Các tổ chức bảo tồn kêu gọi Úc cấm buôn bán ngà voi như đã cam kết

BVR&MT – Tại Hội nghị các bên tham gia Công ước CITES vào tháng 8/2019, Bộ trưởng Môi trường Úc Sussan Ley đã cam kết cấm buôn bán ngà voi và sừng tê giác trong phạm vi Úc, đồng thời đảm bảo đưa vấn đề này ra thảo luận trong cuộc họp quốc gia vào tháng 11/2019. Tuy nhiên, tính đến tháng 8/2021, hoạt động buôn bán nội địa ngà voi của Úc vẫn hợp pháp và các nhà đấu giá của Úc vẫn tiếp tục buôn bán các sản phẩm từ ngà voi và sừng tê giác.

Số ngà voi trái phép bị hải quan Hong Kong thu giữ tại Kwai Chung, Hong Kong, Trung Quốc ngày 6/7. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Nhân kỉ niệm Ngày Voi Thế giới (12/8), Tổ chức Quốc tế Đối xử nhân đạo với động vật (HSI), Quỹ Quốc tế về Phúc lợi Động vật và Quỹ Born Free Foundation đã cùng kêu gọi Úc cần thúc đẩy việc thực hiện cam kết để đóng góp nhiều hơn vào nỗ lực toàn cầu trong việc cứu voi khỏi nguy cơ tuyệt chủng.

Tháng 8/2021 đánh dấu hai năm kể từ khi Australia hứa với cộng đồng quốc tế rằng họ sẽ đóng cửa các thị trường nội địa ngà voi và sừng tê giác nhưng các hoạt động này vẫn tiếp diễn.

Nhu cầu về ngà voi đang thúc đẩy nạn săn trộm voi ở cả châu Phi và châu Á, và có những lo ngại cho rằng voi có thể tuyệt chủng chỉ trong vòng vài thập kỷ. Voi rừng châu Phi đã được tuyên bố là cực kỳ nguy cấp trong Sách đỏ IUCN trong khi voi thảo nguyên châu Á và châu Phi đều đang trong tình trạng nguy cấp.

Từ năm 1989, Công ước CITES đã cấm buôn bán thương mại ngà voi qua biên giới và trong những năm gần đây, để đảm bảo lệnh cấm có hiệu lực, đồng thời bảo vệ voi khỏi tai họa về nạn săn trộm, tất cả các quốc gia có thị trường nội địa góp phần vào việc săn trộm hoặc buôn bán bất hợp pháp đã cam kết đóng cửa thương mại nội địa ngà voi. Các chính phủ liên bang, tiểu bang và vùng lãnh thổ của Úc cần hợp tác để thúc đẩy hoạt động này và không nên trì hoãn cam kết thêm nữa.

Rebecca Keeble, Giám đốc khu vực châu Đại Dương thuộc Quỹ Quốc tế về Phúc lợi Động vật nhấn mạnh: “Chính phủ Úc cam kết kiềm chế hoạt động buôn bán nội địa ngà voi và sừng tê giác. Giờ đây, họ cần chuyển từ lời nói sang hành động và luật hóa. Tình trạng bảo tồn của loài mang tính biểu tượng này không thể chậm trễ hơn”.

“Trung Quốc, Anh, Singapore, Đài Loan, Hồng Kông và Mỹ đều đã luật hóa hoặc đang trong quá trình soạn thảo quy định chống lại hoạt động buôn bán nội địa ngà voi . Các nước như Úc, New Zealand, Canada và Nhật Bản cũng nên noi gương”, Gabriel Fava, Born Free Foundation cho biết.

Huyền Trang (Theo scoop.co.nz)

Tags: ,
CHIA SẺ