Cần tăng cường vai trò cấp cơ sở trong giám sát REDD+ tại Việt Nam

BVR&MT – Xây dựng năng lực cho các tổ chức xã hội và các tổ chức cộng đồng (CBOs) trong lĩnh vực lâm nghiệp, giúp họ hợp tác với nhau và các cơ quan lâm nghiệp tạo nên nền tảng cơ bản để tham gia hiệu quả vào giám sát các chương trình REDD+ là một trong những vấn đề cấp thiết hiện nay.

Hội thảo khởi động Dự án “Tăng cường sự tham gia của các tổ chức xã hội dân sự cấp cơ sở (CSOs) trong giám sát các chương trình REDD+ tại Việt Nam”.

Sáng 15/10, tại thành phố Vinh, Viện Quản lý Rừng bền vững và Chứng chỉ rừng phối hợp cùng Trung tâm Môi trường và Tài nguyên sinh học (CEBR) tổ chức Hội thảo khởi động Dự án “Tăng cường sự tham gia của các tổ chức xã hội dân sự cấp cơ sở (CSOs) trong giám sát các chương trình REDD+ tại Việt Nam”.

Tham dự hội thảo có đại diện: Bà Nguyễn Tường Vân, Phó vụ trưởng Vụ Khoa học công nghệ và hợp tác quốc tế, Tổng cục Lâm nghiệp; Ông Nguyễn Phú Hùng – Hội Khoa học kỹ thuật Lâm nghiệp Việt Nam; GS.TS KH Nguyễn Ngọc Lung; Ông Nguyễn Tiến Lâm – Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh Nghệ An; lãnh đạo huyện Kỳ Sơn, Tương Dương; các tổ chức xã hội, tổ chức phi chính phủ trong khu vực Bắc Trung Bộ cùng các xã thuộc địa bàn dự án.

REDD+ là một sáng kiến quốc tế nhằm hỗ trợ tài chính và kỹ thuật cho các nước đang phát triển với mục tiêu giảm phát thải khí nhà kính, góp phần giảm thiểu biến đổi khí hậu thông qua các nỗ lực chống mất rừng, chống suy thoái rừng, bảo tồn trữ lượng các-bon rừng, quản lý rừng bền vững, tăng cường trữ các bon rừng. Việt Nam đã tham gia REED+ từ rất sớm vào năm 2008 và tới nay đã có hơn 45 dự án lớn nhỏ tại Việt Nam đã được triển khai, tạo nền tảng về mặt thể chế, chính sách và kỹ thuật cho REDD+ để tiến tới thực hiện các hoạt động REDD+ và chi trả dựa trên kết quả giảm phát thải hoặc hấp thụ các-bon.

Ông Nguyễn Tiến Lâm – Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh Nghệ An.

Phát biểu tại hội thảo, Ông Nguyễn Tiến Lâm – Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh Nghệ An, cho biết: tỉnh Nghệ An rất vui mừng được chọn là vùng dự án “Tăng cường sự tham gia của các tổ chức xã hội cơ sở (CSO) trong giám sát các chương trình REDD+ tại Việt Nam” do cộng đồng Châu Âu tài trợ. Sở NN&PTNT và các cơ quan liên quan sẽ tạo điều kiện thuận lợi, tham gia tích cực nhất vào các hoạt động bảo vệ, phát triển rừng nói chung và các hoạt động của dự án nói riêng.

Dự án được EU phê duyệt tài trợ trong bối cảnh Chương trình quốc gia về REDD+ đã được Thủ tướng phê duyệt ngày 5/ 4/2017 với mục tiêu chung là góp phần bảo vệ và nâng cao chất lượng rừng tự nhiên, mở rộng diện tích và nâng cao chất lượng rừng trồng; lồng ghép với thực hiện mục tiêu quốc gia về giảm phát khí thải nhà kính, bảo vệ và phát triển rừng, tăng trưởng xanh; thu hút sự hỗ trợ của quốc tế, tiến tới tiếp cận thị trường tín chỉ cac-bon; cải thiện quản trị rừng, tạo việc làm, cải thiện điều kiện sống của người dân gắn liền với Chương trình nông thôn mới và đảm bảo an ninh quốc phòng.

Chương trình Giảm phát thải vùng Bắc Trung Bộ bao gồm 6 tỉnh: Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên – Huế, với tổng diện tích đất là 5,15 triệu ha và dân số khoảng 10,5 triệu người. Vùng Bắc Trung Bộ gồm phần lớn diện tích lá rộng thường xanh hiện có của Việt Nam và một số khu vực đa dạng sinh học có tầm quan trọng toàn cầu.

Bà Nguyễn Tường Vân, Phó vụ trưởng Vụ Khoa học công nghệ và hợp tác quốc tế, Tổng cục Lâm nghiệp.

Theo Bà Nguyễn Tường Vân, Phó vụ trưởng Vụ Khoa học công nghệ và hợp tác quốc tế, Tổng cục Lâm nghiệp cho biết: Khu vực 6 tỉnh Bắc Trung Bộ là khu vực chịu ảnh hưởng mạnh của biến đổi khí hậu.  Ngoài lợi ích về giảm phát thải, Chương trình còn mang lại các lợi ích phi các-bon trên các khía cạnh kinh tế – xã hội, môi trường và quản trị tại các tỉnh thực hiện như: Duy trì sinh kế bền vững, tăng thu nhập và việc làm cho người dân sống chủ yếu dựa vào rừng; thúc đẩy phát triển nông nghiệp thông minh thích ứng với biến đổi khí hậu; bảo tồn đa dạng sinh học, nguồn tài nguyên rừng; bảo vệ và duy trì các dịch vụ hệ sinh thái; tăng cường quản trị xã hội cấp thôn bản; quản lý và quản trị rừng bền vững, cải thiện quản lý đất, rừng và quy hoạch sử dụng đất có sự tham gia.

Ông Nguyễn Phú Hùng – Hội Khoa học kỹ thuật Lâm nghiệp Việt Nam.

Ông Nguyễn Phú Hùng – Hội Khoa học kỹ thuật Lâm nghiệp Việt Nam cho biết: Vai trò của các tổ xã hội và người dân trong việc sử dụng công nghệ là để giám sát chương trình REDD+ tại Việt Nam, thỏa mãn yêu cầu của Ngân hàng Thế giới đối với Chương trình REDD+ Bắc Trung Bộ rất là quan trọng. Các nước Châu Âu cũng rất quan tâm vấn đề này, họ mong rằng hoạt động của chúng ta là minh bạch, đúng đắn, chính xác và đặc biệt là đảm bảo được giảm phát thải khí thải. Ngoài dự án giới thiệu hội thảo, Châu Âu còn tài trợ nhiều dự án khác tại Việt Nam. Tôi mong muốn các tổ chức xã hội được tham gia vào dự án, được đào tạo tập huấn, từ đó hướng dẫn người dân, đặc biệt là đồng bào dân tộc thiểu số sống dựa vào rừng, họ sử dụng được phần mềm công nghệ vào hoạt động giám sát bảo vệ rừng.

Dự án “Tăng cường sự tham gia của các tổ chức xã hội cấp cơ sở (CSOs) trong giám sát các chương trình REDD+ tại Việt Nam” CSO-LA/2019/411-843, do Ủy ban châu Âu – EU tài trợ. Đại diện các tổ chức xã hội đã được nghe chia sẻ nghiêm cứu của TS Đào Minh Châu về cơ chế Xây dựng và vận hành Hệ thống giám sát độc lập thay đổi rừng (FCIM) của các LC và CSOs. Các tổ chức xã hội cùng thảo luận về quá trình xây dựng chương trình giảm phát thải; yêu cầu và phạm vi chương trình giảm phát thải; mức phát thải tham chiếu; quy mô và tiềm năng giảm phát thải.

GS.TS KH Nguyễn Ngọc Lung đánh giá tác động của biến đổi khí hậu đối với con người là rất lớn. Chúng ta phải chứng minh được tầm quan trọng của việc bảo vệ rừng góp phần vào việc chống biến đổi khí hậu. Trong con đường chứng minh đó, Dự án “Tăng cường sự tham gia của các tổ chức xã hội cấp cơ sở trong giám sát các chương trình REDD+ tại Việt Nam”. Phải chứng minh được là thế nào mà diện tích rừng tham gia tích cực vào giảm khí phát thải, những đối tượng được hưởng lại từ dự án.

Kết quả mong đợi từ dự án là nâng cao nhân thức của cộng đồng và khả năng tiếp cận công nghệ thông tin về quản trị rừng, tăng cường tính minh bạch để các cấp chính quyền quản lý tốt hơn. Hoàn thiện chức năng của các CSO liên quan đến REDD+ về quá trình lập bản đồ, tư liệu hóa các tài liệu diễn biến rừng, khắc phục một số vấn đề còn tồn tại trong quản trị ngành Lâm nghiệp. Tạo cơ hội để tăng cường tương tác giữa các CSO cấp cơ sở với các bên liên quan; tăng cường sự công nhận vai trò và đóng góp của các CSO  trong ngành lâm nghiệp.

Văn Trì