Cần công nhận vai trò của người bản địa và cộng đồng địa phương trong bảo tồn đa dạng sinh học toàn cầu

BVR&MT – Trong bối cảnh các cuộc đàm phán đang được thúc đẩy trước thềm hai hội nghị thượng định về đa dạng sinh học và biến đổi khí hậu dự kiến diễn ra vào cuối năm nay, Hiệp hội các khu bảo tồn do cộng đồng và người bản địa quản lý (ICCA) đã cho ra mắt báo cáo mang tên “Lãnh thổ của sự sống: Báo cáo năm 2021”. Đây là tài liệu đặc biệt, tập trung nhấn mạnh tầm quan trọng của việc thừa nhận các quyền và hệ thống quản trị của người dân bản địa và cộng đồng địa phương trong bảo tồn hiệu quả, công bằng các giá trị đa dạng sinh học trên phạm vi toàn cầu.

Báo cáo được lên ý tưởng từ năm 2019 và trải qua nhiều bản thảo trước khi được hoàn thiện bởi 72 tác giả là các chuyên gia và các nhà lãnh đạo cộng đồng cùng người bản địa. Nội dung báo cáo nêu các phân tích bằng chứng ở ba cấp độ (vùng lãnh thổ, quốc gia và khu vực, toàn cầu), trong đó ở cấp độ đầu tiên, báo cáo giới thiệu 17 lãnh thổ từ 5 châu lục, tập trung vào cách người bản địa và cộng đồng địa phương đóng góp vào sự đa dạng của sự sống trên trái đất thông qua hệ thống quản trị và thực hành văn hóa độc đáo của họ. Tiếp theo, báo cáo mở rộng ra 5 phân tích cấp quốc gia và 01 phân tích tiểu vùng về các sáng kiến ​​ở cấp cơ sở và chính sách quốc gia cũng như sự thừa nhận hợp pháp về quyền của người dân bản địa và cộng đồng địa phương. Cuối cùng, báo cáo tiến hành phân tích không gian toàn cầu, cập nhật mức độ bảo tồn bởi người bản địa và cộng đồng địa phương với sự hỗ trợ kỹ thuật từ Trung tâm Giám sát Bảo tồn Thế giới thuộc Chương trình Môi trường Liên hợp quốc (UNEP-WCMC).

Rừng Mendha-Lekha tại bang Maharashtra, Ấn Độ được quản lý bởi bộ tộc Gond (Ảnh: .iccaconsortium.org)

Dựa trên những phân tích bằng chứng nêu trên, báo cáo khẳng định vai trò không thể đảo ngược của người bản địa và cộng đồng địa phương trong việc đảm bảo một hành tinh khỏe mạnh và thế giới cần hành động cấp bách để hỗ trợ họ. Người bản địa và cộng đồng địa phương hiện nắm giữ ít nhất 50% đất đai trên thế giới theo hệ thống tập quán nhưng quyền của họ chỉ được công nhận trong một phần nhỏ các vùng đất được tuyên bố chủ quyền.

Ở Mỹ Latinh và Caribe, các dân tộc bản địa và bộ lạc quản lý từ 330 đến 380 triệu ha rừng – nơi có thể lưu trữ hơn 1/8 tổng lượng carbon trong các khu rừng nhiệt đới trên thế giới và là nơi chứa một phần lớn các loài động thực vật có nguy cơ tuyệt chủng trên toàn cầu. Một số nghiên cứu cũng chỉ ra rằng các vùng lãnh thổ của người bản địa có tỷ lệ mất rừng và nguy cơ cháy rừng thấp hơn so với các khu bảo tồn của nhà nước. Tuy nhiên, người dân bản địa và cộng đồng địa phương thường phải đối mặt với các lợi ích kinh tế và chính trị chồng chéo khi tìm cách bảo vệ thiên nhiên hoặc khai thác thiên nhiên trong chính vùng đất và lãnh thổ của mình. Các tổ chức bảo tồn nhà nước và tư nhân chưa thực hiện đầy đủ các cam kết dựa trên quyền hiện có, và sự công nhận hay hỗ trợ hữu hình đối với quyền và vai trò của người bản địa và cộng đồng địa phương trong công tác bảo tồn vẫn còn rất khiêm tốn. Người dân bản địa và cộng đồng địa phương không chỉ đối mặt với các mối đe dọa ngày càng tăng từ các ngành công nghiệp có hại trong lãnh thổ của mình mà còn gặp nhiều khó khăn trong việc tự vệ trước các ngành công nghiệp đó. Họ không hoặc chưa được được công nhận đầy đủ về các quyền và hệ thống quản trị cũng như thiếu sự hỗ trợ về chính trị và pháp lý.

Một trong những cơ hội lớn nhất để thúc đẩy những thay đổi mang tính chuyển đổi từ cấp độ địa phương đến toàn cầu là hỗ trợ người bản địa và cộng đồng địa phương bảo đảm quyền con người nói chung, đặc biệt là quyền đối với các hệ thống quản trị tự quyết định, nền văn hóa và vùng lãnh thổ. Đây được coi là “mắt xích còn thiếu” quan trọng trong nỗ lực giải quyết các cuộc khủng hoảng khí hậu và đa dạng sinh học cần được đề cập trong khuôn khổ hội nghị thượng đỉnh về đa dạng sinh học chuẩn bị diễn ra. Trong 10 năm qua, chưa đến 1% hỗ trợ tài chính cho các vấn đề biến đổi khí hậu hỗ trợ quyền sở hữu và quản lý rừng của người bản địa và cộng đồng địa phương và chỉ một phần nhỏ trong số này có khả năng đến được người dân bởi phần lớn số tiền được chuyển qua các ngân hàng phát triển đa phương và là một phần của các dự án lớn.

Một số phát hiện chính

  • Người dân bản địa và cộng đồng địa phương đóng vai trò quan trọng trong việc quản lý, bảo tồn và sử dụng bền vững đa dạng sinh học, thiên nhiên của thế giới;
  • Những đóng góp sâu rộng của người bản địa và cộng đồng địa phương cho một hành tinh khỏe mạnh bắt nguồn từ nền văn hóa và các vùng đất và lãnh thổ của họ – điều này cũng có nghĩa là họ đang đóng góp đáng kể vào nền văn hóa, ngôn ngữ, di sản vật thể và phi vật thể của thế giới;
  • Phân tích không gian toàn cầu cho thấy người dân bản địa và cộng đồng địa phương là những người giữ gìn trên thực tế nhiều khu vực được bảo vệ và bảo tồn do nhà nước và tư nhân quản lý, đồng thời họ cũng đang bảo tồn một phần đáng kể đất đai và thiên nhiên bên ngoài các khu vực này. Tuy nhiên, lĩnh vực bảo tồn tiếp tục đối mặt với nhiều xung đột, tùy thuộc vào mức độ mà các quyền, hệ thống quản trị và cách sống của người bản địa và cộng đồng địa phương được công nhận và tôn trọng. Điều này vừa đặt ra thách thức vừa là cơ hội cho các định hướng trong tương lai đối với các nỗ lực bảo tồn từ cấp địa phương đến phạm vi toàn cầu;
  • Người dân bản địa và cộng đồng địa phương đang ở tuyến đầu chống lại các động lực công nghiệp chính gây mất đa dạng sinh học toàn cầu và biến đổi khí hậu, đây cũng là yếu tố chính ảnh hưởng tới cuộc sống, nền văn hóa và khả năng phục hồi của họ;
  • Ngay cả khi đối mặt với những mối đe dọa lớn, người dân bản địa và cộng đồng địa phương vẫn có khả năng phục hồi và quyết tâm duy trì sự toàn vẹn lãnh thổ. Dù phải đối mặt với không ít khó khăn, song họ đã đạt được những bước tiến quan trọng và tiếp tục kiên trì theo đuổi quyền tự quyết, tự quản trị, hòa bình và bền vững.

Kết luận và khuyến nghị

Trong bối cảnh các cuộc đàm phán trước thềm hội nghị thượng đỉnh về đa dạng sinh học và khí hậu của Liên hợp quốc đang được thúc đẩy, đã đến lúc cần công nhận người bản địa và cộng đồng địa phương là yếu tố quan trọng nhất để duy trì sự đa dạng của sự sống trên trái đất. Việc hỗ trợ người dân bản địa và cộng đồng địa phương bảo đảm các vùng đất và lãnh thổ của họ được cho là “mắt xích còn thiếu” quan trọng trong các cam kết toàn cầu và hiện thực hóa ở cấp quốc gia. Về mặt thực tiễn, theo đuổi chương trình nghị sự này đòi hỏi sự gia tăng mạnh mẽ về hỗ trợ xã hội, chính trị, luật pháp, thể chế và tài chính cho người bản địa và cộng đồng địa phương, không chỉ đến từ các chính phủ mà còn từ các tổ chức tài chính công và tư nhân cùng giới luật sư, nhà nghiên cứu, nhà báo, nhà truyền thông cùng nhiều nhóm đối tượng khác. Để mong muốn này trở thành hiện thực, báo cáo nêu một số khuyến nghị:

  • Cần công nhận và tôn trọng vai trò trung tâm của người dân bản địa và cộng đồng địa phương trong việc duy trì một hành tinh khỏe mạnh cũng như các mối quan hệ văn hóa, tinh thần và hệ thống quản trị mà họ lưu giữ;
  • Hỗ trợ người dân bản địa và cộng đồng địa phương bảo đảm các vùng đất và lãnh thổ của họ, củng cố hệ thống quản trị do họ tự quyết định và duy trì nền văn hóa, cách sống của họ. Điều này đòi hỏi những cải cách đáng kể trong hệ thống chính trị và luật pháp quốc gia cũng như hệ thống kinh tế và tài chính quốc tế;
  • Đưa ra và đề cao quyền con người (bao gồm quyền của người bản địa và các quyền khác của nhóm cụ thể, nếu có liên quan) trong tất cả các chính sách, luật, thể chế, chương trình và quá trình ra quyết định có ảnh hưởng đến người bản địa và cộng đồng địa phương ở cả phạm vi quốc tế và trong nước;
  • Ngăn chặn các tác nhân gây mất đa dạng sinh học và biến đổi khí hậu cũng như các mối đe dọa và bạo lực đối với các dân tộc và cộng đồng đang bảo vệ hành tinh của chúng ta;
  • Phát triển nguồn tài chính dựa trên quyền con người như một đòn bẩy chính để thực hiện công bằng và hiệu quả các cam kết toàn cầu bao gồm đa dạng sinh học, khí hậu và phát triển bền vững.

Trong quá trình đàm phán và thực hiện giai đoạn đầu của khuôn khổ đa dạng sinh học toàn cầu sau năm 2020, báo cáo khuyến nghị 4 vấn đề cần lưu ý:

  • Công nhận vai trò của người dân bản địa và cộng đồng địa phương trong việc bảo vệ và bảo tồn thiên nhiên. Hiện vẫn chưa có sự thống nhất về việc liệu đây có nên là trọng tâm của một mục tiêu hoàn toàn mới hay được kết hợp vào một mục tiêu hiện có trong khuôn khổ;
  • Đặt quyền con người vào trọng tâm của khuôn khổ sau năm 2020 (bao gồm việc thừa nhận và bảo vệ quyền con người nói chung; công nhận và bảo vệ các quyền cụ thể của các nhóm cụ thể như người bản địa, nông dân, phụ nữ, thanh niên và những người đang bảo vệ nhân quyền và môi trường; tích hợp các biện pháp bảo vệ tối thiểu để ngăn ngừa vi phạm nhân quyền và đảm bảo trách nhiệm giải trình trong một số mục tiêu mà người dân bản địa và cộng đồng địa phương đặc biệt quan tâm; xây dựng các chỉ số liên quan đến quyền con người trong khuôn khổ giám sát với dữ liệu phân tách cho người bản địa, cộng đồng địa phương và phụ nữ; sử dụng cách tiếp cận dựa trên quyền con người để xây dựng và thực hiện các chiến lược và kế hoạch hành động quốc gia về đa dạng sinh học cũng như các luật, chính sách và chương trình liên quan ở cấp quốc gia và cấp địa phương);
  • Đặt ra các mục tiêu tham vọng hơn nhằm ngăn chặn các nguyên nhân gây mất đa dạng sinh học, chẳng hạn xác định rõ các ngành có hại nhất đối với đa dạng sinh học và cam kết thoái vốn khỏi các ngành này càng sớm càng tốt. Những vấn đề này là cơ hội để huy động một số phong trào liên kết hướng tới mục tiêu vì người dân bản địa, nhân quyền, hành tinh khỏe mạnh, công bằng khí hậu và các nền kinh tế thay thế;
  • Tăng cường hỗ trợ chính trị và tài chính cho hoạt động từ thiện do người bản địa lãnh đạo và các cơ chế tài trợ thích hợp trực tiếp đến người bản địa và cộng đồng địa phương. Yêu cầu các biện pháp bảo vệ nhân quyền và cơ chế trách nhiệm giải trình trong việc tài trợ cho các sáng kiến ​​bảo tồn do các tổ chức chính phủ và phi chính phủ thực hiện.

 Lan Nhi