“Cần thúc đẩy đào tạo nguồn nhân lực trẻ khởi nghiệp”

BVR&MT – Đó là một trong những ý kiến nổi bật được đưa ra tại Hội thảo “Nâng cao chất lượng, hiệu quả đào tạo nghề nông nghiệp cho lao động nông thôn” do Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn phối hợp với Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội tổ chức sáng 9/8, tại Trung tâm Phụ nữ và Phát triển (Số 20 – Thụy Khuê – Hà Nội).

Hội thảo có sự tham dự của: Bà Nguyễn Thị Hồng Yến – Phó Cục trưởng Cục kinh tế hợp tác và phát triển nông thôn – Bộ NN&PTNT, ông Đào Thế Anh – Phó Giám đốc Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam, ông Phạm Văn Cường – Phó Giám đốc Học viện Nông nghiệp Việt Nam, GS.TS Đào Duy Quý – Chủ tịch Hội Khoa học Nông nghiệp xã hội, bà Gaby Breton – Giám đốc dự án phát triển hợp tác xã (HTX) quốc tế SOCODEVI (tổ chức phi lợi nhuận do các hợp tác xã và tổ chức tương trợ thành lập), bà Võ Thị Kim Sa – Giám đốc dự án phát triển HTX Việt Nam cùng đại diện các doanh nghiệp, hợp tác xã, nông dân và các đơn vị truyền thông, báo đài và các tổ chức Quốc tế có kinh nghiệm thực tiễn liên quan đến phát triển nông nghiệp, nông thôn, đào tạo nguồn nhân lực ở Việt Nam.

Toàn cảnh hội thảo.

Phát triển nông nghiệp, nông thôn luôn là mối quan tâm hàng đầu của Đảng và Nhà nước ta, đồng thời có vai trò lớn, vị trí quan trọng trong sự nghiệp công nghiệp hóa – hiện đại hóa (CNH-HĐH) đất nước. Nghị quyết số 26-NQ/TW của Hội nghị Trung ương 7 khóa X, ngày 05/8/2008 về “ nông nghiệp, nông dân, nông thôn” xác định CNH-HĐH nông nghiệp, nông thôn là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu của quá trình CNH-HĐH đất nước.

Trong mối quan hệ mật thiết giữa nông nghiệp, nông dân và nông thôn thì nông dân chính là chủ thể của quá trình xây dựng và phát triển nông thôn mới. Nhà nước đóng vai trò định hướng, ban hành tiêu chí và đề ra các chính sách, cơ chế giúp người dân thực hiện có hiệu quả. Thực tiễn xây dựng nông thôn mới ở nước ta thời gian qua cho thấy, ở địa phương nào huy động được càng nhiều trí tuệ, công sức của người dân xây dựng nông thôn mới thì địa phương đó càng sớm thực hiện được các tiêu chí xã, huyện nông thôn mới và ngược lại.

Tại Hội thảo, TS. Đào Thế Anh – Phó Giám đốc Viện Khoa học nông nghiệp Việt Nam đã trình bày báo cáo về tăng cường năng lực lao động nông thôn phục vụ khởi nghiệp công nghệ cao tham gia chuỗi giá trị nông sản. Báo cáo chỉ rõ việc thực hiện đề án đào tạo nghề cho lao động nông thôn của Thủ tướng Chính phủ, trong 10 năm qua chất lượng nguồn nhân lực và lao động nông thôn nước ta đã có sự chuyển biến tích cực góp phần thực hiện Chương trình tái cơ cấu ngành nông nghiệp, gắn với xây dựng nông thôn mới.

Năm 2018, số người lao động được học nghề lao động nông nghiệp là hơn 120 nghìn người, đạt 41% kế hoạch đề ra. Trong đó, đào tạo từ nguồn ngân sách Trung ương phân bổ cho các địa phương là 64.000 người. Đào tạo từ nguồn xã hội hóa khoảng 33.500 người. Nhiều lao động được tham gia các lớp đào tạo nghề chất lượng cao như trồng rau an toàn, trồng nhãn, trồng dưa công nghệ cao,…theo chuẩn VietGAP.

Tuy nhiên, nhìn chung nguồn nhân lực và lao động nông thôn nước ta nói riêng còn thấp. Cả nước có khoảng 10 triệu hộ nông dân với hơn 30 triệu lao động nhưng chỉ có 17% được đào tạo qua lớp tập huấn. Chính vì vậy trong báo cáo cũng đã đề ra các giải pháp cụ thể nhằm nâng cao chất lượng nguồn nhân lực và lao động nông thôn. Nhấn mạnh các đối tượng chính của nguồn nhân lực nông thôn cần được đào tạo là: 1. Nông dân sản xuất: Hiện trạng thiếu, bị già hóa, nữ hóa và yếu do các bạn trẻ đi làm ở các khu công nghiệp; 2. Khối tư nhân: Các nhà cung cấp dịch vụ đầu vào, đầu ra quy mô nhỏ; 3. Cán bộ hỗ trợ sản xuất nông nghiệp, nông thôn: Thú ý, khuyến nông,…; 4. Nhà quản lý: Lãnh đạo phụ trách xã, thôn,…

Đối với vấn đề đào tạo khởi nghiệp nông nghiệp công nghệ cao và năng lực tham gia chuỗi giá trị nông sản toàn cầu, đại diện Hội Khoa học phát triển nông thôn (PHANO) cho rằng, đối tượng được coi là lực lượng nòng cốt để chuyển giao khoa học công nghệ chính là thế hệ tri thức trẻ, các kĩ sư công nghiệp đại học về nông thôn. Bản thân các trường đại học chuyên về khối nông – lâm – ngư nghiệp cũng như các khối kinh tế đã chỉnh sửa công tác đào tạo để hướng tới cho người học về đầu ra và công tác xây dựng nông thôn mới tại bản, làng.

Mô hình HTX 8X với cây nhãn (huyện Mai Sơn, tỉnh Sơn La) với các thành viên đều là thế hệ 8X, cùng sở thích đam mê trồng cây ăn quả.

Đồng quan điểm trên, TS. Nguyễn Tất Thắng – Trưởng ban công tác sinh viên của Học viện Nông Nghiệp Việt Nam trong báo cáo “Đề án dẫn sinh viên khởi nghiệp hợp tác xã nông nghiệp” của trường đã nêu bật: “Khởi nghiệp hợp tác xã nông nghiệp được xem là chìa khóa để phát triển kinh tế nông thôn, xây dựng nền nông nghiệp bền vững, giải quyết việc làm cho lao động nông thôn hiện nay. Đây là cơ hội để lao động nông thôn có thể khởi nghiệp làm giàu, phát triển kinh tế bản thân”.

Thực tế cho thấy nhiều mô hình khởi nghiệp HTX nông nghiệp thành công tiêu biểu tiêu biểu ở khắp cả nước khẳng định khởi nghiệp HTX nông nghiệp là hướng đi mới, tạo nên sức sống cho kinh tế HTX như: HTX Long Nhi trên địa bàn xã Thông Nguyên huyện Hoàng Su Phì (Hà Giang) sơ chế, chưng cất tinh dầu dược liệu,…Tuy nhiên khởi nghiệp HTX nông nghiệp còn gặp không ít khó khăn, thách thức khi nông nghiệp là lĩnh vực có nhiều rủi ro. Do vậy để thúc đẩy phát triển khởi nghiệp cần có sự phối hợp, quan tâm của nhà nước trong ban hành các chính sách.

Về phía tổ chức quốc tế, bà Gaby Breton – Giám đốc dự án phát triển hợp tác xã tại Việt Nam (VCED) đã trình bày báo cáo về dự án “Phát triển HTX Việt Nam” trên địa bàn các tỉnh: Sóc Trăng, Lâm Đồng, Bến Tre, Bình Thuận, Ninh Thuận với chuỗi giá trị: bò sữa, bưởi da xanh, thanh long và nho.

Đồng hành cùng Dự án là các chương trình như: “Ngôi sao trẻ hợp tác xã 2019 “ hay “Tuổi trẻ khởi nghiệp bằng mô hình hợp tác xã” đã góp phần truyền cảm hứng cho thanh niên nhận thức được rằng HTX là một trong những mô hình đáng lựa chọn để khởi nghiệp, cung cấp thông tin cho họ về bối cảnh hội nhập và lựa chọn ý tưởng kinh doanh cho HTX cũng như xác định chiến lược phát triển.

Cũng trong khuôn khổ hội thảo, Văn phòng điều phối Nông thôn mới Trung ương cũng báo cáo đào tạo khởi nghiệp từ chương trình OCOP. Sau 01 năm triển khai chương trình OCOP, đến nay 50 tỉnh, thành phố đã phê duyệt kế hoạch/đề án, đến năm 2020 phấn đấu đạt trên 2.490 sản phẩm. Cả nước đã có 05 tỉnh thẩm định, xét công nhận cho 253 sản phẩm OCOP, trong đó có 07 sản phẩm 5 sao, 98 sản phẩm 4 sao, 148 sản phẩm 3 sao.

Hà Linh