BVR&MT – Những công trình hạ tầng giao thông nghìn tỷ, mà tâm điểm là Cảng hàng không quốc tế Vân Đồn đã và đang trở thành “nam châm” hút vốn đầu tư khổng lồ về Quảng Ninh – vùng địa đầu Đông Bắc Tổ quốc.
Kỳ tích Vân Đồn
Là một trong 17 khu kinh tế ven biển của cả nước, Vân Đồn được định hướng trở thành một trung tâm du lịch sinh thái biển đảo, đồng thời cũng là trung tâm hàng không, đầu mối giao thương quốc tế để thúc đẩy phát triển kinh tế ở Quảng Ninh. Được thành lập từ giữa năm 2007, thế nhưng cách đây khoảng 3 năm, người ta chỉ nhớ đến Vân Đồn bởi cảnh đẹp và sự hoang sơ, hoạt động kinh doanh manh mún, nhỏ lẻ…, chứ không có bóng dáng công trình nào đủ để gây ấn tượng.
Chủ tịch UBND Quảng Ninh, ông Nguyễn Đức Long nhớ lại: “Cách đây hơn 3 năm chúng tôi đã đón các nhà đầu tư từ Mỹ, Lasvegas… đến và tìm hiểu đầu tư tại khu kinh tế Vân Đồn, họ rất ấn tượng với nơi này. Nhưng họ đã hỏi làm thế nào để chúng tôi đến được đây? Đó là câu hỏi khiến lãnh đạo tỉnh Quảng Ninh rất trăn trở”. Nhiều nhà đầu tư đến rồi lại đi, mà mấu chốt ở chỗ Vân Đồn có tiềm năng, nhưng hạ tầng giao thông yếu kém, ảnh hưởng đến chi phí và hiệu quả đầu tư.
Nhưng nay, Vân Đồn đã “lội ngược dòng”, vươn lên bứt phá ngoạn mục cũng chính ở hạ tầng giao thông. Dấu mốc quan trọng là ngày 11/7 vừa qua, chuyến bay hiệu chuẩn đầu tiên đã hạ cánh an toàn tại Cảng hàng không quốc tế Vân Đồn, chuẩn bị cho quá trình đưa vào vận hành chính thức sân bay này. Đây là sân bay quốc tế đầu tiên do tư nhân đầu tư xây dựng theo hình thức BOT với tổng mức đầu tư khoảng 7.700 tỷ đồng, là Cảng hàng không đạt cấp 4E (theo mã tiêu chuẩn của Tổ chức hàng không dân dụng quốc tế – ICAO) và sân bay quân sự cấp II. Khi đi vào khai thác thương mại chính thức vào tháng 12 năm nay, Cảng hàng không quốc tế Vân Đồn có khả năng đón những loại máy bay chuyên chở hàng hóa và lượng hành khách lớn với khoảng 7.000 lượt khách mỗi ngày. Trong giai đoạn I đến năm 2020, nhà ga đáp ứng công suất phục vụ 2,5 triệu khách/năm, giờ cao điểm đạt 1.250 hành khách/h.
Câu chuyện “lột xác” của Vân Đồn nói riêng và ở Quảng Ninh nói chung là minh chứng cho sự năng động của kinh tế tư nhân. Bởi chưa từng có địa phương nào trên cả nước có ngay một Cảng hàng không quốc tế chỉ sau hơn 2 năm? Không chỉ được “mở toang cánh cửa” kết nối với thế giới, Vân Đồn còn được kết nối với các địa phương khác bằng hệ thống cao tốc hàng nghìn tỷ đồng. Đó là tuyến cao tốc Hạ Long – Vân Đồn, Vân Đồn – Móng Cái, cùng với cao tốc Hạ Long – Hải Phòng sau khi hoàn thành sẽ tạo ra mạng lưới giao thông hiệu quả kết nối liên vùng Hà Nội – Hải Phòng – Vân Đồn – Móng Cái.
Trong giai đoạn 2012-2017, tỉnh Quảng Ninh đã huy động và thu hút trên 57.600 tỷ đồng để cải thiện kết cấu hạ tầng và đầu tư các công trình động lực phục vụ phát triển huyện Vân Đồn, trong đó đầu tư từ nguồn vốn ngoài ngân sách là 40.300 tỷ đồng, chiếm 70% tổng vốn. Tư duy đột phá, sáng tạo trong huy động nguồn vốn tư nhân để đầu tư các dự án hạ tầng giao thông trọng điểm của Quảng Ninh được chính Bộ trưởng Bộ GTV lấy làm hình mẫu cho các địa phương khác.
Sân bay quốc tế: “Cú hích” hút vốn đầu tư
Ông Bùi Hồng Minh, Phó Giám đốc Sở Giao thông Vận tải Quảng Ninh cho biết, việc xây dựng Cảng hàng không quốc tế Vân Đồn nhằm tạo động lực phát triển cho khu kinh tế Vân Đồn thu hút đầu tư.
Thực tế, ngay khi có thông tin Tập đoàn Sun Group chính thức đầu tư dự án Cảng hàng không quốc tế Vân Đồn, thì mọi chú ý của các doanh nghiệp trong, ngoài nước, các tập đoàn kinh tế tư nhân lớn đều đổ dồn về đây. Đến nay, những tên tuổi như Tập đoàn CEO Group, Tổng công ty Cổ phần Viglacera… đều đã và đang có kế hoạch đổ số vốn khổng lồ cho các siêu dự án tại Vân Đồn.
Với dự án sân bay quốc tế lớn, từ cuối 2017, Quảng Ninh tự tin xúc tiến kêu gọi đầu tư 14 dự án bất động sản du lịch sinh thái quy mô (giai đoạn 2016-2020) và nhiều dự án nhằm phát triển 4 trung tâm du lịch trọng điểm: Hạ Long; Móng Cái – Trà Cổ; Vân Đồn – Cô Tô; Uông Bí – Đông Triều – Quảng Yên. Theo thông tin từ Ban Quản lý các khu kinh tế tỉnh Quảng Ninh, nhiều siêu dự án hàng tỷ USD từ Mỹ, Trung Quốc, Thái Lan, các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống Nhất… cũng đang dần hiện diện ở tỉnh này.
Rất khẩn trương, cách đây cả năm trời, Quảng Ninh và nhà đầu tư Cảng hàng không quốc tế Vân Đồn đã xúc tiến kế hoạch mở đường bay tới các thị trường tiềm năng. TS. Trần Đình Thiên – Nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế (Viện KHXH Việt Nam) từng cho rằng: “Các nhà đầu tư hạ tầng giao thông sẽ kết nối với các dự án du lịch, các hãng hàng không…, cùng hợp tác để quảng bá các dự án của họ, tạo ra nguồn thu ngay khi các dự án được đưa vào khai thác”. Đó cũng chính là lý do vì sao giao thông luôn được xác định phải đi trước một bước để tạo động lực cho sự phát triển chung…
Khi những chuyến bay thương mại liên tục cất – hạ cánh tại Cảng hàng không quốc tế Vân Đồn, cũng sẽ là thời điểm cất cánh cho các ngành kinh tế khác như sản xuất, chế biến, công nghệ cao, logistics, du lịch… phát triển hơn. Như Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh Nguyễn Đức Long khẳng định: “Cảng hàng không quốc tế Vân Đồn là “cú hích” quan trọng để Quảng Ninh tiếp tục kêu gọi, huy động được nguồn lực đầu tư lớn để phát triển nhanh, mạnh và bền vững.”