Các tỉnh Tây Nguyên cần ngăn chặn tình trạng phát triển cây sắn ồ ạt

BVR&MT – Theo Thường trực Ban Chỉ đạo Tây Nguyên, vụ Hè Thu năm nay, các tỉnh Tây Nguyên đã ồ ạt mở rộng diện tích trồng sắn, đưa diện tích loại cây này tăng lên trên 157.292 ha; trong đó, tỉnh Gia Lai là địa phương có diện tích sắn nhiều nhất với gần 65.000 ha, tiếp đến là tỉnh Kon Tum với gần 40.000 ha, tỉnh Đắk Lắk 32.671 ha…

Nông dân phun thuốc phòng trừ bệnh khảm lá cây sắn . Ảnh: Lê Đức Hoảnh/TTXVN

Trong vài năm trở lại đây, giá sắn tươi có lúc tăng cao, từ 1.200 đồng đến 1.500 đồng/kg cộng với việc ít đầu tư chăm sóc, dễ trồng, thích nghi trên nhiều vùng đất khác nhau, nhất là chịu hạn nên người dân ồ ạt trồng không theo quy hoạch, kế hoạch, vượt ra ngoài tầm kiểm soát của các địa phương. Thậm chí, nhiều địa phương vùng sâu, vùng xa của các tỉnh Đắk Lắk, Gia Lai, Kon Tum…, đồng bào các dân tộc lén lút phá rừng trái phép để lấy đất trồng sắn.

Hiện nay, các tỉnh Gia Lai, Đắk Lắk, Kon Tum…đều có diện tích trồng sắn vượt rất xa so với quy hoạch. Cụ thể, tỉnh Đắk Lắk quy hoạch vùng nguyên liệu trồng sắn cho các nhà máy chế biến tinh bột sắn chỉ có 15.000 ha đến năm 2015 thế nhưng, diện tích trồng sắn hiện đã tăng lên gần 32.671 ha. Tỉnh Gia Lai quy hoạch chỉ có 50.000 ha thì nay đã tăng lên 65.000 ha. Tỉnh Kon Tum quy hoạch chỉ có 28.000 ha thì nay cũng tăng lên gần 40.000 ha.

Huyện Kbang (Gia Lai) hiện có khoảng 5.200 ha sắn, tăng gần 2.000 ha so với quy hoạch. Huyện Ea Súp (Đắk Lắk) quy hoạch cây sắn chỉ có 1.500 ha, trong khi thực tế đồng bào các dân tộc đã trồng tăng lên trên 3.200 ha.

Nghiêm trọng hơn, phần lớn đồng bào các dân tộc trồng sắn trên đất nương rẫy ở các tỉnh Tây Nguyên đều không chú trọng đến chế độ đầu tư thâm canh cũng như áp dụng các biện pháp luân canh, xen canh, rải vụ mà trồng chay, khai thác triệt để các chất dinh dưỡng trong đất làm cho diện tích đất trồng sắn ngày càng bạc màu có nhiều nguy cơ dẫn đến “sa mạc hóa”. Nhiều nơi, đồng bào còn đưa cả diện tích đất rừng, đất đỏ bazan , chuyển đất trồng ngô lai, đậu đỗ các loại, đất trồng lúa cạn sang độc canh cây sắn gây lãng phí lớn tài nguyên đất.

Theo Tiến sĩ Nông học Y Ghi, Hiệp hội Khoa học tỉnh Đắk Lắk, không thể phủ nhận những đóng góp của cây sắn trong việc giải quyết vấn đề an ninh lương thực, tăng thu nhập cho đồng bào các dân tộc ở những vùng đất cằn cỗi, cũng như tăng nguồn hàng xuất khẩu cho các địa phương. Tuy nhiên, nếu không có kế hoạch phát triển phù hợp thì đây cũng chính là cây trồng nhanh chóng làm cạn kiệt nguồn dinh dưỡng trong đất.

Thực tế cho thấy, đất đã qua 3 hoặc 4 vụ trồng sắn liên tục thì sau đó trồng lại bất kỳ loại cây ngắn, dài ngày nào cũng đều kém hiệu quả.

Các nhà khoa học, các đơn vị chuyên môn đã khuyến cáo các tỉnh Tây Nguyên cần ngắn chặn ngay tình trạng phát triển cây sắn ồ ạt mà phải sản xuất theo quy hoạch, kế hoạch, bỏ ngay cách canh tác trồng sắn “bỏ hốc dí hom” để đầu tư thâm canh bón lót phân chuồng ủ hoai mục, bón thúc bằng phân NPK cân đối, hợp lý để góp phần phát triển nền nông nghiệp bền vững.

Cụ thể, khi trồng 1 ha sắn trên đất nương rẫy ở các tỉnh Tây Nguyên, đồng bào các dân tộc cần bón ít nhất 5 tấn phân chuồng ủ hoai mục, bón 80 kg đạm, 40 kg lân, 80 kg kali kết hợp khi làm cỏ xáo xới đất. Đồng thời, thực hiện nghiêm túc luân canh, xen canh các loại cây họ đậu, trồng cây che phủ giữ ẩm, hạn chế xói mòn, bổ sung chất dinh dưỡng cho đất….

Các địa phương vùng Tây Nguyên cũng hướng dẫn đồng bào các dân tộc đưa các giống sắn mới vào sản xuất, thực hiện đồng bộ các biện pháp thâm canh, luân canh, xen vụ để vừa mang lại hiệu quả kinh tế cao, vừa hạn chế xói mòn, bạc màu đất cho vùng Tây Nguyên.