Cân đối cung cầu và bình ổn thị trường Tết Nguyên đán 2020

BVR&MT – Bộ Công Thương vừa ban hành Chỉ thị số 12/CT-BCT về việc thực hiện các giải pháp bảo đảm cân đối cung cầu, bình ổn thị trường cuối năm 2019 và dịp Tết Nguyên đán Canh Tý 2020.

Người dân mua sắm tại hệ thống của hàng Vinmart. (Ảnh: Đỗ Phương Anh/TTXVN)

Bộ đề nghị Sở Công Thương các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, các đơn vị thuộc bộ, các tập đoàn, tổng công ty, công ty, các hiệp hội ngành hàng sớm có kế hoạch sản xuất, kinh doanh, các phương án xử lý các biến động bất thường của thị trường.

Sở Công Thương các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có trách nhiệm theo dõi, đánh giá nguồn cung, nhu cầu hàng hóa, nhất là các mặt hàng thiết yếu, những mặt hàng có biến động tăng giá cao trên địa bàn để chủ động có phương án cụ thể.

Ngoài ra, các đơn vị này có thể đề xuất với các cơ quan chức năng biện pháp bảo đảm cân đối cung cầu, ổn định thị trường, không để xảy ra tình trạng thiếu hàng, gián đoạn nguồn hàng gây tăng giá đột biến trong dịp cuối năm và Tết Nguyên đán; chủ động tham mưu cho Ủy ban Nhân dân tỉnh phương án chuẩn bị nguồn hàng, dự trữ hàng hóa thiết yếu phục vụ Tết, thực hiện các biện pháp bình ổn thị trường theo quy định của pháp luật.

Đặc biệt, Sở Công Thương các tỉnh cần phối hợp với Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh, thành phố hỗ trợ, kết nối các doanh nghiệp sản xuất, phân phối hàng thiết yếu phục vụ Tết với các tổ chức tín dụng trên địa bàn để tiếp cận được nguồn vốn vay với lãi suất ưu đãi, dự trữ hàng hóa bình ổn thị trường dịp trước, trong và sau Tết.

Bên cạnh đó, Sở Công Thương các tỉnh liên kết chặt chẽ với Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn và các đơn vị chức năng theo dõi sát tình hình sản xuất, diễn biến dịch bệnh, thời tiết, nhất là dịch tả lợn châu Phi, đánh giá năng lực cung ứng nguồn hàng thịt lợn và các mặt hàng thực phẩm thiết yếu khác cho thị trường dịp cuối năm và Tết Nguyên đán…

Đối với các đơn vị sản xuất (Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, Tổng công ty Cổ phần Bia Rượu-Nước giải khát Hà Nội, Tổng Công ty cổ phần Bia Rượu-Nước giải khát Sài Gòn, Tổng công ty Thuốc lá Việt Nam, Tập đoàn Dệt may Việt Nam…), Bộ Công Thương đề nghị cần chủ động có kế hoạch sản xuất, cung ứng hàng hóa phục vụ Tết.

Mặt khác, các đơn vị này phải dự trữ vật tư, nguyên, nhiên vật liệu một cách hợp lý, tiết giảm chi phí, ưu tiên sử dụng nguyên liệu trong nước đã sản xuất được nhằm duy trì sản xuất ổn định để bảo đảm lượng cung ứng hàng hóa cho thị trường với giá hợp lý, chất lượng tốt, mẫu mã đẹp, có thể cạnh tranh với hàng nhập khẩu.

Hơn nữa, thực hiện nghiêm túc quy định về dự trữ lưu thông, dự trữ quốc gia để cung ứng đủ, kịp thời nguồn hàng cho thị trường khi cần thiết.

Bộ Công Thương cũng yêu cầu các đơn vị sản xuất hàng phục vụ tiêu dùng Tết có kế hoạch phù hợp để hạn chế tối đa việc dừng sản xuất trong dịp gần Tết gây tâm lý bất ổn cho thị trường.

Không những thế, phải giám sát chặt chẽ việc bán hàng trong hệ thống phân phối nhằm ngăn chặn tình trạng thiếu hàng, sốt giá giả tạo do các nhà phân phối, đại lý đầu cơ hàng, nâng giá.

Riêng Tập đoàn Điện lực Việt Nam cần thực hiện nghiêm túc kế hoạch cung ứng điện cho sản xuất, tiêu dùng; trong đó có kế hoạch cụ thể nhằm đảm bảo cung ứng đủ điện trong dịp Tết.

Bên cạnh đó, các đơn vị có hoạt động kinh doanh thương mại (Tổng công ty Thương mại Sài Gòn, Tổng công ty Thương mại Hà Nội, Liên hiệp hợp tác xã thương mại Thành phố Hồ Chí Minh…) cần chủ động tham gia triển khai các chương trình bình ổn thị trường, các chương trình xúc tiến thương mại thị trường trong nước, hưởng ứng cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” tại các địa phương, chương trình kết nối cung cầu, hỗ trợ tiêu thụ các mặt hàng nông sản thực phẩm an toàn.

Đặc biệt, các đơn vị nên mở rộng mạng lưới phân phối hàng hóa nhất là các khu vực nông thôn, hải đảo nhằm cung ứng tốt hàng hóa bình ổn nói chung và hàng Việt nói riêng cho người dân; tích cực tham gia các Chương trình hỗ trợ cho người dân diện chính sách.

Cùng đó, phối hợp với các đơn vị cung cấp hàng thực phẩm chăn nuôi, chủ động nguồn hàng dự trữ với giá hợp lý, thực hiện việc giảm giá bán theo mức giảm của các nhà cung cấp, triển khai các điểm bán hàng bình ổn nhằm dẫn dắt thị trường, tạo tâm lý ổn định cho thị trường các mặt hàng thực phẩm.

Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam và các doanh nghiệp xăng dầu đầu mối có nhiệm vụ thực hiện dự trữ lưu thông theo quy định, sớm có kế hoạch đảm bảo nguồn cung xăng dầu (đặc biệt trong giai đoạn từ nay đến cuối năm 2019 nguồn cung xăng dầu sản xuất trong nước giảm do Nhà máy lọc dầu Nghi Sơn nghỉ bảo dưỡng) phục vụ sản xuất, sinh hoạt dịp cuối năm và trước, trong, sau Tết Nguyên đán.

Đáng lưu ý, các doanh nghiệp xăng dầu cần tăng cường kiểm soát chất lượng, đo lường trong hệ thống, tránh gian lận trong kinh doanh xăng dầu và thực hiện nghiêm túc các quy định về an toàn phòng chống cháy nổ.

Các đơn vị sản xuất, kinh doanh các mặt hàng chính sách theo nhiệm vụ được giao, triển khai nghiêm túc việc cung ứng các mặt hàng chính sách cho các vùng miền núi, vùng sâu, vùng xa, hải đảo một cách đầy đủ trước Tết Nguyên đán Canh Tý 2020 nhằm đảm bảo nhu cầu thiết yếu của nhân dân vùng khó khăn….

Thống kê cho thấy, tính đến hết tháng Chín tổng sản phẩm quốc nội (GDP) đạt mức tăng trưởng 6,98% (mức tăng cao nhất trong chín năm trở lại đây); tổng mức bán lẻ hàng hóa dịch vụ tăng 11,6% (cao hơn mức tăng 11,3% của chín tháng năm 2018); chỉ số giá tiêu dùng bình quân chín tháng so với cùng kỳ năm 2018 chỉ tăng 2,5%.