COP26 sẽ chính thức khép lại sau hôm nay với không ít cam kết, tuyên bố, kế hoạch hướng tới mục tiêu bảo tồn ở cấp toàn cầu và khu vực, trong đó tuyên bố Glasgow về rừng và sử dụng đất thu hút đông đảo các nhà lãnh đạo thế giới tham gia với con số ký kết lên tới gần 130 quốc gia. Tuy nhiên, nhiều nhóm xã hội dân sự và nhà hoạt động môi trường ngờ rằng cam kết chỉ là tuyên bố chính trị trên giấy.
Cam kết xóa bỏ tình trạng mất rừng vào năm 2030 là một phần trong tuyên bố Glasgow về vấn đề rừng và sử dụng đất, do Anh, Indonesia và Colombia khởi xướng, thu hút 127 quốc gia sở hữu hơn 86% diện tích rừng trên thế giới tham gia. Cam kết được củng cố bằng khoản đóng góp hơn 19 tỷ USD, trong đó 12 tỷ do 12 quốc gia tài trợ và phần còn lại đến từ các sáng kiến tư nhân cùng các tổ chức từ thiện.
Dù nhiều bên hân hoan ra về với thành quả đạt được, song một số chuyên gia và nhà hoạt động môi trường đặc biệt nghi ngại bởi không quốc gia nào đưa ra biện pháp cụ thể để đạt được mục tiêu và rằng Glasgow cũng sẽ thất bại như thỏa thuận tương tự trong quá khứ – tuyên bố New York năm 2014 với sự tham gia ký kết của 39 quốc gia và các đơn vị hành chính cấp địa phương. Nội dung cam kết đơn giản chỉ là những mục tiêu xa xôi mà không phải là phương thức để đạt được mục tiêu đó, chưa kể có rất ít thông tin về biện pháp giám sát tiến độ thực hiện tại các quốc gia hoặc hình thức cảnh báo nếu cam kết không được tuân thủ – đại diện Liên minh Đa dạng sinh học quốc tế nhấn mạnh.
Tổ chức Hòa bình xanh, Anh cũng cho rằng nạn phá rừng sẽ không thể được giải quyết nếu thế giới không cắt giảm một trong những nguyên nhân chính gây ra nạn phá rừng: tiêu thụ thịt và sữa.
Tín hiệu đáng mừng duy nhất từ Glasgow là cam kết đóng góp 1,7 tỷ USD cho việc thúc đẩy quyền sở hữu rừng của cộng đồng bản địa và địa phương – những người giữ rừng tốt nhất để bảo vệ hệ sinh thái trên trái đất.
Bích Ngọc lược dịch (nguồn: Scidev)