Cần giải pháp miễn giảm thuế phù hợp, phát triển kinh tế trong bối cảnh dịch bệnh

BVR&MT – Đại biểu cho rằng, trong bối cảnh đại dịch hiện nay, muốn khắc phục khó khăn cho nền kinh tế, doanh nghiệp và người dân cần có giải pháp miễn giảm thuế phù hợp. Tuy nhiên, cũng có lĩnh vực cần phải tăng mức thuế lên như thuế bảo vệ môi trường, thuế tiêu thụ đặc biệt…

Phiên họp tổ của Quốc hội chiều ngày 4/1. Ảnh: Bích Liên

Tiếp tục Kỳ họp bất thường lần thứ nhất, Quốc hội khoá XV, chiều ngày 4/1 Quốc hội thảo luận ở tổ về dự thảo Nghị quyết về chính sách tài khóa, tiền tệ để hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế – xã hội.

Dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ để hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội được Chính phủ trình Quốc hội tại kỳ họp bất thường lần thứ nhất.

Thẩm tra Tờ trình về dự thảo Nghị quyết của Chính phủ, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế (UBKT) Vũ Hồng Thanh cho biết, UBKT nhất trí với sự cần thiết thực hiện chính sách tài khóa, tiền tệ để hỗ trợ Chương trình với các lý do đã nêu trong Tờ trình của Chính phủ nhằm cụ thể hóa Kết luận số 20-KL/TW ngày 16/10/2021 của Hội nghị lần thứ tư Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII, các nghị quyết của Quốc hội và phù hợp với yêu cầu thực tiễn. Hồ sơ cơ bản đầy đủ và đủ điều kiện trình Quốc hội xem xét tại kỳ họp bất thường.

UBKT bày tỏ cơ bản thống nhất với các quan điểm nêu tại Tờ trình, ngoài ra, đề nghị xác định rõ và bổ sung quan điểm: Việc nâng cao tính tự chủ, khả năng chống chịu, thích ứng của nền kinh tế; chỉ sử dụng bội chi ngân sách nhà nước (NSNN) để chi đầu tư phát triển; nguồn lực đưa ra phải hấp thụ được ngay trong 2 năm triển khai Chương trình (2022-2023).

Cho ý kiến về chính sách thuế, đa số ý kiến thống nhất với chủ trương miễn, giảm một số loại thuế, phí; trong đó thống nhất chính sách giảm thuế giá trị gia tăng 2% áp dụng cho các mặt hàng chịu thuế suất 10%, nhưng đề nghị rà soát đối tượng áp dụng; cần tập trung vào các ngành, lĩnh vực cần được kích cầu, có tác dụng lan tỏa, cần loại trừ các sản phẩm chịu thuế tiêu thụ đặc biệt.

Về chi trực tiếp từ NSNN cho đầu tư phát triển, UBKT thống nhất việc chi trực tiếp từ NSNN sử dụng để chi đầu tư phát triển. Tuy nhiên, đề nghị Chính phủ rà soát kỹ danh mục đề xuất, bảo đảm hiệu quả thiết thực, phù hợp với quy định của Luật Đầu tư công, phù hợp với khả năng hấp thụ, giải ngân vốn đầu tư công.

Về nguồn tăng thu, tiết kiệm chi năm 2021, đa số ý kiến nhất trí việc sử dụng 6.600 tỷ đồng từ nguồn tăng thu, tiết kiệm chi ngân sách Trung ương năm 2021 để hỗ trợ tiền thuê nhà cho người lao động và đề nghị cần có giải pháp phù hợp, hiệu quả, tránh trục lợi.

Cho ý kiến về vấn đề này, đại biểu Nguyễn Trường Giang, Ủy ban Pháp luật của Quốc hội cho biết: Liên quan đến giải pháp đẩy mạnh lộ trình cải cách thuế, Nghị quyết của Bộ Chính trị đã nêu ra mở rộng nguồn thu. “Chúng ta mới đề xuất các chính sách chi là chính, trong khi đó nguồn thu giảm. Trong bối cảnh đại dịch hiện nay muốn khắc phục khó khăn cho nền kinh tế, doanh nghiệp và người dân cần có giải pháp miễn giảm thuế. Tuy nhiên, cũng có lĩnh vực cần phải tăng mức thuế lên được như thuế bảo vệ môi trường, thuế tiêu thụ đặc biệt như rượu bia, thuốc lá…”, đại biểu cho biết.

Theo đó đại biểu đề nghị, trong Đề án xây dựng chương trình Luật, pháp lệnh, Chính phủ cần sớm triển khai các biện pháp để thực hiện theo Nghị quyết của Đảng về mở rộng nguồn thu đối với ngân sách nhà nước.

Liên quan đến việc cho phép tính vào chi phí trừ thuế thu nhập đối với khoản chi ủng hộ, tài trợ của doanh nghiệp bằng tiền và hiện vật, đại biểu cho rằng cần quy định rõ ràng về thời gian áp dụng miễn giảm thuế, thì công tác này mới thuận lợi.

Vấn đề y tế và nâng cao chất lượng đội ngũ lao động, đại biểu Quàng Văn Hương (tỉnh Sơn La) nêu rõ: Trong thời gian giãn cách, vai trò của đội ngũ y tế cơ sở xã, phường rất quan trọng. Tuy nhiên, để hoạt động của đội ngũ này được đảm bảo yêu cầu hiện nay thì phải có sự phối hợp đồng bộ, phải đảm bảo khi xảy ra dịch bệnh trên địa bàn thì đội ngũ y tế cơ sở phải đáp ứng được yêu cầu đặt ra.

Về vấn đề dạy nghề, đại biểu cũng cho hay, dự thảo Nghị quyết đã nêu dự kiến sẽ củng cố cơ sở vật chất để hướng tới đào tạo dạy nghề lại. “Nếu đào tạo lại để phục vụ cho các cơ sở công nghiệp thì khác, nhưng nếu đào tạo lại cho người lao động để họ có được một nghề theo định hướng mới thì cần phải nghiên cứu kỹ, phải tính đến đối tượng đào tạo”, đại biểu phân tích.

Đại biểu đề nghị phải xác định nhu cầu hình thành các cơ sở đào tạo nghề, để sát với thực tiễn; cần phải có sự căn cơ và chi tiết hơn về vấn đề này.

Tại phiên thảo luận, nhiều ý kiến cũng đề nghị tiếp tục nghiên cứu biện pháp cho trừ bổ sung theo tỷ lệ nhất định trên cơ sở chi phí thực tế để tính thuế thu nhập doanh nghiệp, áp dụng trong ngắn hạn (chi phí tạo tài sản cố định trong 2 năm 2022 – 2023 và chi phí lao động năm 2022); tăng thuế đối với giao dịch chứng khoán, bất động sản, lĩnh vực kinh doanh trên nền tảng kỹ thuật số hoặc tăng thuế tiêu thụ đặc biệt đối với một số mặt hàng cần hạn chế tiêu dùng, báo cáo thẩm tra phản ánh./.