực lòng hồ Nhà máy thủy điện Khuổi Luông, để dự án sớm đi vào hoạt động.