Cam kết về môi trường xã hội Hiệp định EVFTA: Những cơ hội và thách thức với ngành lâm nghiệp

BVR&MT – Sáng 30/3/2022, Trung tâm Phát triển Nông thôn Bền vững phối hợp với Tổng cục Lâm nghiệp và Trường Đại học Lâm nghiệp tổ chức Hội thảo về “Cam kết về môi trường xã hội tại Hiệp định EVFTA cơ hội và thách thức trong thực hiện tại ngành lâm nghiệp” nhằm nâng cao năng lực cho các tổ chức xã hội trong mạng lưới VNGO-EVFTA đơn vị có liên quan về các nội dung cam kết tại Hiệp định EVFTA, những cơ hội thức trong thực thi tại ngành lâm nghiệp Việt Nam.

Hội thảo được tổ chức tại Trường Đại học Lâm nghiệp bằng hình thức trực tiếp và trực tuyến.

Hội thảo có sự hiện diện của: GS.TS. Phạm Văn Điển – Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Lâm nghiệp; Bà Vũ Thị Bích Hợp – Giám đốc và TS. Nguyễn Phú Hùng – Phó Giám đốc Trung tâm Phát triển Nông thôn Bền vững SRD; Các đại biểu đến từ Trung ương Hội Khoa học Kỹ thuật Lâm nghiệp Việt Nam, Hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam, Hội chủ rừng Việt Nam, Viện Quản lý rừng bền vững và Chứng chỉ rừng, Trung tâm nghiên cứu và Phát triển vùng cao, Trung ương Hội Nông dân Việt Nam, Trung tâm Hỗ trợ Phát triển Bền vững cộng đồng các dân tộc miền núi. Về phía Trường Đại học Lâm nghiệp tham dự có: PGS.TS. Phùng Văn Khoa – Phó Hiệu trưởng; GS.TS. Hoàng Văn Sâm – Trưởng phòng HTQT; Lãnh đạo khoa Quản lý Tài nguyên rừng và Môi trường, Khoa Lâm học cùng đông đảo các chuyên gia, nhà khoa học quan tâm.

Phát biểu tại Hội thảo bà Vũ Thị Bích Hợp – Giám đốc Trung tâm Phát triển Nông thôn bền vững hoan nghênh các tổ chức, cá nhân, các nhà nghiên cứu đã đến tham dự và mong muốn thông qua hội thảo, các nhà khoa học sẽ trao đổi và chia sẻ các thành quả nghiên cứu với hai mục tiêu chính. Một là tăng cường hiểu biết của các tổ chức xã hội về Chương Thương mại và Phát triển bền vững, bao gồm các cam kết về môi trường, xã hội và quản trị rừng hiệu quả, những cơ hội và thách thức đối với ngành lâm nghiệp. Hai là tăng cường thông tin và thảo luận về việc áp dụng các Nguyên tắc thực hiện các cam kết mà hai bên đã ký, nhằm thực thi đầy đủ có trách nhiệm nội dung môi trường và xã hội trong Hiệp định.

TS. Nguyễn Phú Hùng – Phó Giám đốc Trung tâm Phát triển Nông thôn bền vững SRD và PGS.TS. Phùng Văn Khoa – Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Lâm nghiệp đồng chủ trì Hội thảo.

Cam kết về môi trường xã hội Hiệp định EVFTA với ngành Lâm nghiệp

Tại Hội thảo nhiều tham luận được đưa ra nhằm khảo sát ý kiến các chuyên gia, nhà khoa học để tập trung phân tích, đánh giá Cam kết về môi trường xã hội của Hiệp định EVFTA với ngành Lâm nghiệp gồm: “Các cam kết về môi trường xã hội trong Thương mại và Phát triển bền vững trong Hiệp định EVFTA” của TS. Hoàng Liên Sơn, Giám đốc FEREC; “Vấn đề người lao động trong doanh nghiệp lâm nghiệp” của TS. Ngô Minh Hương, chuyên gia tư vấn lao động; “Phát triển bền vững và vai trò của các tổ chức xã hội trong thực thi Hiệp định EVFTA” của PGS.TS. Lê Xuân Phương; “Đánh giá thực trạng môi trường, xã hội tại các doanh nghiệp Lâm nghiệp Việt Nam” của TS. Đoàn Diễm, chuyên gia LN; “Vấn đề bình đẳng giới trong ngành Lâm nghiệp” của TS. Đào Minh Châu, chuyên gia CEBR; “Các cơ chế thực thi, bao gồm Nhóm tư vấn trong nước DAG – DAG Việt Nam và cập nhật tiến trình hiện tại” của TS. Nguyễn Phú Hùng, Phó Giám đốc SRD. Thông qua những tham luận có chiều sâu cùng quá trình đóng góp ý kiến, phân tích, đánh giá và phản biện sôi nổi, Hội thảo đã chỉ ra được tầm quan trọng trong Cam kết về môi trường xã hội của Hiệp định EVFTA với ngành Lâm nghiệp đặc biệt là với doanh nghiệp.

Hiệp định EVFTA vừa là cơ hội song cũng là thách thức với kinh tế Việt Nam nói chung và ngành Lâm nghiệp nói riêng.

Về tổng quan, Hiệp định Thương mại Tự do giữa Việt Nam và Liên minh Châu Âu (EVFTA) có hiệu lực từ ngày 01/08/2020 là một trong những Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới có các nội dung phi thương mại, đã góp phần thúc đẩy tăng trưởng các ngành kinh tế mũi nhọn của Việt Nam trên thị trường quốc tế, trong đó mở ra các cơ hội lớn về gia tăng giá trị xuất khẩu gỗ và các sản phẩm gỗ tại thị trường lớn Châu Âu, cũng như nhận được những ưu đãi về thuế, đặc biệt trong lĩnh vực nông, lâm nghiệp.

Hiệp định cũng có thể mang lại một số thách thức nhất định. Thứ nhất, Việt Nam cũng sẽ phải cam kết mở cửa thị trường với hàng hóa, dịch vụ cho EU, tạo ra sức ép cạnh tranh cho nền kinh tế, doanh nghiệp và hàng hóa, dịch vụ của ta. Tuy nhiên, đây là sức ép cạnh tranh lành mạnh, có chọn lọc và theo lộ trình phù hợp.

TS. Hoàng Liên Sơn, Giám đốc FEREC trình bày tham luận: “Các cam kết về môi trường xã hội trong Thương mại và Phát triển bền vững trong Hiệp định EVFTA”.

Quan trọng hơn, do cơ cấu kinh tế của EU và Việt Nam mang tính bổ sung rất cao, không đối đầu trực tiếp nên dự kiến sức ép cạnh tranh sẽ không lớn. Ngoài ra, cam kết mở cửa của Việt Nam là có lộ trình, đặc biệt đối với những nhóm sản phẩm nhạy cảm, do đó EVFTA cũng là cơ hội, sức ép hợp lý để các doanh nghiệp Việt Nam điều chỉnh, thay đổi phương thức kinh doanh và nâng cao năng lực cạnh tranh của mình.

Để hỗ trợ các doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp vừa và nhỏ, có thể tận dụng được tối đa những cơ hội cũng như giảm thiểu những thách thức gặp phải trong quá trình thực thi Hiệp định, Chính phủ đã và đang chỉ đạo các Bộ, ngành tiếp tục đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền, hướng dẫn nhằm nâng cao nhận thức và sự hiểu biết của doanh nghiệp về các quy định, cam kết của Hiệp định.

TS. Ngô Thị Minh Hương – Chuyên gia tư vấn về lao động trình bày tham luận.

Bên cạnh đó, Chính phủ cũng chỉ đạo các Bộ, ngành chủ động nghiên cứu, vận dụng các biện pháp được phép áp dụng theo các cam kết quốc tế của Việt Nam nói chung và Hiệp định EVFTA nói riêng để hỗ trợ cũng như bảo vệ lợi ích chính đáng của các ngành trong nước trước sự cạnh tranh của hàng nước ngoài.

Thứ hai, Hiệp định EVFTA cũng bao gồm những quy định, quy tắc chặt chẽ về thủ tục đầu tư, hải quan, thuận lợi hóa thương mại, tiêu chuẩn kỹ thuật, các biện pháp kiểm dịch động, thực vật, sở hữu trí tuệ, mua sắm của chính phủ, phát triển bền vững, v.v. Thực hiện đầy đủ các quy định này đòi hỏi cải cách hệ thống pháp lý của ta. Tuy nhiên, về cơ bản, việc này cũng phù hợp với chủ trương cải cách thủ tục hành chính, tăng cường hiệu quả của mua sắm công, đổi mới mô hình tăng trưởng của ta.

PGS.TS. Lê Xuân Phương trình bày tham luận tại Hội thảo.

Mặt khác, công việc này cũng đã và đang được Chính phủ triển khai hết sức chủ động và khẩn trương. Ngay từ trước khi ký Hiệp định EVFTA, Chính phủ đã chỉ đạo các Bộ, ngành phối hợp với Bộ Tư pháp khẩn trương rà soát các quy định hiện hành trong các văn bản quy phạm pháp luật thuộc phạm vi phụ trách để từ đó đề xuất hướng sửa đổi, bổ sung hoặc hình thức áp dụng phù hợp nhằm đảm bảo phù hợp với các yêu cầu của Hiệp định EVFTA.

Ngay sau khi Hiệp định đi vào thực hiện hơn 90% các loại nông sản Việt Nam có thuế xuất về 0% khi xuất khẩu sang châu Âu cụ thể như 99% các mặt hàng xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ của Việt Nam được hưởng thuế xuất 0%, chỉ còn 1% giá trị xuất khẩu ở mặt hàng ván sợi, ván dăm và gỗ dán về 0% sau 4-6 năm. Tuy nhiên, các mặt hàng xuất gỗ và sản phẩm gỗ được tiêu thụ tại thị trường Châu Âu thì các doanh nghiệp gỗ Việt Nam phải tuân thủ nghiêm ngặt và đáp ứng được các quy định của VPA/FLEGT.

TS. Đào Thị Minh Châu – chuyên gia của CEBR trình bày tham luận.

Cụ thể, chương 13 – Thương mại và Phát triển bền vững (TSDC) của Hiệp định bao gồm các cam kết của Việt Nam và Liên minh châu Âu (EU) trong việc thực thi các tiêu chuẩn về môi trường và xã hội, đồng thời đưa ra cơ chế Nhóm tư vấn trong nước (Domestic advisory group – DAG) để tập hợp, trình bày quan điểm, đưa ra khuyến nghị, tư vấn và góp ý đối với việc thực thi và giám sát các cam kết này.

Ngày 17/08/2021 nhóm Tư vấn trong nước của Việt Nam đã chính thức được thành lập theo quyết định số 1972/QĐ-BCT của Bộ Công Thương. Thành viên Nhóm D&G Việt Nam bao gồm: (1) Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI, đại diện giới sử dụng lao động); (2) Viện Công nhân và Công đoàn, trực thuộc Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam (IWTU, đại diện Người lao động; và (3) Trung tâm Phát triển Nông thôn Bền vững (SRD). 

Hậu Thạch