Cần Thơ chuẩn bị xuất khẩu lô sầu riêng đầu tiên sang Trung Quốc

BVR&MT – Ngày 5/10, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật thành phố Cần Thơ tổ chức hướng dẫn làm hồ sơ, đăng ký thủ tục cấp mã số vùng trồng (code), quy trình sản xuất… cho hợp tác xã, tổ hợp tác tại huyện Phong Điền nhằm giúp họ nắm bắt quy định đăng ký mã số vùng trồng phục vụ cho việc thực hiện chuỗi liên kết sản xuất và tiêu thụ sầu riêng, đáp ứng yêu cầu xuất khẩu chính ngạch sang thị trường Trung Quốc.

Quang cảnh buổi hướng dẫn làm hồ sơ, thủ tục cấp mã số vùng trồng cho nông dân trồng sầu riêng huyện Phong Điền.

Theo kế hoạch, năm 2023, Cần Thơ sẽ có lô sầu riêng đầu tiên xuất khẩu sang Trung Quốc. Việc ký kết Nghị định thư về yêu cầu kiểm dịch thực vật đối với quả sầu riêng xuất khẩu từ Việt Nam sang thị trường Trung Quốc vừa là cơ hội vừa là thách thức đối với người trồng sầu riêng ở Việt Nam nói chung và Cần Thơ nói riêng.

Đến thời điểm này, Cần Thơ chưa có hợp tác xã, doanh nghiệp, cá nhân nào được cấp mã số vùng trồng sầu riêng. Hiện nay, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Cần Thơ đã tiếp nhận 6 hồ sơ yêu cầu được cấp mã số vùng trồng cho sầu riêng.

Hiểu được tầm quan trọng của việc đăng ký cấp mã số vùng trồng nên nhiều người dân thuộc các tổ hợp tác và hợp tác xã đã tham gia tìm hiểu thông tin về hồ sơ, thủ tục đề nghị cấp mã số vùng trồng để sầu riêng được xuất khẩu chính ngạch sang thị trường Trung Quốc.

Theo ông Huỳnh Văn Hoảnh, Giám đốc Hợp tác xã Tân Thới 1, tại xã Tân Thới, huyện Phong Điền, việc Trung Quốc đồng ý cho sầu riêng Việt Nam xuất khẩu chính ngạch sang thị trường này là niềm vui với người trồng sầu riêng bởi điều này giúp sầu riêng được bán ổn định, bền vững, lâu dài chứ không bấp bênh như trước đây.

Hiện sầu riêng của Hợp tác xã Tân Thới 1 được cấp chứng nhận đạt chuẩn VietGAP với diện tích 25 ha nên có khả năng được cấp mã số vùng trồng. Việc đăng ký mã số vùng trồng không quá khó khăn, nhưng quan trọng là sản xuất đạt yêu cầu chất lượng từ nước nhập khẩu. Vì vậy, Hợp tác xã đang làm việc với một doanh nghiệp xuất khẩu sầu riêng để cùng nhau liên kết sản xuất sầu riêng đạt yêu cầu xuất khẩu chính ngạch.

Nếu những năm trước đây chỉ có 1 – 2 doanh nghiệp liên kết với người dân trồng sầu riêng thì từ khi có Nghị định thư của Trung Quốc về yêu cầu kiểm dịch thực vật đối với quả sầu riêng xuất khẩu từ Việt Nam sang thị trường này đã có nhiều doanh nghiệp trong nước liên kết trồng sầu riêng đáp ứng yêu cầu xuất khẩu chính ngạch sang thị trường Trung Quốc.

Theo tiêu chuẩn của Trung Quốc, sầu riêng xuất khẩu chính ngạch phải có hợp đồng liên kết giữa mã số vùng trồng và cơ sở đóng gói. Để tạo điều kiện cho hợp tác xã tìm kiếm doanh nghiệp liên kết, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật còn mời doanh nghiệp xuất khẩu sầu riêng đến trao đổi những thắc mắc, vấn đề mà hợp tác xã, người trồng sầu riêng quan tâm để cùng nhau tìm hướng liên kết.

Theo bà Ngô Tường Vy, Phó Giám đốc Công ty Xuất nhập khẩu Chánh Thu, tỉnh Bến Tre, việc cấp mã số vùng trồng sầu riêng cho nông dân giống như cấp Căn cước công dân. Ai có mã số vùng trồng thì sầu riêng mới xuất khẩu được. Đây là quy định để đồng bộ hóa tiêu chuẩn chất lượng mà nông dân, doanh nghiệp phải tuân thủ. Mở rộng được một thị trường đã khó và để giữ được thị trường càng khó. Do vậy, doanh nghiệp mong muốn liên kết với hợp tác xã xây dựng mã số vùng trồng để mua được sản phẩm tại chính vùng trồng.

Để làm được điều này cần sự chung tay của hợp tác xã và nhận thức liên kết của nông dân; đồng thời, cán bộ địa phương tuyên truyền nhằm giúp nông dân hiểu rõ về ý nghĩa, tầm quan trọng của mã số vùng trồng.

Thông tin hướng dẫn cho người dân về việc làm hồ sơ cấp mã số vùng trồng, bà Phạm Thị Minh Hiếu, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật cho biết, những năm trước đây, người dân, hợp tác xã được doanh nghiệp liên kết làm mã số vùng trồng, nhưng quá trình liên kết chưa được như mong muốn. Hiện nay, mã số vùng trồng phục vụ xuất khẩu không phân biệt của hợp tác xã hay doanh nghiệp và hợp tác xã phải biết cách làm hồ sơ cấp xã số vùng trồng.

Theo tiêu chí sản xuất sầu riêng được quy định trong Nghị định thư của Trung Quốc không phải là khó với người nông dân. Vấn đề chỉ là người dân chưa quen với tập quán sản xuất mới, không chú ý đảm bảo an toàn thực phẩm, kiểm dịch thực vật. Do đó, người dân phải tiếp cận lại quy trình sản xuất mới như: ghi chép nhật ký sản xuất để đảm bảo truy xuất nguồn gốc, sử dụng những loại thuốc bảo vệ thực vật được cho phép… để đảm bảo yêu cầu xuất khẩu.

Điều quan trọng để sầu riêng xuất khẩu chính ngạch sang thị trường Trung Quốc, theo bà Phạm Thị Minh Hiếu, người trồng sầu riêng phải được cấp mã số vùng trồng và doanh nghiệp được cấp mã số cơ sở đóng gói. Ngoài yếu tố thủ tục thì đòi hỏi chất lượng sản phẩm được đảm bảo.

Nhiều nông dân trồng sầu riêng ở xã Tân Thới, huyện Phong Điền mong muốn được cấp mã số vùng trồng để sầu riêng được xuất khẩu chính ngạch ổn định.

Thành phố Cần Thơ hiện có 2.500 ha diện tích trồng sầu riêng, tập trung chủ yếu ở huyện Phong Điền với 2.150 ha. Mỗi năm, sản lượng sầu riêng của Phong Điền cung ứng ra thị trường khoảng 14.200 tấn. Xã Tân Thới là địa phương được quy hoạch chuyên canh sầu riêng với 1.200 ha. Tuy nhiên, hiện nay địa phương mới chỉ có một hợp tác xã trồng sầu riêng với diện tích 25 ha.

Theo ông Trần Thái Nghiêm, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, hiện mới có một hợp tác xã của huyện Phong Điền đủ diện tích để cấp mã số vùng trồng, số diện tích còn lại phân tán nhỏ lẻ, không đủ 10 ha/hộ. Vì vậy, người dân nên liên kết thành lập tổ hợp tác để đủ diện tích đăng ký mã số vùng trồng.

Do thời gian cấp mã số vùng trồng phụ thuộc vào đối tác Trung Quốc nên người dân cần triển khai sớm xây dựng mã số vùng trồng để vụ sầu riêng 2023 đủ điều kiện xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc.

Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nhận định, Nghị định thư vừa tạo ra cơ hội vừa tạo ra thách thức. Khi thị trường chính ngạch được mở cửa thì khả năng thị trường tiểu ngạch sẽ khép lại và phía bạn sẽ quản lý chặt con đường tiểu ngạch. Như vậy, đối với những nông dân trồng sầu riêng không được cấp mã số vùng trồng, không thực hiện đồng bộ quy trình truy xuất nguồn gốc, quản lý chất lượng sẽ rất khó tiêu thụ.

Hiện nay, diện tích sầu riêng ở Cần Thơ còn ít và mùa chính vụ lệch thời gian so với các vùng khác. Đây là lợi thế nên người dân tập trung đăng ký mã số vùng trồng, sản xuất chất lượng, an toàn, đảm bảo truy xuất nguồn gốc. Đồng thời, người dân cần gắn kết với doanh nghiệp, ghi chép nhật ký sản xuất, xác nhận sản lượng cụ thể và giữ chữ tín với doanh nghiệp. Đối với doanh nghiệp kết nối với hợp tác xã, tổ hợp tác cũng phải thực hiện nghiêm túc không mua sầu riêng bên ngoài trà trộn vào sản phẩm được cấp mã số vùng trồng. Vì vậy, doanh nghiệp phải giữ chữ tín với người dân.

Nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho người dân được cấp mã số vùng trồng, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng đề nghị Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật hướng dẫn chi tiết lực lượng cộng tác viên bảo vệ thực vật cấp xã, khuyến nông xã để hỗ trợ người dân làm thủ tục mã số vùng trồng vì nhiều nông dân lớn tuổi khó tiếp cận công nghệ thông tin để xác định tọa độ vườn; triển khai App đăng ký cấp mã số vùng trồng trực tuyến của Cục Bảo vệ thực vật.