Cao Bằng: Nguy cơ ô nhiễm hồ thủy điện Mông Ân do chưa dọn sạch thực bì

BVR&MT – Thời gian gần đây, trong quá trình xây dựng thủy điện Mông Ân (huyện Bảo Lâm, tỉnh Cao Bằng) chủ đầu tư đã lơ là công tác dọn thực bì làm tăng nguy cơ gây ô nhiễm nước trong hồ thủy điện, ảnh hưởng đến môi trường, đời sống của bà con đồng bào dân tộc. Cho đến nay, nhiều cây gỗ lớn bị ngập sâu, có cây ngập lên tận ngọn hoặc bị chết khô giữa mênh mông nước.

Một cây gỗ lớn chưa bị chặt và dọn sạch trước khi công trình thủy điện Mông Ân tích nước.

Để tìm hiểu và nghiên cứu rõ về thông tin này, phóng viên Bảo vệ Rừng và Môi trường  đã có mặt tại vùng lòng hồ thủy điện Mông Ân và dễ dàng quan sát thấy cảnh những cây gỗ lớn “mọc” giữa hồ nước, có cây bị chết khô vì “sặc nước”.

Được biết, theo quy định của pháp luật, Chủ đầu tư Dự án thủy điện Mông Ân là Công ty CP Xây lắp điện 1 (PCC1) phải dọn sạch vùng lòng hồ thủy điện trước khi tích nước để phát điện và phải được Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Cao Bằng nghiệm thu. Tuy nhiên, không hiểu vì lý do gì những cây gỗ “khổng lồ” đó chưa bị dọn sạch.

Không chỉ cây to mà những cây gỗ nhỏ cũng chịu cảnh tương tự

Chia sẻ với phóng viên, dưới góc nhìn khoa học, ông Nguyễn Nhân Quảng, một chuyên gia có nhiều năm nghiên cứu về thủy điện cho rằng: “Về nguyên tắc phải dọn sạch lòng hồ, cây để lại như vậy nó bị thối ra ảnh hưởng đến chất lượng nước trên lòng hồ”.

Theo đó, việc để xảy ra những thiếu sót trong công tác dọn dẹp thực bì đối với dự án Thủy điện Mông Ân về lâu dài có thể gây nguy cơ ô nhiễm môi trường nước lòng hồ, môi trường sinh thái, ảnh hưởng đến sinh kế của bà con đồng bào dân tộc sinh sống khu vực lòng hồ như nuôi cá lồng, trồng dược liệu…

Môt cây gỗ lớn bị ngập đến tận ngọn chết khô giữa lòng hồ.

Về phía cơ quan nhà nước, một cán bộ Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Bảo Lâm cho biết: “Đơn vị thủy điện đã thỏa thuận và đền bù cho người dân. Họ (thủy điện) báo cáo lên là thông báo cho người dân cây của nhà nào nhà đó chặt nhưng không hiểu vì sao cây không bị chặt và dọn đi”.

Còn ông Nguyễn Đặng, Giám đốc Sở Công Thương Cao Bằng cho biết: “Họ được tích nước, đã phát điện, việc kia (không dọn thực bì lòng hồ) tôi sẽ cho kiểm tra”.

Kể cả chuối của bà con cũng bị ngập sâu mà chưa được dọn đã tích nước.

Liên hệ với chủ đầu tư thì được biết Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Cao Bằng đã nghiệm thu việc dọn lòng hồ trước khi tích nước và những cây ở giữa hồ “chắc là do mấy cây người dân chưa chặt”.

Không chỉ tích nước khi chưa dọn sạch lòng hồ, một số điểm ven quốc lộ 34 có nguy cơ sạt lở bởi tác động của mực nước trong lòng hồ dâng lên khi tích nước và hạ xuống khi xả nước để phát điện.

Việc tích nước, xả nước phát điện khiến một số đoạn ven quốc lộ 34 có nguy cơ sạt lở

Ngoài ra dự án thủy điện Mông Ân từ khi xây dựng đã để xảy ra “lùm xùm” liên quan đến khai thác, chế biến đá phục vụ công trình thủy điện ngay sát quốc lộ 34, đổ đất đá lấn dòng sông Gâm… Đặc biệt là trong khâu hỗ trợ, đền bù và giải phóng mặt bằng của Ban quản lý dự án còn chưa thỏa đáng dẫn đến người dân khiếu kiện kéo dài.

Thủy điện Mông Ân tích nước khi chưa dọn sạch lòng hồ.
Thủy điện Mông Ân được khởi công tháng 9/2017, Dự án do Công ty Cổ phần Xây lắp điện 1 (PCC1) làm chủ đầu tư, được xây dựng trên sông Gâm nằm trên địa bàn thị trấn Pắc Miầu và xã Nam Quang, huyện Bảo Lâm, tỉnh Cao Bằng với công suất thiết kế 30MW, đây là một trong những thủy điện nằm trông hệ thống thủy điện bậc thang do PCC1 đầu tư. Trước đó công ty này đã vận hành thủy điện Bảo Lâm 1, Bảo lâm 3, Bảo Lâm 3A, hiện nay đang xây dựng thủy điện Bảo Lạc B,…Việc xây dựng các thủy điện bậc thang đã khiến dòng sông Gâm chảy qua địa phận tỉnh Cao Bằng gần như ngưng chảy.

Văn Hoàng