BVR&MT – Các địa phương cần tăng cường theo dõi, giám sát, thanh tra, kiểm tra; kịp thời đề xuất với cấp có thẩm quyền các giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện.
Bộ Lao động Thương binh và Xã hội (LĐTB&XH)vừa có văn bản đề nghị các địa phương đốc thúc thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG) giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025 năm 2023 và rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo. Theo đó, để thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ, phấn đấu giải ngân vốn của Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025 năm 2023 đạt kết quả cao nhất, Bộ LĐTB&XH đề nghị Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố quan tâm chỉ đạo thực hiện một số nhiệm vụ trọng tâm.
Các địa phương cần tăng cường theo dõi, giám sát, thanh tra, kiểm tra; kịp thời đề xuất với cấp có thẩm quyền các giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện; phấn đấu giải ngân 100% số vốn được giao trong năm 2023 và số vốn năm 2022 được kéo dài thời hạn giải ngân sang năm 2023 và xác định đây là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của năm 2023. Bên cạnh đó, các cấp có thẩm quyền tại địa phương cũng cần tăng cường hoạt động chỉ đạo, điều hành của ban chỉ đạo các cấp; rà soát danh mục các dự án đầu tư, nội dung hoạt động, sắp xếp theo thứ tự ưu tiên về tính khả thi, tiết kiệm, hiệu quả, bảo đảm trọng tâm trọng điểm, công khai, minh bạch…
Đồng thời, rà soát, tổng hợp dữ liệu thực hiện mục tiêu, nhiệm vụ, danh mục dự án đầu tư, kết quả giải ngân kế hoạch vốn ngân sách Nhà nước năm 2023, định kỳ báo cáo Bộ LĐTB&XH và các cơ quan liên quan theo quy định. Xây dựng và triển khai kế hoạch rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo định kỳ năm 2023 trên địa bàn tỉnh, thành phố, bảo đảm thực hiện đúng, đủ quy trình, xác định chính xác đối tượng, bảo đảm quy định về thời gian và hệ thống mẫu, biểu báo cáo.
Đối với đề xuất mô hình giảm nghèo bền vững, theo báo cáo của Bộ LĐTB&XH, năm 2022, ngân sách Nhà nước đã ưu tiên bố trí 23.000 tỷ đồng để thực hiện có hiệu quả các chính sách hỗ trợ giảm nghèo chung. Đến cuối năm 2022, cả nước có 1.057.374 hộ nghèo, chiếm tỉ lệ 4,03% tổng số hộ của cả nước. Tuy nhiên, thách thức phải kể đến là phần lớn hộ nghèo, hộ cận nghèo thiếu sinh kế, việc làm, thu nhập thấp, không ổn định. Việc ban hành văn bản hướng dẫn và phân bổ vốn chậm ảnh hưởng đến việc thực hiện chương trình MTQG; triển khai Chương trình MTQG giảm nghèo giai đoạn 2021-2025 ở một số địa phương còn chậm.
Do đó, Bộ LĐTB&XH sẽ tiếp tục chỉ đạo, đôn đốc các bộ, ngành và địa phương đẩy mạnh tổ chức thực hiện hiệu quả Chương trình MTQG giảm nghèo giai đoạn 2021-2025 với mục tiêu giảm nghèo đa chiều, bao trùm, bền vững, hạn chế tái nghèo và phát sinh nghèo; hỗ trợ người nghèo, hộ nghèo vượt lên mức sống tối thiểu, tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản theo chuẩn nghèo đa chiều quốc gia, nâng cao chất lượng cuộc sống; hỗ trợ các huyện nghèo, xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang, ven biển và hải đảo thoát khỏi tình trạng nghèo, đặc biệt khó khăn.
Sơn Tinh