Các doanh nghiệp ở Bình Dương cần khoảng 50.000 lao động

BVR&MT – Ngày 6/10, đại diện Trung tâm giới thiệu việc làm tỉnh Bình Dương cho biết, với sự khởi động của thị trường tuyển dụng lao động, các doanh nghiệp quay lại hoạt động sản xuất trong trạng thái “bình thường mới”, dự báo lượng các doanh nghiệp trên địa bàn cần khoảng 50.000 người lao động.

Công ty TNHH MTV Triệu Phú Lộc đang có nhu cầu tuyển dụng thêm 500 lao động phổ thông. Ảnh: TTXVN phát

Từ cuối tháng 9/2021, trước thông tin công tác phòng, chống dịch của Bình Dương cơ bản đã được kiểm soát, tỉnh sẽ từng bước nới lỏng giãn cách và phục hồi kinh tế-xã hội, nhiều doanh nghiệp bắt đầu đăng ký tuyển dụng trở lại. Một số doanh nghiệp tiên phong trong tuyển dụng như: Công ty Trách nhiệm hữu hạn Cường Thịnh cần 100 lao động phổ thông, Công ty Trách nhiệm hữu hạn thương mại cơ khí Nguyễn Mẫn cần 150 lao động phổ thông, Công ty trách nhiệm hữu hạn Techtronic Industries Việt Nam cần tuyển 3000 công nhân cho 3 nhà máy ở Khu công nghiệp Vsip2, Khu công nghiệp Đại Đăng và Khu công nghiệp Mỹ Phước 3…

Ngoài ra, các doanh nghiệp còn tuyển hàng chục vị trí văn phòng với số lượng từ 2 – 5 người như kế toán, bảo trì, nhân sự, vận hành máy, kho, nhân viên y tế… Với khởi động của thị trường tuyển dụng như hiện nay, dự báo các doanh nghiệp cần khoảng 50.000 lao động.

Ông Nguyễn Thanh Phương, Phó Giám đốc Trung tâm giới thiệu việc làm tỉnh Bình Dương cho biết, lượng lao động đến Trung tâm sau ngày 1/10 khoảng 200 – 300 người/ngày, ngoài nhu cầu giải quyết chế độ bảo hiểm thất nghiệp, một số lao động còn mong muốn được kết nối việc làm để nhanh chóng có nguồn thu nhập ổn định, một số khác cũng chưa mặn mà với việc làm vì đang mang tâm lý chờ đợi.

Ngay sau khi tỉnh Bình Dương trở lại trạng thái “bình thường mới”, ngoài kết nối việc làm thông qua các hình thức trực tiếp, gián tiếp, trực tuyến, Trung tâm giới thiệu việc làm tỉnh Bình Dương sẽ triển khai các giải pháp kết nối lại chương trình liên kết lao động với các tỉnh, thành phố, đặc biệt là ở khu vực Tây Nguyên như Kon Tum, Gia Lai, Đăk Nông, Đăk Lăk và một số tỉnh ở miền Tây Nam Bộ. Đồng thời, Trung tâm cũng sẽ kết nối lại với tỉnh Hà Giang là địa phương có nhiều lao động tiềm năng và đã hỗ trợ nguồn cung cho Bình Dương gần 1000 lao động trong năm 2021.

Trong thời gian tới, Trung tâm tiếp tục mở các phiên giao dịch việc làm định kỳ song song cùng với sàn giao dịch việc làm online, cải tiến giải pháp ứng dụng công nghệ thông tin để tạo các phòng gặp mặt trực tuyến giữa doanh nghiệp và người tìm việc, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp tiếp cận nguồn nhân lực trong điều kiện dịch bệnh còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ.

Trung tâm tiếp tục kết nối doanh nghiệp với người lao động bằng các hình thức như trước đây: trực tiếp hoặc gián tiếp qua điện thoại, email, zalo, facebook, thông qua các sàn giao dịch việc làm online. Sắp tới, Trung tâm sẽ cải tiến giải pháp sàn online dựa trên nền tảng mạng xã hội zalo, tạo các phòng gặp mặt trực tuyến giữa doanh nghiệp và người tìm việc.