Các hệ quả của biến đổi khí hậu ngày càng nghiêm trọng

BVR&MT – Báo cáo mới nhất vừa được Tổ chức Khí tượng Thế giới (WMO) công bố ngày 28/3 cho thấy các biểu hiện vật lý của biến đổi khí hậu đang gia tăng, tác động kinh tế xã hội của nó ngày càng nghiêm trọng và mức khí nhà kính kỷ lục đang đẩy nhiệt độ toàn cầu lên đến mức đáng lo ngại.

Báo cáo của WMO nhấn mạnh tình trạng mực nước biển dâng cao kỷ lục.

Báo cáo của WMO về tình trạng khí hậu toàn cầu đã được đưa ra trong cuộc họp báo chung tại Trụ sở Liên hợp quốc với sự tham dự của Tổng thư ký Liên hợp quốc António Guterres, Chủ tịch Đại hội đồng Liên hợp quốc María Fernanda Espinosa và Tổng thư ký WMO Petteri Taalas, bên lề cuộc họp cấp cao về “khí hậu và phát triển bền vững cho tất cả mọi người”.

Báo cáo của WMO nhấn mạnh tình trạng mực nước biển dâng cao kỷ lục và nhiệt độ cao bất thường trong 4 năm qua trên bề mặt của đất liền và đại dương. Xu hướng ấm lên toàn cầu đã không dừng lại kể từ đầu thế kỷ này và sẽ tiếp tục diễn ra.

Tổng thư ký WMO Petteri Taalas nêu rõ: Kể từ khi ban hành Báo cáo về khí hậu đầu tiên, kiến thức về khí hậu đã đạt đến độ chính xác chưa từng có. Chúng ta đã có thể làm rõ sự gia tăng nhiệt độ trung bình và các hệ quả của nó như mực nước biển tăng với tốc độ ngày càng cao, băng và sông băng ngày càng suy giảm, và các hiện tượng thời tiết cực đoan như làn sóng khí hậu nóng”. Những chỉ số mấu chốt của biến đổi khí hậu đang ngày càng được bộc lộ: nồng độ carbon dioxide, là 357,0 phần triệu (ppm) vào năm 1993 (năm đầu tiên được công bố trong Tuyên bố khí hậu), đã liên tục tăng, lên đến 405,5 ppm vào năm 2017. Trong năm 2018 và 2019, các giá trị này sẽ còn cao hơn nữa.

Theo Tổng thư ký WMO, tình trạng gia tăng nhiệt độ trung bình và các hệ quả của nó như mực nước biển dâng cao (…), các tảng băng và sông băng suy giảm, và các hiện tượng thời tiết cực đoan là không thể chối cãi. “Các hiện tượng thời tiết cực đoan tiếp tục xảy ra vào đầu năm 2019, bằng chứng là cơn bão nhiệt đới Idai đã gây ra lũ lụt tàn khốc trong thời gian gần đây và cướp đi nhiều sinh mạng ở Mozambique, Zimbabwe và Malawi. Nó có thể là một trong những thảm họa khí tượng nguy hiểm nhất ở phía Nam bán cầu” – ông Taalas nhấn mạnh.

Những dữ liệu được công bố trong báo cáo của WMO rất đáng lo ngại. “4 năm qua có mức nhiệt nóng nhất từng được ghi nhận và nhiệt độ trung bình toàn cầu năm 2018 cao hơn khoảng 1°C so với các giá trị ở giai đoạn tiền công nghiệp” – Tổng thư ký Liên hợp quốc Guterres lưu ý. “Không còn thời gian để chần chừ”, ông nói thêm, đồng thời cho biết sẽ triệu tập một hội nghị thượng đỉnh về biến đổi khí hậu ở cấp nguyên thủ quốc gia vào ngày 23/9/2019 tới đây.

Nhấn mạnh những tác động cực đoan về kinh tế xã hội của hiện tượng biến đổi khí hậu tới các quốc gia trên thế giới, bà María Fernanda Espinosa phát biểu nêu rõ: “Là Chủ tịch Đại hội đồng Liên hợp quốc, tôi đặc biệt quan tâm đến việc nhấn mạnh tác động của biến đổi khí hậu đến khả năng đạt được các Mục tiêu Phát triển Bền vững, cũng như cần xem xét hậu quả đầy đủ của biến đổi khí hậu”. “Báo cáo rất kịp thời này là một đóng góp có giá trị cho những nỗ lực của chúng ta nhằm khiến cộng đồng quốc tế quan tâm chú ý tới vấn đề này” – bà nói thêm.

Báo cáo của WMO nhận được sự đóng góp từ phía các cơ quan khí tượng thủy văn quốc gia, một loạt các chuyên gia và nhà khoa học, các cơ quan có liên quan của Liên hợp quốc. Báo cáo mô tả các rủi ro liên quan đến khí hậu và tác động của chúng đối với sức khỏe và điều kiện sống của con người, các phong trào di cư và dịch chuyển, an ninh lương thực, môi trường, và hệ sinh thái trên cạn và trên biển. Đồng thời, báo cáo cũng liệt kê các sự kiện thời tiết cực đoan xảy ra trên thế giới.