Cần có giải pháp hiệu quả để phát huy nguồn lực tri thức Việt ở nước ngoài

BVR&MT Ngày 23/3, Hội nghị “Trí thức người Việt Nam ở nước ngoài tham gia xây dựng và phát triển đất nước” được tổ chức với chủ đề: “Thực tiễn triển khai và những vấn đề đặt ra đối với cơ chế, chính sách thu hút, trọng dụng trí thức người Việt Nam ở nước ngoài đóng góp cho sự phát triển của địa phương”.

Phát biểu khai mạc hội nghị, ông Phan Xuân Dũng – Bí thư Đảng đoàn, Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam (Vusta) tại Hội thảo Trí thức người Việt Nam ở nước ngoài tham gia xây dựng và phát triển đất nước khẳng định: “Trí thức Việt Nam là lực lượng lao động sáng tạo đặc biệt quan trọng trong tiến trình đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế, xây dựng kinh tế tri thức, phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc. Xây dựng đội ngũ trí thức vững mạnh là trực tiếp nâng tầm trí tuệ của dân tộc, sức mạnh của đất nước, nâng cao năng lực lãnh đạo của Ðảng và chất lượng hoạt động của hệ thống chính trị”.

Hội thảo có sự phối hợp chặt chẽ của Ủy ban TWMTTQ Việt Nam, Bộ Ngoại giao và Vusta nhằm tiếp tục quán triệt và thực hiện có hiệu quả Nghị quyết số 36-NQ/TW, Chỉ thị số 45-CT/TW và Kết luận số 12-KL/TW của Bộ Chính trị về công tác NVNONN. Theo ông Dũng hội thảo là dịp để ôn lại, đánh giá công tác tập hợp, đoàn kết và phát huy đội ngũ trí thức KH&CN trong và ngoài nước xây dựng và phát triển đất nước nói chung và Liên hiệp Hội Việt Nam nói riêng; góp phần xây xựng Liên hiệp Hội Việt Nam 2 trở thành tổ chức chính trị – xã hội vững mạnh, giữ vai trò nòng cốt trong tập hợp đoàn kết và phát huy sức sáng tạo của đội ngũ trí thức khoa học và công nghệ, góp phần xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.

Theo báo cáo tại hội nghị, hiện lực lượng trí thức người Việt Nam ở nước ngoài ước khoảng hơn 600.000 người trong số khoảng 5,3 triệu người Việt Nam ở nước ngoài (NVNONN) đang sinh sống, làm việc trên 130 quốc gia và vùng lãnh thổ. Đây là những trí thức được đào tạo bài bản, có chuyên môn sâu, đã và đang giữ những vị trí quan trọng trong các tổ chức khoa học, trường đại học, viện nghiên cứu uy tín.

Trong nhiều năm qua đội ngũ trí thức người Việt Nam ở nước ngoài đã có nhiều đóng góp quan trọng vào sự nghiệp giải phóng dân tộc và xây dựng đất nước. Tùy theo khả năng và điều kiện cụ thể, lực lượng trí thức người Việt Nam ở nước ngoài đã có nhiều phương thức đóng góp, cách làm sáng tạo, đa dạng đem lại những hiệu quả to lớn thiết thực. Từ những trí thức tham gia trực tiếp vào công cuộc kháng chiến chống Pháp như các GSVS Trần Đại Nghĩa, BS Trần Hữu Tước…, hình thành các quỹ học bổng cho sinh viên như Giáo sư Trần Thanh Vân (kiều bào Pháp), Giáo sư Đặng Lương Mô (kiều bào Nhật Bản) đã đề xuất thiết lập và làm cố vấn cho Trung tâm nghiên cứu và đào tạo thiết kế vi mạch (ICDREC)… Và gần đây hình thành các nhóm trí thức người Việt Nam đa quốc gia, xuyên biên giới. Sự kết nối người Việt trên toàn cầu đang tạo ra các cơ chế làm việc, hợp tác ngày càng linh hoạt cho các chuyên gia trong và ngoài nước khi tham gia vào các dự án, chương trình nằm trong chiến lược phát triển quốc gia của Việt Nam.

Tuy nhiên, kết quả thu hút sự tham gia và đóng góp của đội ngũ trí thức Việt Nam ở nước ngoài còn chưa đạt được như mong muốn và chưa tương xứng với tiềm năng to lớn của kiều bào.

Thông qua hội thảo phát hiện những giải pháp hay, khả thi, hiệu quả để kiến nghị với Đảng và Nhà nước nhằm phát huy hơn nữa tiềm lực của trí thức NVNONN đối với công cuộc xây dựng và phát triển đất nước hiện nay, đặc biệt là trong lĩnh vực phát triển tiềm lực KH&CN, xây dựng hệ sinh thái đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp và chuyển đổi số quốc gia. Sau Hội thảo Vusta sẽ tổng hợp các ý kiến góp ý của các đại biểu cụ thể hóa thành các nội dung, hình thức nhằm phối hợp với Ủy ban TW MTTQ Việt Nam và Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài nâng cao hơn nữa công tác vận động trí thức người Việt Nam ở nước ngoài tham gia xây dựng và phát triển đất nước.

Thực hiện:  Thạch Lam – Đình Trà

Tags:
CHIA SẺ