Cách Indonesia xử lý “núi” rác thải y tế từ đại dịch Covid-19

BVR&MT – Theo ước tính của bộ Môi trường và Lâm nghiệp Indonesia, mỗi bệnh nhân Covid-19 ở nước này có thể thải ra tới 1,7kg chất thải lây nhiễm mỗi ngày.

Khi đại dịch hoành hành, chất thải lây nhiễm không chỉ phát sinh từ các cơ sở y tế mà còn được thải ra bởi các cơ sở cách ly phòng chống Covid-19. Tuy nhiên phần lớn các hoạt động này vẫn chưa được giám sát. Bên cạnh đó, có một thực tế rằng ở các hộ gia đình, chất thải lây nhiễm thường được vứt lẫn với rác thông thường.

Theo hiệp hội Bệnh viện Indonesia, các cơ sở y tế trên khắp đất nước này đã thải ra khoảng 290 tấn chất thải y tế mỗi ngày trước khi đại dịch Covid-19 bắt đầu. Giờ con số này đã tăng lên thành 493 tấn/ngày.

Không có thống kê về lượng chất thải y tế do các cơ sở cách ly và hộ gia đình thải ra trên thực tế. Còn theo ước tính của bộ Môi trường và Lâm nghiệp Indonesia, mỗi bệnh nhân Covid-19 ở nước này có thể thải ra tới 1,7kg chất thải lây nhiễm mỗi ngày.

Một túi nhựa màu vàng có biểu tượng “nguy cơ sinh học” và dòng chữ “chất thải lây nhiễm” nằm dưới chân núi rác tại bãi rác Burangkeng ở Bekasi, Indonesia. Ảnh: ChannelNewsAsia

Ở quốc gia này, chất thải y tế được phân loại là chất thải nguy hại và độc hại, và phải được đốt bỏ để ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh và ngăn ngừa ô nhiễm.

Sự yếu kém trong giám sát và thực thi các quy tắc liên quan đến chất thải y tế và tình trạng thiếu lò đốt rác có chứng nhận trên khắp đất nước dẫn đến một thực tế ở Indonesia: một số chất thải y tế đôi khi được chôn tại các bãi chôn lấp vốn chỉ dành cho xử lý rác thải sinh hoạt.

Tình trạng này càng trầm trọng hơn trong bối cảnh đại dịch Covid-19.

Có 3.000 bệnh viện, 8.000 trung tâm y tế cộng đồng và 9.000 phòng khám tư nhân trên khắp Indonesia. Trong số này, chỉ có 120 bệnh viện có lò đốt riêng để xử lý chất thải y tế của chính họ.

Theo Tiến sĩ Lia Partakusuma, Tổng thư ký hiệp hội Bệnh viện Indonesia, xây dựng một lò đốt rác thì dễ, nhưng quy trình xin giấy phép vận hành lò từ bộ Môi trường và Lâm nghiệp Indonesia thường gây khó khăn cho các bệnh viện do có rất nhiều yêu cầu cần được đáp ứng.

Bên cạnh lò đốt rác của các bệnh viện, phần còn lại dựa vào các công ty tư nhân được cấp phép để vận chuyển và xử lý chất thải nguy hại. Tính đến tháng 12/2020, Indonesia chỉ có tổng cộng 17 công ty như vậy, với khả năng xử lý 252 tấn chất thải y tế mỗi ngày.

Tuy nhiên, các công ty này chỉ đặt trụ sở tại 7 trong số 34 tỉnh của Indonesia. Và phần lớn các công ty này hoạt động ở Java – hòn đảo đông dân và phát triển nhất của đất nước. Như vậy, không phải địa phương nào ở Indonesia đều có lò đốt rác của riêng mình. Điều đó dẫn đến chi phí phát sinh.

Ví dụ, các bệnh viện ở tỉnh Papua xa xôi và kém phát triển phải trả cho các công ty xử lý rác khoảng 110.000 rupiah (tương đương 7,5 USD) chỉ để xử lý 1kg rác thải y tế vì rác sẽ phải được vận chuyển quãng đường dài 3.000 km tới Java.

Trong bối cảnh đại dịch, các bệnh viện có thể thải ra từ 50kg đến 2 tấn rác thải y tế mỗi ngày tùy thuộc vào quy mô của cơ sở y tế đó.

“Lượng chất thải y tế đã tăng lên do Covid-19”, Tiến sĩ Partakusuma cho biết. “Trung bình, lượng chất thải y tế của một bệnh viện có thể tăng gấp 2-5 lần, đặc biệt nếu bệnh viện đó được chuyển thành bệnh viện chuyên điều trị bệnh nhân Covid”.

Vỏ chai dịch truyền tĩnh mạch được tìm thấy nằm xen lẫn với rác thải sinh hoạt tại bãi rác Burangkeng ở Bekasi, Indonesia. Ảnh: ChannelNewsAsia

“Do đại dịch, chính phủ đã mở rộng định nghĩa về chất thải lây nhiễm sang mọi thứ tiếp xúc với bệnh nhân Covid”, bà cho biết. “Vì vậy, chất thải lây nhiễm bao gồm không chỉ thiết bị y tế như vỏ chai và ống tiêm truyền dịch tĩnh mạch mà còn cả khăn ăn, tã lót và thức ăn thừa của bệnh nhân”.

Tiến sĩ Partakusuma giải thích thêm: “Trong khi đó, việc sử dụng các phương tiện bảo vệ cá nhân cũng tăng cao. Đó là lý do tại sao số lượng rác thải y tế tăng vọt”.

Tiến sĩ Partakusuma cho biết khi các lò đốt rác quá tải và chất thải y tế không được thu gom kịp thời, công nhân thu gom rác và bệnh nhân sẽ có thể gặp rủi ro do tính chất lây nhiễm cao của chất thải.

Rosa Vivien Ratnawati, Tổng cục trưởng về quản lý chất thải rắn và chất thải nguy hại, thuộc bộ Môi trường và Lâm nghiệp Indonesia, cho biết chính phủ nước này đã thực hiện một số bước để khắc phục vấn đề.

“Chúng tôi đang yêu cầu các cơ sở y tế tự đốt chất thải y tế trong lò đốt với nhiệt độ tối thiểu 800 độ C. Thông thường, họ sẽ cần giấy phép để sử dụng các lò đốt này. Nhưng giờ chúng tôi đang nới lỏng các yêu cầu và cấp giấy phép tạm thời cho khoảng 200 bệnh viện”, bà nói.

“Chúng tôi cũng đã nhờ đến sự giúp đỡ của các nhà máy xi măng. Lò nung của họ có thể đạt nhiệt độ 1.500 độ C và cho đến nay đã có 13 công ty đồng ý giúp đỡ. Chúng tôi sẽ sớm ban hành một nghị định cho phép các nhà máy này được đốt rác thải y tế ”.

Bộ này cũng đang tìm cách mua các lò đốt cỡ nhỏ để phân phối đến các vùng sâu vùng xa trên khắp Indonesia.

“Chúng tôi đang lập bản đồ các khu vực không có dịch vụ xử lý chất thải y tế hoặc nhà máy sản xuất xi măng. Chúng tôi vẫn đang thảo luận về số lượng cần thiết, tính toán chi phí và dự chi ngân sách”, bà Rosa Vivien Ratnawati cho biết.

Chuyên viên từ bộ Môi trường và Lâm nghiệp Indonesia đang xem xét đống chất thải y tế nguy hại bị chôn lấp trái phép ở Karawang, Tây Java, Indonesia. Ảnh: Jakarta Post

Theo Tiến sĩ Partakusuma, mặc dù các bệnh viện hiện đã được cấp giấy phép tạm thời để vận hành lò đốt của mình, nhưng chẳng đơn vị nào mặn mà với việc này.

“Không phải ai cũng sẵn sàng đặt lò đốt rác ở khu vực của mình. Không phải ai cũng muốn thấy khu vực của mình trở thành bãi tập kết chất thải nguy hại”, Tiến sĩ Partakusuma nói.

“Lò đốt tạo ra tro và lượng tro này chỉ được xử lý ở một số nơi nhất định. Đó là lý do tại sao nhiều bệnh viện có xu hướng làm việc với bên thứ ba. Họ không muốn bị làm phiền bởi những vấn đề như thế này vì họ còn phải tập trung vào chăm sóc sức khỏe cho bệnh nhân”.

Khẩu trang y tế đã qua sử dụng trở thành vấn đề đáng lo ngại

Khi khẩu trang được sử dụng ngày càng phổ biến, chúng gây ra một vấn đề lớn về môi trường.

Theo một nghiên cứu do viện Khoa học Indonesia thực hiện khi đại dịch bắt đầu hồi đầu năm ngoái, khẩu trang chiếm 16% lượng rác thải được tìm thấy ở các bãi rác, con sông, đường phố và bãi biển trên khắp Indonesia.

Reza Cordova, một trong những nhà khoa học tham gia nghiên cứu, cho biết trước đại dịch, loại rác này không tồn tại. Tuy nhiên, đến thời điểm này, với sự hoành hành của biến thể Delta, số lượng khẩu trang đã qua sử dụng gây ô nhiễm môi trường có thể tăng gấp đôi.

“So với thời kỳ đầu của đại dịch, mọi người đã nhận thức rõ hơn về tầm quan trọng của việc đeo khẩu trang và khẩu trang đã có mặt ở khắp nơi”, ông nói.

“Người ta có thể đeo 2-3 chiếc khẩu trang mỗi ngày nếu họ ra đường cả ngày. Tuy nhiên, chính phủ chưa khuyến cáo người dân cách an toàn để xử lý chúng”.

Hermawan Saputra, cố vấn về sức khỏe cộng đồng tại hiệp hội Chuyên gia Y tế Cộng đồng Indonesia, cho biết khẩu trang tiềm ẩn nhiều nguy cơ đối với sức khỏe hơn các loại rác thải y tế khác.

Đại dịch Covid-19 đang tạo ra một khối lượng khổng lồ rác thải y tế, bao gồm cả khẩu trang dùng một lần được làm bằng sợi vi nhựa. Ảnh: Global Citizen

“Với rất nhiều người tự cách ly ở nhà, khẩu trang đang trở thành một vấn đề lớn. Khẩu trang bệnh nhân Covid đeo chắc chắn sẽ mang virus. Nếu một người vô tình sờ vào những chiếc khẩu trang như thế này, người đó có nguy cơ bị nhiễm bệnh”, Saputra cho biết.

“Những chiếc khẩu trang này phải được tiêu hủy đúng cách. Bởi vì virus có thể tồn tại 3-4 giờ trong môi trường không khí thoáng, 8 giờ trong môi trường trong nhà, và đến 2-3 ngày trong không gian ẩm ướt và chật hẹp, chất chồng lên các vật chất lây nhiễm khác như bên trong thùng rác hoặc bên trong bãi rác”.

Khó khăn trong việc lần theo chất thải y tế

Khi vấn đề rác thải y tế ngày càng đáng quan ngại, việc theo dõi nơi chúng được tập kết cũng trở thành một vấn đề.

Ratnawati cho biết việc cấp giấy phép tạm thời cho các bệnh viện và cho phép các nhà máy xi măng đốt chất thải y tế là đủ để đối phó với sự gia tăng của chất thải lây nhiễm.

Bà nói: “Ít nhất, như vậy cũng đủ để xử lý chất thải y tế do các cơ sở y tế thải ra. Rác thải y tế không nên được tìm thấy ở các bãi chôn lấp”.

Tiến sĩ Partakusuma lưu ý rằng ngay cả trước khi xảy ra đại dịch, vẫn có một lượng rác thải y tế nhất định không được xử lý trong các lò đốt rác.

“Khối lượng này có thể lên tới 70-90 tấn mỗi ngày”, bà cho biết.

“Đây không phải là một vấn đề mới. Đây là một vấn đề cũ, nhưng nó đang trở nên tồi tệ hơn vì Covid-19”.

Ratnawati nói: “Chính quyền địa phương có nhiệm vụ giám sát việc này. Chính quyền trung ương không thể theo dõi tất cả rác thải ở 550 cơ quan và thành phố trên khắp đất nước Indonesia”.

Một chiếc máy xúc đang làm việc tại bãi rác Burangkeng ở Bekasi, Indonesia. Ảnh: ChannelNewsAsia

Bagong Suyoto, Chủ tịch Liên minh Quốc gia về chất thải của Indonesia, lưu ý rằng việc điều tra xem chất thải y tế được đưa vào các bãi chôn lấp như thế nào là rất khó.

Ông nói: “Hoạt động này liên quan đến một mạng lưới những người làm công việc thu gom và vận chuyển rác. Vì vậy, rất khó để lần ngược lại một bệnh viện hoặc công ty vận chuyển chất thải cụ thể”.

Ông cho biết, người ta thậm chí vẫn có thể kiếm thêm chút tiền từ một số loại rác thải y tế như vỏ chai dịch truyền tĩnh mạch. Mỗi kg vỏ chai làm bằng nhựa y tế chất lượng hàng đầu có thể bán được 6.000-7.000 rupiah. Mức giá này là gấp đôi so với giá của vỏ chai lọ nhựa thông thường.

Hướng tới một giải pháp toàn diện

Các chuyên gia cho rằng, chính phủ Indonesia cần phải làm nhiều hơn là chỉ giám sát rác thải từ các cơ sở y tế.

Tiến sĩ Saputra, chuyên gia y tế cộng đồng, cho biết: “Chính phủ mới chỉ chú ý tới rác thải từ các cơ sở y tế trong khi rác thải của các hộ gia đình bình thường và các cơ sở công cộng bị bỏ qua”.

“Một số các khách sạn của chúng ta đã được chuyển đổi thành các cơ sở cách ly phòng chống Covid-19. Còn các cơ sở như sân bay và nhà ga cung cấp các bộ kit test Covid-19. Do đó, không có gì ngạc nhiên khi khẩu trang đã qua sử dụng và vỏ đựng mẫu test được tìm thấy ở các bãi rác”.

Tiến sĩ Partakusuma cho biết chính phủ cũng cần chú ý đến những nơi công cộng như trung tâm mua sắm và công sở.

Bà nói: “Cần phải có những điểm thu gom nơi mọi người có thể bỏ những chiếc khẩu trang đã qua sử dụng vào”.

Ratnawati thừa nhận rằng cần phải làm gì đó với lượng rác thải ngày càng tăng bên ngoài các cơ sở y tế. “Tôi đồng ý rằng đó là những nguồn chủ yếu của rác thải y tế chưa qua xử lý, đặc biệt là khi nó liên quan đến bệnh nhân tự cách ly”.

Ratnawati cho biết lý tưởng nhất là chính quyền mỗi địa phương nên thành lập các trung tâm thu gom rác thải y tế của riêng họ cũng như phân phát các túi đặc biệt cho bệnh nhân tự cách ly để họ đựng rác thải của mình.

Bà nói: “Những túi này sau đó được thu gom bởi những nhân viên được đào tạo chuyên môn để rác thải đó có thể được xử lý an toàn tại các lò đốt”.

Các chuyên gia cho rằng, chính phủ Indonesia cần phải giám sát cả rác thải từ các cơ sở y tế và rác thải sinh hoạt trong bối cảnh đại dịch Covid-19. Ảnh: Waste4Change

“Chúng tôi đang nỗ lực hướng tới mục tiêu này. Chúng tôi đang đàm phán với chính quyền các địa phương về điều này. Nhưng khả năng của chính quyền mỗi địa phương là khác nhau”.

Bà cho biết thêm: “Có những địa phương không có ngân sách để xây dựng các trung tâm thu gom của chính họ. Chúng tôi đang cố gắng phân bổ kinh phí để giúp họ thực hiện điều này. Hy vọng rằng trong 1-2 tháng nữa chúng tôi có thể bắt đầu thực hiện những kế hoạch này”.

Ông Suyoto hy vọng rằng đại dịch có thể là một lời cảnh tỉnh để chính phủ quan tâm đến vấn đề rác thải của Indonesia.

Ông nói: “Đại dịch nhấn mạnh sự cần thiết của việc các hộ gia đình phân loại rác thải của họ, sự cần thiết phải có nhiều lò đốt rác hơn, cần có sự giám sát và thực thi mạnh mẽ và sự cần thiết phải có một hệ thống quản lý rác thải tốt”.

“Tôi hy vọng bất kỳ cải tiến nào được thực hiện có thể tồn tại lâu dài sau khi đại dịch đi qua”.