Các đợt sóng nhiệt cực đoan ngày càng phổ biến hơn do BĐKH

Các đợt sóng nhiệt chết người sẽ xảy ra thường xuyên, trên phạm vi rộng hơn và trở thành một vấn đề nghiêm trọng trọng hơn trong thập kỷ tới do biến đổi khí hậu. Nghiên cứu do các nhà khoa học Đại học Hawaii công bố trên Tạp chí Nature Climate Change cho hay.

Theo các nhà khoa học, các đợt sóng nhiệt cực đoan chính là tác động trực tiếp nhất của biến đổi khí hậu. Nếu lượng khí nhà kính phát thải với tốc độ hiện tại, tới năm 2100, 3/4 người trên Trái Đất sẽ phải sống 20 ngày mỗi năm trong điều kiện nhiệt độ và độ ẩm liên quan đến sóng nhiệt chết người. Hiện con số này đang là 1/3.

Thậm chí, khi các quốc gia thực hiện cắt giảm mạnh lượng phát thải khí nhà kính theo những gì được nêu trong Thỏa thuận khí hậu Paris, nhiệt độ và độ ẩm vẫn sẽ tăng dẫn đến tăng cường độ và tần suất của các đợt sóng nhiệt chết người.

Phó giáo sư Camilo Mora (Đại học Hawaii), tác giả chính nghiên cứu chia sẻ rằng: “Chúng ta đang rất rủi ro khi không còn lựa chọn tốt cho tương lai. Đối với sóng nhiệt, các lựa chọn của chúng ta giờ đã ở giữa xấu hoặc khủng khiếp. Nhiều người trên khắp thế giới đã phải trả giá cuối cùng là mất đi mạng sống do các đợt sóng nhiệt. Các mô hình cũng chỉ ra rằng điều này có khả năng tiếp tục tồi tệ hơn nhiều nếu lượng khí thải không giảm đáng kể.”

Vì sao sóng nhiệt gây chết người

Sóng nhiệt gây chết người vì cơ thể con người chỉ có thể hoạt động trong phạm vi nhiệt độ cơ thể hẹp khoảng 37 độ C.

Nhóm nghiên cứu đã phân tích hàng trăm đợt sóng nhiệt trong lịch sử để xác định điều kiện thời tiết nào con người có nguy cơ tử vong cao nhất. Bằng việc sử dụng dữ liệu của 783 đợt sóng nhiệt gây chết người ở 164 thành phố, trên 36 quốc gia, các nhà khoa học đã xác định được một ngưỡng chung khi sóng nhiệt trở nên nguy hiểm.

Ông Mora cho hay: “Ngưỡng này giúp chúng tôi xác định được các điều kiện thời tiết có hại cho con người. Và bởi vì ngưỡng  này được xác định dựa trên các trường hợp được ghi chép thực tế trên toàn cầu nên càng trở lên đáng tin cậy hơn”.

Không ngạc nhiên khi ngưỡng này được điều chỉnh không chỉ bởi nhiệt độ mà còn cả từ độ ẩm trong không khí. Đổ mồ hôi, quá trình chính của cơ thể để hạ nhiệt bằng cách làm mát bay hơi trở nên kém hiệu quả hơn khi độ ẩm tương đối tăng cao vì độ ẩm trong không khí đã bị bão hòa.

Nhóm nghiên cứu đã sử dụng ngưỡng này để phân biệt giữa sóng nhiệt chết người và không chết người dựa trên các ghi chép trong quá khứ, từ đó xây dựng các mô hình khí hậu để quan sát, đối chiếu các diễn biến trong tương lai.

Đã có hơn 700 người chết trong đợt nắng nóng kỷ lục ở Chicago năm 1995 (Ảnh: CNN)

Dự báo về các đợt sóng nhiệt chết người

Nghiên cứu này giúp chúng ta đánh giá tương lai khí hậu của các khu vực nào trên Trái đất và xem vị trí và số ngày trung bình mỗi năm khu vực đó phải vượt qua ngưỡng nguy hiểm chết người.

Một ứng dụng web cũng được nhóm nghiên cứu phát triển để người dùng có thể xem tình trạng thời tiết ở bất kỳ khu vực nào theo các kịch bản phát thải khác nhau.

Ví dụ, thành phố New York hiện có khoảng 2 ngày mỗi năm thời tiết vượt ngưỡng sóng nhiệt chết người nhưng số ngày này sẽ tăng lên khoảng 50 ngày mỗi năm vào năm 2100.

Các kết quả này vẽ lên một bức tranh nghiệt ngã ở các thành phố ấm và ẩm ướt hơn như Orlando và Houston nơi toàn bộ mùa hè đều vượt ngưỡng cho phép.

Hiện nay, khoảng 30% dân số thế giới (sống trên 13% diện tích đất) trải qua ít nhất 20 ngày sóng nhiệt cực đoan mỗi năm, trong đó có ngưỡng chết người. Đến năm 2100, tỷ lệ này tăng lên 74% dân số (47% diện tích đất) nếu phát thải tiếp tục không được kiểm soát.

Hiện tại, các khoản cắt giảm mạnh khí thải nhà kính chỉ có thể giúp hạn chế phần nào. Ông Mora nhận định, khi các quốc gia thực hiện tốt nhất Hiệp định Paris thì vẫn sẽ có gần 50% dân số bị ảnh hưởng, điều này khá tệ. Nhưng nếu chúng ta không làm bất cứ điều gì thì con số này sẽ tăng lên hơn 70% dân số bị ảnh hưởng bởi những đợt sóng nhiệt này.

Vùng nhiệt đới có nguy cơ cao nhất

Các khu vực ở vĩ độ cao hơn sẽ ấm lên nhanh hơn trong bối cảnh biến đổi khí hậu, nhưng nghiên cứu  chỉ ra rằng sự sống ở các vùng nhiệt đới bị đe dọa nhiều hơn khi nền nhiệt tăng cao vì các khu vực này vốn đã có nhiệt độ và độ ẩm quanh năm cao hơn.

Thật không may, nhiều người sống ở các khu vực nhiệt đới trên thế giới đều ít có khả năng thích nghi với sóng nhiệt tồi tệ hơn do với điều kiện tiếp cận với điều hòa không khí và hệ thống lưới điện còn hạn chế.

Bích Ngọc (Theo CNN)

Tags:
CHIA SẺ