Cảnh báo hành vi trục lợi sâm Ngọc Linh

BVR&MT – Bên cạnh những yêu cầu về khí hậu, thổ nhưỡng, điều kiện tự nhiên…, để sâm Ngọc Linh đạt được hàm lượng dinh dưỡng chuẩn còn cần có thời gian sinh trưởng ít nhất là 8 năm.

Vườn trồng sâm dây manh mún ở Hợp tác xã nông nghiệp Tuyết Sơn Kon Plông chứ không phải trồng sâm Ngọc Linh như quảng bá.

Với hàm lượng dinh dưỡng cao, chứa các saponin quý hiếm được thế giới công nhận, quốc bảo sâm Ngọc Linh hiện nay có giá trị kinh tế rất cao, vào khoảng 180 đến 200 triệu đồng/kg sâm tươi. Trồng sâu trong những cánh rừng tự nhiên, không nhiều người được tiếp xúc, khiến cho sâm Ngọc Linh càng “bí hiểm” với người tiêu dùng.

Lợi dụng điều này, một số cá nhân, doanh nghiệp đã dùng nhiều cách đánh lừa người tiêu dùng để trục lợi. Để tạo niềm tin, các cá nhân, doanh nghiệp đã “khai khống” diện tích trồng sâm Ngọc Linh, đưa ra những “hợp đồng ma” liên kết trồng sâm Ngọc Linh với người dân tại vùng có chỉ dẫn địa lý sâm Ngọc Linh.

Khi người mua tỏ ra ngờ vực thì các đối tượng này lại đánh vào tâm lý người tiêu dùng bằng các “bánh vẽ” về các đề tài nghiên cứu khoa học, dự án bảo tồn sâm Ngọc Linh được Nhà nước đầu tư hàng trăm đến hàng nghìn tỷ đồng.

Những “mánh khóe” tinh vi

Công ty cổ phần Tập đoàn Mỹ Hạnh thành lập năm 2017. Đến năm 2021, công ty này đã có hàng chục sản phẩm được chế biến từ sâm Ngọc Linh mang thương hiệu của riêng mình. Trong khi đó, với sâm Ngọc Linh thì phải được trồng khoảng 8 năm trở lên mới đạt chuẩn khai thác để chế biến ra sản phẩm.

Để thuyết phục nhà đầu tư, Công ty cổ phần Tập đoàn Mỹ Hạnh tung ra hàng loạt hình ảnh vườn sâm Ngọc Linh đã được trồng bài bản, một số hình ảnh đẹp, bắt mắt; trong đó, có một số trùng khớp với vườn sâm của các công ty trồng sâm được tỉnh Kon Tum cấp phép trồng tại núi Ngọc Linh. Cùng với đó là các dự án trồng, bảo tồn sâm Ngọc Linh tại hai tỉnh Kon Tum và Quảng Nam được Nhà nước tài trợ hàng chục nghìn tỷ đồng.

Cuối tháng 11/2021, Công ty cổ phần đầu tư Sâm Việt Nam tổ chức Lễ khai trương hoành tráng, hô khẩu hiệu “đưa thương hiệu sâm Ngọc Linh sẽ sớm vươn tầm ra thế giới, nâng giá trị và uy tín thương hiệu sâm Ngọc Linh”. Công ty này giới thiệu có vườn sâm Ngọc Linh gốc 10 ha, trồng từ 1 đến 8 năm, tại hai huyện Tu Mơ Rông và Đăk Glei, tỉnh Kon Tum, cùng đó là khu nuôi cấy mô tại huyện Kon Plông. Ngoài ra, công ty còn mô hình liên kết để tạo sinh kế cho người dân tại chỗ ở Tu Mơ Rông và Đăk Glei.

Thế nhưng, công ty này chỉ mới thành lập năm 2019, chưa từng thu hoạch được một cây sâm Ngọc Linh nào và 10 ha sâm Ngọc Linh công bố thì chỉ có “trên giấy”. Đáng chú ý, tháng 4/2021, công ty đã có đơn gửi Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Kon Tum đề nghị cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng chỉ dẫn địa lý “Ngọc Linh” cho sản phẩm sâm củ của công ty với số lượng 500.000 cây.

Theo các chuyên gia trồng sâm lâu năm, thì sâm trồng bình quân 10 nghìn cây/ha, với số lượng này, thì diện tích đã trồng ít nhất là 50 ha, không phải 10 ha như công bố. Việc này đặt cho dư luận nghi vấn về nguồn gốc số lượng sâm củ để sản xuất ra các thành phẩm lưu hành trên thị trường có trồng ở vùng chỉ dẫn địa lý sâm Ngọc Linh hay từ một nơi nào khác?

Hay như cuối năm 2022, dư luận trên địa bàn tỉnh Kon Tum xôn xao về thông tin Công ty cổ phần Tập đoàn Y dược Sâm Ngọc Linh Việt Nam tuyên bố “sở hữu hơn 7.000 ha vùng trồng sâm tại đỉnh núi Ngọc Linh” và “đã có hơn 600 ha sâm Ngọc Linh trồng hoàn toàn tự nhiên dưới những tán rừng nguyên sinh nằm trên đỉnh Ngọc Linh có độ cao hơn 2.000 m so với mực nước biển”.

Cuối năm 2022, dư luận trên địa bàn tỉnh Kon Tum xôn xao về thông tin Công ty cổ phần Tập đoàn Y dược Sâm Ngọc Linh Việt Nam tuyên bố “sở hữu hơn 7.000 ha vùng trồng sâm tại đỉnh núi Ngọc Linh” và “đã có hơn 600 ha sâm Ngọc Linh trồng hoàn toàn tự nhiên dưới những tán rừng nguyên sinh nằm trên đỉnh Ngọc Linh có độ cao hơn 2.000 m so với mực nước biển”.

Được thành lập từ ngày 1/3/2022 nhưng theo giới thiệu của Công ty cổ phần Tập đoàn Y dược Sâm Ngọc Linh Việt Nam thì năm 2016, công ty đã nghiên cứu và đi tìm giống gien sâm Ngọc Linh gốc. Đến năm 2020 thì tiến hành trồng thử nghiệm tại nhà màng; năm 2021, lên kế hoạch xây dựng và mở rộng vùng trồng sâm Ngọc Linh tại Kon Tum.

Với đặc điểm của cây sâm Ngọc Linh là phải trên 8 năm mới thu hoạch thì mới phần nào đầy đủ các dưỡng chất quý nên ông Nguyễn Duy Thái, Phó Giám đốc Công ty cổ phần Rượu Sâm Ngọc Linh Kon Tum (công ty con của Tập đoàn Y dược Sâm Ngọc Linh Việt Nam, đóng chân trên địa bàn tỉnh Kon Tum) cho biết, công ty vừa trồng sâm nuôi cấy mô, vừa liên kết với các hộ dân trên địa bàn huyện Tu Mơ Rông để thu mua sâm tươi.

Năm 2022, công ty thu mua gần 40 kg Sâm Ngọc Linh tươi từ các đơn vị bán sỉ như: Công ty TNHH một thành viên Lâm nghiệp Đăk Tô, Công ty cổ phần sâm Ngọc Linh Kon Tum, hộ gia đình ông A Sỹ… cung cấp nguyên liệu cho Tập đoàn Y dược Sâm Ngọc Linh Việt Nam để sản xuất hàng nghìn sản phẩm chế biến sâu từ sâm Ngọc Linh như: mặt nạ, kem dưỡng da, kem chống nắng, rượu sâm Ngọc Linh… Thế nhưng các doanh nghiệp, cá nhân bán sỉ trên đều khẳng định không bán sâm Ngọc Linh cho công ty!

Khẩn cấp bảo vệ thương hiệu

Cuối tháng 6 vừa qua, cơ quan Công an quận Cầu Giấy (Hà Nội) đã có văn bản gửi Ủy ban nhân dân huyện Kon Plông (tỉnh Kon Tum) về việc cung cấp thông tin. Theo đó, Công an quận Cầu Giấy đang tiến hành xác minh, thu thập tài liệu liên quan đến các hoạt động sản xuất, kinh doanh của Công ty cổ phần Tập đoàn Mỹ Hạnh. Công ty cổ phần Tập đoàn Mỹ Hạnh thường xuyên quảng cáo, giới thiệu với nhà đầu tư, khách hàng về hoạt động sản xuất, kinh doanh các sản phẩm liên quan đến sâm Ngọc Linh.

Để phục vụ công tác nắm tình hình, phòng ngừa vi phạm pháp luật trong hoạt động của công ty, Công an quận Cầu Giấy đề nghị Ủy ban nhân dân huyện Kon Plông cung cấp thông tin, tài liệu liên quan đến thủ tục pháp lý, hoạt động trồng, sản xuất các sản phẩm sâm Ngọc Linh của Công ty cổ phần Tập đoàn Mỹ Hạnh cũng như của Hợp tác xã nông nghiệp Tuyết Sơn Kon Plông do bà Phạm Thị Mỹ Hạnh là người đại diện.

Trả lời nội dung trên, Chủ tịch UBND huyện Kon Plông Đặng Quang Hà cho biết: Trên địa bàn huyện Kon Plông không cấp chủ trương trồng sâm Ngọc Linh cho Công ty cổ phần Tập đoàn Mỹ Hạnh hay Hợp tác xã nông nghiệp Tuyết Sơn Kon Plông. Huyện Kon Plông không nằm trong vùng chỉ dẫn địa lý và không nằm trong vùng quy hoạch phát triển sâm Ngọc Linh. Huyện chưa có chủ trương nào để doanh nghiệp, hợp tác xã trồng sâm Ngọc Linh trên địa bàn huyện. Nếu doanh nghiệp trồng sâm hay quảng bá sâm Ngọc Linh trên địa bàn huyện là không đúng quy định.

Trên địa bàn huyện Kon Plông không cấp chủ trương trồng sâm Ngọc Linh cho Công ty cổ phần Tập đoàn Mỹ Hạnh hay Hợp tác xã nông nghiệp Tuyết Sơn Kon Plông. Huyện Kon Plông không nằm trong vùng chỉ dẫn địa lý và không nằm trong vùng quy hoạch phát triển sâm Ngọc Linh.

Chủ tịch UBND huyện Kon Plông Đặng Quang Hà

Đến tháng 7/2023, Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) có Công văn 1525/ATTP-SP gửi Ủy ban nhân dân huyện Tu Mơ Rông (tỉnh Kon Tum) cho biết, đơn vị này đang tiếp nhận hồ sơ đăng ký bản công bố sản phẩm bảo vệ sức khỏe của Công ty cổ phần Tập đoàn Y dược Sâm Ngọc Linh Việt Nam, có cung cấp giấy xác nhận ngày 30/5/2022 của Ủy ban nhân dân huyện Tu Mơ Rông về một số nội dung liên quan Công ty cổ phần Rượu Sâm Ngọc Linh Kon Tum.

Để làm cơ sở giải quyết hồ sơ doanh nghiệp, Cục An toàn thực phẩm đề nghị Ủy ban nhân dân huyện Tu Mơ Rông trả lời giấy xác nhận ngày 30/5/2022 do Ủy ban nhân dân huyện ban hành đã thu hồi chưa, hiện có hiệu lực hay không.

Về nội dung này, Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Tu Mơ Rông Võ Trung Mạnh cho biết, đến nay, giấy xác nhận có nội dung nêu trên đã hết hiệu lực kể từ ngày 31/12/2022. Công ty cổ phần Rượu sâm Ngọc Linh Kon Tum có triển khai dự án nuôi cấy mô Sâm Ngọc Linh ở xã Ngọk Lây nhưng không có liên kết trồng sâm với người dân trên địa bàn huyện Tu Mơ Rông.

Mới đây, huyện đã kiến nghị Ủy ban nhân dân tỉnh Kon Tum cho thành lập đoàn liên ngành thanh tra toàn diện dự án nuôi cấy mô và các hoạt động của Công ty cổ phần Rượu Sâm Ngọc Linh Kon Tum để làm rõ việc triển khai dự án nhằm bảo vệ quyền lợi cho doanh nghiệp cũng như bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, bảo vệ thương hiệu sâm Ngọc Linh, đồng chí Võ Trung Mạnh, nhấn mạnh.

Đến nay, ngoài Công ty cổ phần Tập đoàn Mỹ Hạnh đang bị nhiều người dân trong cả nước tố cáo lừa đảo góp vốn Dự án phát triển Sâm Ngọc Linh tại Quảng Nam và Kon Tum thì các công ty còn lại vẫn ngang nhiên mở thêm các chi nhánh, đại lý trên toàn quốc, vẫn âm thầm trục lợi thương hiệu sâm Ngọc Linh.

 

NGUỒNnhandan.vn
Tags:
CHIA SẺ