BVR&MT – Ngày 3-8, tại TP Đà Lạt, Tạp chí Cộng sản và Tỉnh ủy Lâm Đồng tổ chức hội thảo khoa học “Phát triển du lịch gắn với nông nghiệp bền vững: thực trạng và giải pháp”. Hơn 200 nhà quản lý, nhà khoa học, chuyên gia, doanh nghiệp du lịch và nông nghiệp trong nước tham dự.
Hội thảo thu hút hơn 65 tham luận và nhiều ý kiến của các chuyên gia, doanh nghiệp du lịch, chủ các điểm du lịch canh nông, nêu rõ thực trạng, tiềm năng phát triển du lịch nông nghiệp tại Việt Nam; khẳng định phát triển du lịch gắn với nông nghiệp bền vững là hướng đi đúng đắn. Nhiều chuyên gia, nhà khoa học đã phân tích, đưa ra một số kinh nghiệm, giải pháp phát triển du lịch nông nghiệp của các nước phát triển và chiến lược phát triển du lịch nông nghiệp tại Việt Nam.
Phát biểu tại hội thảo, PGS, TS Đoàn Minh Huấn, Tổng Biên tập Tạp chí Cộng sản, cho biết, Đảng và Nhà nước luôn quan tâm phát triển du lịch, điều này được thể hiện qua việc ban hành Nghị quyết số 08-NQ-TW, ngày 16-1-2017 của Bộ Chính trị (khóa XII), về “Phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn”. Trên cơ sở đó, các địa phương có lợi thế về phát triển du lịch gắn với nông nghiệp đã có kế hoạch triển khai cụ thể và đạt kết quả khả quan.
Ở Việt Nam, du lịch nông nghiệp phát triển trên mọi miền đất nước, từ Tây Bắc, đồng bằng sông Hồng, duyên hải miền Trung, Tây Nguyên, Đông Nam bộ, đồng bằng sông Cửu Long. Loại hình du lịch nông nghiệp ở Việt Nam phát triển song song với loại hình du lịch cộng đồng, du lịch sinh thái và đều tuân thủ nguyên tắc du lịch trải nghiệm, khai thác các giá trị tổng hợp dựa trên thành quả của ngành nông nghiệp.
“Du lịch nông nghiệp là lĩnh vực khá mới ở nước ta, do đó, chúng ta phải xây dựng tầm nhìn, chiến lược để có lộ trình thực hiện; trên cơ sở biến động các mặt của thế giới, của Việt Nam để có điều chỉnh phù hợp. Vì nhu cầu của người dân tham gia du lịch cũng thay đổi nhanh. Từ đó, xây dựng những chính sách, động lực để tạo ra sự năng động của các mô hình du lịch. Với xu thế ngày nay, dứt khoát phải là du lịch xanh, du lịch sạch”, Tiến sĩ Hồ Bá Thâm, Phó Chủ tịch Hội đồng khoa học và đào tạo, Trường Đại học công nghệ miền Đông, cho biết.
Hiện cả nước có khá nhiều mô hình du lịch nông nghiệp, như trải nghiệm vườn rau thủy canh, đồi chè, hoa công nghệ cao ở Lâm Đồng; du lịch sinh thái dọc sông Sài Gòn; trải nghiệm vườn điều ở Bình Phước, Đồng Nai; trái cây nhà vườn tại Bình Dương, trải nghiệm trang trại nho Ninh Thuận, du lịch làng nghề ở An Giang… Tuy nhiên, du lịch nông nghiệp vẫn còn một số hạn chế, bất cập, như chưa có tầm nhìn dài hạn, hạ tầng chưa đáp ứng yêu cầu, nhiều nơi phát triển mang tính tự phát, nhỏ lẻ, manh mún; sản phẩm trùng lắp, phần lớn sản phẩm nông nghiệp mới chỉ đáp ứng nhu cầu tham quan, ăn uống, trải nghiệm của du khách ở mức đơn giản, chưa tận dụng được hết lợi thế để thu hút khách, cũng như tăng khả năng chi tiêu từ khách qua khai thác các dịch vụ bổ trợ; vấn đề tiếp thị, quảng cáo sản phẩm nông nghiệp chưa được chú trọng; nhiều nông hộ chủ yếu chú ý việc tạo ra sản phẩm, ít quan tâm đến vấn đề tiếp cận thị trường, cũng như kỹ năng phục vụ du lịch nông nghiệp; nguồn nhân lực còn thiếu và yếu… Đặc biệt, việc liên kết phát triển du lịch nông nghiệp giữa các địa phương trong tỉnh và giữa các tỉnh trong vùng còn hạn chế.
“Trước hết, chúng ta phải thực hiện bài bản. Phải trả lời câu hỏi, du khách cần gì? Và cơ sở kinh doanh du lịch nông nghiệp được gì? Như thế mới bắt tay vào làm thành công được. Sau đó, Nhà nước phải vào cuộc, có cơ chế, chính sách và hướng dẫn thực hiện. Hiện có vài nơi đã xây dựng xong mô hình, sở này thì khen, sở khác, cơ quan khác thì nói vi phạm. Rõ ràng là vậy, khi du lịch canh nông thì làm trên đất nông nghiệp, mà đất nông nghiệp thì không được xây dựng, đó là vướng mắc trước mắt cần được tháo gỡ”, ông Trần Huy Đường, Giám đốc Công ty TNHH Langbiang Farm, chủ cơ sở du lịch nông nghiệp Green Box (đường Xô Viết Nghệ Tĩnh, TP Đà Lạt), bộc bạch.
Từ những kết quả bước đầu và những khó khăn, bất cập, nhiều chuyên gia, nhà quản lý cho rằng, để du lịch nông nghiệp phát triển, các cấp ủy đảng, chính quyền phải đánh giá đúng tầm quan trọng của việc phát triển du lịch nông nghiệp, từ đó có các chính sách phát triển hợp lý, dài hạn đối với loại hình du lịch này. Có quy hoạch để phát triển các cơ sở du lịch nông nghiệp bảo đảm sự đa dạng về loại hình, đồng thời cũng sẽ giúp cho công tác quản lý tốt hơn. Cùng với đó, xây dựng được mô hình và sản phẩm du lịch đặc thù, gắn với những tiềm năng, lợi thế tự nhiên, cũng như nét đặc sắc, riêng có về văn hóa, con người của từng địa phương, từng vùng miền, không để trùng lắp gây nhàm chán; phát huy vai trò chủ thể của các chủ trang trại, doanh nghiệp, hộ nông dân trong tổ chức thực hiện mô hình du lịch nông nghiệp; có chính sách xúc tiến, quảng bá du lịch nông nghiệp hiệu quả; chú trọng công tác đào tạo, bồi dưỡng kỹ năng nghiệp vụ phục vụ du lịch…
Đồng chí Nguyễn Xuân Tiến, Ủy viên T.Ư Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Lâm Đồng cho rằng, có thể khẳng định, du lịch nông nghiệp là lĩnh vực có tiềm năng và dư địa phát triển rất lớn, phù hợp với điều kiện, định hướng phát triển kinh tế của nhiều địa phương, vùng miền và định hướng phát triển kinh tế của đất nước. Để tiếp tục thực hiện có hiệu quả du lịch gắn với nông nghiệp bền vững, Chính phủ, các bộ, ngành T.Ư và địa phương cần sớm xây dựng chiến lược phát triển du lịch nông nghiệp phù hợp với xu thế hội nhập quốc tế, với đặc thù, khả năng của từng địa phương. Trên cở sở đó, các cấp ủy đảng, chính quyền nghiên cứu, đề ra những chính sách, nhằm khuyến khích các thành phần kinh tế cùng tham gia đầu tư phát triển du lịch nông nghiệp; sớm hình thành các chuỗi liên kết hợp tác giữa các địa phương, tránh tình trạng “giẫm chân nhau” về sản phẩm du lịch.
Đồng thời, xây dựng và triển khai chương trình về phát triển du lịch nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới; quy hoạch, định hướng và đầu tư phát triển sản phẩm du lịch nông nghiệp; khai thác tối đa những đặc trưng của nền nông nghiệp kết hợp với giá trị văn hóa, góp phần đưa du lịch nông nghiệp phát triển đột phá, hiệu quả, bền vững.