Cần ưu tiên con em đồng bào DTTS tham gia lực lượng Cảnh sát cơ động

BVR&MT – Thảo luận trực tuyến về Dự thảo Luật Cảnh sát cơ động (CSCĐ) sáng 26/10/2021, các đại biểu Quốc hội bày tỏ đồng tình về sự cần thiết ban hành Luật CSCĐ. Một số đại biểu cho rằng, cần ưu tiên con em đồng bào DTTS tham gia lực lượng CSCĐ.

Quốc hội thảo luận trực tuyến về Dự thảo Luật CSCĐ

Đại biểu Triệu Thị Huyền, Đoàn Yên Bái cho rằng, cần ưu tiên, bổ sung đối tượng là con em đồng bào DTTS tham gia lực lượng CSCĐ. Theo đại biểu: Con em đồng bào DTTS tham gia lực lượng CSCĐ để thực hiện nhiệm vụ ở những vùng có đông đồng bào DTTS, những địa bàn trọng điểm về an ninh trật tự là phù hợp bởi lực lượng này hiểu địa bàn, hiểu ngôn ngữ, văn hóa đồng bào DTTS. Trong bối cảnh thực hiện nhiệm vụ đấu tranh vũ trang kết hợp với việc tuyên truyền, vận động, rất cần những người am hiểu ngôn ngữ, văn hóa của đồng bào DTTS để thực hiện nhiệm vụ . Đồng thời, cần ưu tiên những người đã thực hiện nghĩa vụ Công an nhân dân, đã được đầu tư, đào tạo kỹ lưỡng về chuyên môn, nghiệp vụ để tránh lãng phí trong quá trình đào tạo.

Đồng thời, dự thảo Luật CSCĐ cần có chế độ, chính sách đối với cán bộ, chiến sỹ CSCĐ với quy định cụ thể thời gian công tác để được bố trí nhà ở. Việc tuyển chọn công dân vào lực lượng công an, nhất là lực lượng CSCĐ cần nghiêm túc, ngoài các tiêu chuẩn về chính trị, tư tưởng, về đạo đức còn phải đảm bảo về trình độ chuyên môn.

Đại biểu Triệu Thị Huyền phát biểu ý kiến tại điểm cầu Yên Bái

Đồng tình với ý kiến của đại biểu Triệu Thị Huyền, đại biểu Âu Thị Mai, Đoàn Tuyên Quang cho rằng: Việc tuyển chọn công dân vào lực lượng CSCĐ, Dự thảo Luật cần bổ sung tiêu chí về thành phần dân tộc, đảm bảo có phẩm chất, có sức khỏe, độ tuổi phù hợp với việc thực hiện nhiệm vụ. Có chính sách ưu tiên CSCĐ là người DTTS. Bởi nếu tuyển chọn được CSCĐ là người DTTS sẽ đảm bảo tiêu chí hiểu rõ phong tục, tập quán, địa bàn vùng DTTS và MN; từ đó có nhiều thuận lợi trong thực hiện nhiệm vụ. Đồng thời, góp phần tuyên truyền, nâng cao cảnh giác trong vùng đồng bào DTTS, tạo sự đồng nhất, xuyên suốt trong việc bảo vệ an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trong vùng đồng bào DTTS.

Theo đại biểu Vương Thị Hương, Đoàn Hà Giang: Dự thảo Luật cần đảm bảo tính linh hoạt, xây dựng mô hình lực lượng CSCĐ chính quy, tinh nhuệ, hiện đại. Cần bổ sung phạm vi phối hợp với các cấp chính quyền địa phương trong thực hiện nhiệm vụ, đặc biệt trong giải quyết những vụ việc phức tạp về an ninh trật tự. Từ đó, phát huy vai trò, trách nhiệm của địa phương, đồng thời, tạo hành lang pháp lý cho CSCĐ thực hiện nhiệm vụ.

Đồng tình với Dự thảo Luật CSCĐ, đại biểu Tô Ái Vang, Sóc Trăng đề nghị bổ sung công tác phối hợp giữa CSCĐ với các lực lượng liên quan để thực hiện nhiệm vụ trong trường hợp cấp bách, việc huy động người, phương tiện, thiết bị và người điều khiển phương tiện, thiết bị đó theo thẩm quyền và phù hợp tình hình thực tế.

Dự thảo Luật CSCĐ gồm 05 chương, 31 điều. Nội dung cơ bản của dự thảo Luật CSCĐ được xây dựng trên cơ sở bám sát các giải pháp của 04 chính sách đã được Quốc hội, Chính phủ thông qua; kế thừa các quy định còn phù hợp của Pháp lệnh CSCĐ năm 2013, bổ sung những quy định mới phù hợp với yêu cầu thực tiễn hoạt động của CSCĐ.