Cần xây dựng luật về lâm nghiệp phù hợp thời kỳ mới

BVR&MT – Luật Bảo vệ và phát triển rừng lần đầu được ban hành vào năm 1991 trong bối cảnh tài nguyên rừng bị suy thoái nghiêm trọng, tỷ lệ che phủ rừng của cả nước chỉ còn khoảng 28%. Nhiệm vụ chính của giai đoạn này là khôi phục rừng bằng các chương trình, dự án của Chính phủ để phủ xanh, đất trống núi trọc. Để kịp thời đáp ứng yêu cầu phát triển lâm nghiệp giai đoạn 2005 – 2015, Luật Bảo vệ và phát triển rừng đã sửa đổi, bổ sung và được QH thông qua tại Kỳ họp thứ 6, Khóa XI ngày 3.12.2004.

Ảnh minh họa.

Hơn 25 năm qua, Luật Bảo vệ và phát triển rừng đã tạo khuôn khổ pháp lý quan trọng điều chỉnh các quan hệ xã hội trong lĩnh vực bảo vệ và phát triển rừng theo mục tiêu quản lý chuyển từ nền lâm nghiệp lấy quốc doanh là chủ yếu sang nền lâm nghiệp nhân dân, đa dạng hóa các thành phần kinh tế tham gia; kinh tế lâm nghiệp từ chủ yếu dựa vào khai thác, lợi dụng rừng tự nhiên sang bảo vệ, phục hồi rừng tự nhiên và trồng rừng mới, gắn phát triển kinh tế lâm nghiệp với phát huy vai trò môi trường sinh thái, quốc phòng an ninh và an sinh xã hội, nhờ đó, diện tích rừng cả nước năm 2016 là 14, 377 triệu ha với độ che phủ rừng 41,19%, hàng năm có thể khai thác được gần 20 triệu m3 gỗ, kim ngạch xuất khẩu đạt hơn 7 tỷ USD với mức tăng trưởng xuất khẩu bình quân 10 – 15%/năm. Lâm nghiệp là phân ngành kinh tế có tăng trưởng cao nhất trong nhóm các phân ngành kinh tế nông nghiệp. Mặc dù đạt được một số thành tựu quan trọng, nhưng đến nay Luật Bảo vệ và phát triển rừng đã bộc lộ những tồn tại, hạn chế trong ngăn chặn tình trạng phá rừng, suy giảm rừng tự nhiên, lấn chiếm đất rừng còn diễn ra phức tạp; sản xuất lâm nghiệp bị chia cắt thành các giai đoạn riêng lẻ, hiệu quả sản xuất kinh doanh thấp; công nghiệp chế biến lâm sản chủ yếu nhỏ lẻ, công nghệ lạc hậu, năng suất, giá trị gia tăng thấp; đóng góp của ngành lâm nghiệp trong nền kinh tế của cả nước rất thấp, thu nhập của người làm nghề rừng thấp…

Mặt khác, phát triển sản xuất lâm nghiệp theo chuỗi giá trị cung ứng lâm sản đang trở thành xu hướng chủ đạo nhằm bảo đảm thương mại gỗ và sản phẩm gỗ hợp pháp và hướng tới quản lý tài nguyên rừng bền vững. Trong quá trình hội nhập sâu, rộng vào nền kinh tế thế giới, ngành Lâm nghiệp nước ta phải tham gia vào chuỗi cung ứng lâm sản toàn cầu, tuân thủ việc truy xuất nguồn gốc gỗ theo quy định quốc tế. Vì vậy, hình thành liên kết giữa người sử dụng lâm sản với chủ rừng thông qua một chu trình khép kín từ quản lý, bảo vệ rừng, phát triển rừng, sử dụng rừng, chế biến và thương mại lâm sản trở thành một yêu cầu bức thiết.

Thực tiễn đang đòi hỏi mọi hoạt động lâm nghiệp phải được hình thành từ sự phân công lao động xã hội; là một phân ngành, ngành nghề trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, phải có sự liên kết theo chuỗi các hoạt động lâm nghiệp nhằm tạo ra rừng, sản xuất và cung ứng lâm sản đáp ứng yêu cầu của nền kinh tế, tạo dựng lòng tin và đời sống xã hội, đảm bảo chế biến và xuất khẩu lâm sản có trách nhiệm, tạo dựng lòng tin của khách hàng nước ngoài và xây dựng thương hiệu của đồ gỗ Việt Nam trên thị trường quốc tế. Trên thực tế, trong những năm gần đây, công nghiệp chế biến và xuất khẩu sản phẩm gỗ đã trở thành động lực chính thu hút hàng triệu hộ nông dân trồng rừng, góp phần hình thành trên 4,1 triệu ha rừng trồng ở nước ta.

Xuất phát từ những lý do trên, Luật Bảo vệ và phát triển rừng cần được nghiên cứu sửa đổi, bổ sung để trở thành Luật Lâm nghiệp với phạm vi điều chỉnh theo chuỗi giá trị của lâm nghiệp gồm tạo rừng, quản lý, bảo vệ rừng, sử dụng rừng, chế biến, thương mại và dịch vụ rừng thì mới phát huy đầy đủ tiềm năng để phát triển lâm nghiệp bền vững, quản lý bảo vệ và phát triển rừng có hiệu quả, hội nhập quốc tế sâu rộng, đem lại lợi ích trực tiếp cho cá nhân, tổ chức làm lâm nghiệp và cho đất nước.

PHÓ BÍ THƯ TỈNH ỦY NGHỆ AN LÊ QUANG HUY: Đã bổ sung cơ chế, chính sách, quy định rõ hơn về BV – PTR bền vững

Luật Bảo vệ và phát triển rừng năm 2004 là văn bản pháp lý cao nhất trong lĩnh vực lâm nghiệp. Hơn 12 năm thực thi Luật, có nhiều kết quả tích cực đáng ghi nhận: Độ che phủ rừng, sản lượng gỗ, kim ngạch xuất khẩu lâm sản của nước ta đều tăng… Tuy nhiên, một số quy định của Luật đã bộc lộ những hạn chế, không còn thích hợp với tình hình phát triển hiện nay. Do vậy, việc Chính phủ trình Quốc hội dự thảo Luật Bảo vệ và phát triển rừng (sửa đổi) là cần thiết.Thứ nhất, dự thảo Luật đã quy định lại các cơ chế, chính sách, đồng thời hướng dẫn một cách cụ thể, rõ ràng về chủ rừng, cho thuê rừng… để người dân được hưởng lợi từ việc bảo vệ và phát triển rừng. Bởi, hơn ai hết chính những người dân bản địa, những người dân sống tại khu rừng, chủ rừng là người có đóng góp tích cực cho việc bảo vệ và phát triển rừng.Thứ hai, lâu nay trong Luật Bảo vệ và phát triển rừng và nhiều văn bản pháp quy khác có nói đến giao đất giao rừng cho dân. Tuy nhiên, trên thực tế việc này chưa hiệu quả. Trong dự thảo Luật đã bổ sung quy định rõ hơn về quyền và nghĩa vụ của cộng đồng dân cư được giao rừng, sẽ tạo động lực cho cộng đồng quản lý, bảo vệ, phát triển rừng tốt hơn.

Ngoài ra, liên quan đến cơ chế tạo nguồn tài chính cho bảo vệ, phát triển rừng, dự thảo Luật đã khuyến khích, mở rộng các hình thức kinh doanh dịch vụ môi trường rừng. Tôi được biết nguồn thu từ dịch vụ môi trường rừng hàng năm khoảng 1.300 tỷ đồng, chiếm 22% tổng đầu tư toàn xã hội cho ngành lâm nghiệp. Rõ ràng bất kỳ ai sử dụng môi trường rừng thì buộc phải đóng tiền để nguồn kinh phí này được sử dụng cho mục đích hỗ trợ nhiệm vụ bảo vệ, phát triển rừng.

PHÓ CHỦ NHIỆM ỦY BAN KHOA HỌC, CÔNG NGHỆ VÀ MÔI TRƯỜNG TRƯƠNG MINH HOÀNG: Không chồng chéo với các luật liên quan

Với vai trò đại diện cơ quan thẩm tra, tôi cho rằng những nội dung của dự thảo Luật Bảo vệ và phát triển rừng (sửa đổi) phù hợp với chủ trương, đường lối của Đảng về bảo vệ và phát triển rừng. Đặc biệt, dự thảo Luật cũng không chồng chéo, mâu thuẫn với các luật có liên quan. Cụ thể:

Đối với Luật Đất đai: Không có bất cập hoặc chồng chéo giữa phân loại đất quy định tại Luật Đất đai năm 2013 và phân loại rừng tại dự thảo Luật này, theo đó, Luật Đất đai phân đất rừng đặc dụng, đất rừng phòng hộ, đất rừng sản xuất; dự thảo Luật này cũng phân 3 loại rừng: Đặc dụng, phòng hộ, sản xuất; quy định giao rừng phải gắn với giao đất; thu hồi rừng phù hợp với thu hồi đất; điều tra rừng, kiểm kê rừng phối hợp chặt chẽ với thống kê, kiểm kê đất đai…

Đối với Luật Đa dạng sinh học: Việc quy định các loại rừng đặc dụng tại dự thảo Luật (gồm vườn quốc gia, khu dự trữ thiên nhiên, khu bảo tồn loài, sinh cảnh, khu bảo vệ cảnh quan) và quy định Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn quản lý nhà nước về rừng đặc dụng không mâu thuẫn với phân cấp khu bảo tồn quy định tại Luật Đa dạng sinh học năm 2008 và phù hợp với phân cấp quản lý của Chính phủ quy định tại Nghị định số 15/2017 về quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn.

Đối với Luật Đầu tư công: Quy định thẩm quyền giải quyết chủ trương chuyển mục đích sử dụng rừng trong dự thảo Luật phù hợp với tiêu chí phân loại dự án quan trọng quốc gia do QH quyết định tại Luật Đầu tư công.

PHÓ TRƯỞNG ĐOÀN ĐBQH TỈNH TUYÊN QUANG MA THỊ THÚY: Xã hội hóa nghề rừng và tạo nguồn tài chính bền vững

Xã hội hóa nghề rừng và tạo nguồn tài chính bền vững cho bảo vệ và phát triển rừng là chủ trương nhất quán và xuyên suốt của Đảng và Nhà nước từ nhiều năm nay. Luật Bảo vệ và phát triển rừng (sửa đổi) lần này đã tạo khuôn khổ pháp lý thuận lợi cho việc triển khai thực hiện xã hội hóa nghề rừng theo đúng chủ trương, định hướng của Đảng và và Nhà nước, cụ thể: Tại Khoản 5 Điều 4 dự thảo Luật quy định về nguyên tắc hoạt động lâm nghiệp, trong đó phát triển lâm nghiệp bền vững là trách nhiệm của mọi cơ quan, tổ chức, hộ gia đình, cá nhân; Nhà nước phân công, phân cấp trách nhiệm quản lý lâm nghiệp, đẩy mạnh xã hội hóa hoạt động lâm nghiệp, bảo đảm sự tham gia của các thành phần kinh tế.

Ngoài ra, trong dự thảo Luật đã bổ sung một nội dung mới quy định về Dịch vụ môi trường rừng (Mục 4, gồm các Điều 75, 76, 77) – Luật Bảo vệ và phát triển rừng năm 2004 chưa quy định. Thực hiện Chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng sẽ tạo lập được nguồn lực tài chính mới, ổn định, bền vững phục vụ cho công tác quản lý bảo vệ rừng (theo báo cáo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn từ năm 2011 – 2016 thu tiền dịch vụ môi trường rừng toàn quốc được: 6.510,7 tỷ đồng). Đây là nguồn tài chính quan trọng, đóng góp rất lớn vào công tác bảo vệ phát triển rừng, nâng cao hiệu quả công tác bảo vệ rừng, đặc biệt là rừng tự nhiên; góp phần tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho người làm nghề rừng, đặc biệt là đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa; không những vậy, nguồn tiền từ dịch vụ môi trường rừng đã góp phần tháo gỡ khó khăn về kinh phí hoạt động cho các ban quản lý rừng, các công ty lâm nghiệp trong bối cảnh Chính phủ có chủ trương dừng khai thác chính gỗ từ rừng tự nhiên.

Do đó, Luật Bảo vệ và phát triển rừng (sửa đổi) trình QH cho ý kiến lần này sẽ tạo khuôn khổ pháp lý thuận lợi để Chính phủ, các cơ quan liên quan ban hành hệ thống văn bản quy phạm pháp luật để thực hiện chuyển đổi ngành lâm nghiệp từ một ngành kinh tế có nhiệm vụ khai thác tài nguyên rừng là chính sang xây dựng ngành lâm nghiệp với nhiệm vụ cơ bản là xây dựng và phát triển vốn rừng; đẩy mạnh sản xuất lâm sản và phát triển các dịch vụ lâm nghiệp trên cơ sở vốn rừng và tài nguyên rừng được quản lý bền vững.