Cấm buôn bán chim ở Nam Mỹ chưa phải là giải pháp hay

BVR&MT – Sau nhiều thập kỷ xuất khẩu tràn lan, một số quốc gia Nam Mỹ đã cấm buôn bán chim hoang dã quốc tế. Điều này tuy giúp phục hồi phần nào các quần thể chim còn lại, song lại dẫn đến lượng giao dịch bất hợp pháp đáng kể trên lục địa cùng sự thay đổi lợi ích kinh tế từ buôn bán chim hoang dã trong phạm vi nội địa sang các quốc gia khác.

Việc buôn bán các loài chim ở Nam Mỹ đã giảm xuống mức thấp nhất trong nhiều năm, theo báo cáo do TRAFFIC và WWF công bố hồi giữa tháng 1 năm nay.

Tuy nhiên, theo nhà sinh vật học Bernardo Ortiz-von Halle, Đại học Colombia, nhiều quần thể chim ở lục địa đen vẫn đối mặt với nguy hiểm.

Ortiz-von Halle cho hay “việc mất môi trường sống vẫn là mối đe dọa lớn nhất đối với các loài chim hoang dã. Và lệnh cấm săn bắt và buôn bán các loài chim hoang dã mà nhiều quốc gia Nam Mỹ ban hành vào những năm 1980 đã khiến hoạt động thương mại chim dịch chuyển ra nước ngoài”.

Trong nghiên cứu của mình, Ortiz-von Halle phát hiện ra rằng Nam Phi đã xuất khẩu 64 loài vẹt sang các quốc gia Nam Mỹ từ năm 2000 đến 2013, nhiều hơn bất kỳ quốc gia nào khác.

Paraguay cấm xuất khẩu các loài được liệt kê trong Công ước CITES khiến các cộng đông bản địa không còn săn bắt chim Toco toucan  (Ramphastos toco) để bán, thay vào đó, họ phát quang rừng để sản xuất than (Ảnh: Staffan Widstrand/WWF).

Ortiz-von Halle đã phỏng vấn các nhà chức trách, nhà bảo tồn và thương nhân buôn bán chim ở Brazil, Colombia, Ecuador, Guyana, Peru và Suriname để hiểu về tình trạng buôn bán chim đang diễn ra ở Nam Mỹ cũng như sự biến chuyển của nó kể từ khi Brazil trở thành quốc gia đầu tiên đóng cửa quốc tế buôn bán động vật hoang dã vào năm 1967.

Sự phát triển nhanh chóng của các nền kinh tế ở Mỹ và châu Âu sau chiến tranh Thế giới thứ 2 đã thúc đẩy nhu cầu nuôi chim cảnh từ nước ngoài. Các thương nhân biết rằng ở Nam Mỹ, đặc biệt là Amazon có rất nhiều những loài chim độc đáo và sặc sỡ. Trong gần một thế kỷ trước chiến tranh, các thương nhân châu Âu đã nhập khẩu hàng trăm ngàn con chim từ Nam Mỹ cùng da và lông của chúng để sử dụng trong ngành công nghiệp thời trang.

Những túi thức ăn cho chim được bán tại một cửa hàng ở São Paulo (Ảnh: TRAFFIC).

Số lượng các loài ở khu vực Nam Mỹ nhiều hơn đáng kể so với những nơi khác. Ba quốc gia có số lượng loài nhiều nhất và 6/10 quốc gia có số lượng loài nhiều hàng đầu thế giới đều nằm ở khu vực Nam Mỹ với trên 1.300 loài mỗi nước, trong đó Colombia giữ vị trí cao nhất với 1.877 loài.

Hoạt động buôn bán các loài chim hoang dã đem lại nhiều lợi nhuận nhưng nó bắt đầu làm trống các khu rừng của nhiều quốc gia. Sau khi ban hành lệnh cấm buôn bán động vật hoang dã, Brazil khởi động chương trình nuôi nhốt để thay thế những loài mất đi. Tuy nhiên, động thái này, theo sau là các lệnh cấm tương tự ở Ecuador và Colombia, đã dẫn đến hậu quả không lường trước khiến việc buôn bán chim hoang dã bất hợp pháp diễn ra mạnh mẽ hơn ở Nam Mỹ.

Khoảng 25.749 con vẹt đầu đen (Pionites melanocephalus) đã được xuất khẩu từ các nước Nam Mỹ trong khoảng thời gian từ năm 2000 đến 2013. Hiện Guyana và Suriname vẫn tiếp tục xuất khẩu loài này (Ảnh: Arturo Hortas/TRAFFIC).

Trong nhiều trường hợp, những kẻ săn trộm sẽ săn bắt các loài chim từ Amazon ở Brazil, sau đó đem chúng ra các quốc gia mà luật pháp vẫn cho phép buôn bán chim hoang dã.

Ortiz – von Halle cho rằng “các lệnh cấm này đã làm thay đổi lợi ích của việc bán các loài chim Nam Mỹ khan hiếm ra nước ngoài. Hầu hết các quốc gia được hưởng lợi từ việc buôn bán vẹt Nam Mỹ, ví dụ trong những năm gần đây có cả các quốc gia giàu có như Thụy Sĩ, Singapore và Hoa Kỳ, tuy nhiên, không quốc gia nào trong số 10 quốc gia được hưởng lợi là quốc gia Nam Mỹ”.

Theo Ortiz, “Brazil đã tạo ra tình huống ngược lại với sự độc quyền về thị trường. Brazil vẫn phải đối mặt với nhiều giao dịch bất hợp pháp, đặc biệt là các loài chim biết hót. Có tới 35.000 con chim đã bị bắt trước khi chúng có thể đến được “cuộc thi hát chim hoang dã”.

Brazil có nhiều loài chim đe dọa hơn bất kỳ quốc gia nào khác (Ảnh: TRAFFIC).

Theo báo cáo, Peru, Suriname và Guyana vẫn xuất khẩu hơn 100 loài chim săn bắt tự nhiên dù nhiều loài trong số này được coi là phổ biến. Suriname và Guyana đã thiết lập hạn ngạch để hỗ trợ phù hợp với nền kinh tế của họ (ở Guyana, cứ 20 người dân nông thôn thì có một người được hưởng lợi ích kinh tế từ việc buôn bán chim). Tuy nhiên, các nhà bảo tồn lo ngại những hạn ngạch này không bị cản trở bởi dữ liệu khoa học và do đó, thương mại có thể dẫn đến việc thu thập nhiều chim hơn so với các quần thể mà các quốc gia có thể duy trì.

Để thay thế những lợi ích kinh tế trong quá khứ, Brazil, Ecuador và Colombia gần đây đã loại bỏ xiềng xích của cuộc xung đột dài nhất ở Tây bán cầu và đẩy mạnh đầu tư vào du lịch xem chim. Tuy nhiên, Ortiz-von Halle nhận định đây chỉ có thể là một phần của giải pháp.

Theo Ortiz-von Halle, “sự phức tạp của việc buôn bán chim đã và đang bị đánh giá thấp. Để bảo đảm tương lai cho các loài chim trong bối cảnh các mối đe dọa ngày càng tăng, chúng ta cần các chiến lược tích hợp nhằm ngăn chặn khẩn cấp hoặc đảo ngược sự phá hủy môi trường sống, đồng thời cải thiện thực thi pháp luật và bổ sung các chính sách ưu đãi phát triển kinh tế để tạo thu nhập cho người dân địa phương thông qua du lịch và sử dụng bền vững tài nguyên thiên nhiên. Đây là con đường tốt nhất để bảo vệ các loài chim tiêu biểu của Nam Mỹ”.

Minh Hiền (Mongabay)