Các công ty công nghệ chặn hơn 11,6 triệu giao dịch ĐVHD nguy cấp

BVR&MT – Các công ty công nghệ trực tuyến trong Liên minh chấm dứt buôn bán động vật hoang dã trực tuyến vừa báo cáo đã xóa hoặc chặn hơn 11,6 triệu danh sách các loài có nguy cơ tuyệt chủng và các sản phẩm liên quan khỏi nền tảng trực tuyến của họ tính từ 2018 đến nay. Danh sách này bao gồm hổ sống, bò sát, linh trưởng, các loài chim bị bán làm thú cưng cũng như các sản phẩm có nguồn gốc từ voi, tê tê và rùa biển.  

Thông cáo từ TRAFFIC cho hay ngoài việc xóa và chặn hàng triệu danh sách cùng bài đăng, các công ty còn nâng cao nhận thức về các mối đe dọa đối với các loài có nguy cơ tuyệt chủng cũng như hiểu biết về những nội dung bị cấm trên nền tảng công ty và cơ chế báo cáo giữa những người dùng với hơn 1 tỷ lượt tương tác trên mạng xã hội.

Tê giác đen (Diceros bicornis) ở Kenya. Hình ảnh: endwildlifetraffickingonline.org

Liên minh được ba tổ chức WWF, TRAFFIC, IFAW khởi xướng từ năm 2018 và đến nay, số lượng công ty tham gia đã tăng từ 21 lên 47 bao gồm các công ty có hoạt động trên khắp châu Phi, châu Á, châu Âu, châu Mỹ và hơn 11 tỷ tài khoản người dùng trên toàn càu.

Crawford Allan, Giám đốc cấp cao TRAFFIC cho biết: “Kể từ báo cáo cập nhật năm 2020 đến nay, các công ty đã xóa thêm 8,3 triệu danh sách động vật hoang dã bị cấm. Điều này là do sự sẵn có ngày càng tăng của động vật hoang dã trực tuyến và phản ứng sau đó của các công ty để giải quyết mối đe dọa, bao gồm cả hệ thống phát hiện tự động được tăng cường. Mặc dù con số này chỉ chiếm phần nhỏ động vật hoang dã bị buôn lậu trực tuyến nhưng chúng tôi sẽ tiếp tục mở rộng quy mô với những nỗ lực quyết tâm của nhiều công ty trên toàn cầu”.

Các công ty thành viên đã thực hiện nhiều hành động khác nhau để đóng góp vào tiến trình này, bao gồm tăng cường các chính sách về động vật hoang dã, tăng cường khả năng của nhân viên trong việc phát hiện các sản phẩm động vật hoang dã tiềm năng bất hợp pháp và động vật sống, xử lý các danh sách đáng ngờ được báo cáo bởi các chuyên gia động vật hoang dã và tình nguyện viên trong Chương trình phát hiện động vật hoang dã trên mạng của Liên minh, nâng cao thuật toán thông qua các từ tìm kiếm được cung cấp, tạo đường dẫn và bật chế độ cảnh báo để trao quyền cho người dùng báo cáo nội dung đáng ngờ cũng như chia sẻ các phương pháp hiệu quả.

“Các tình nguyện viên được đào tạo như một phần của Chương trình phát hiện động vật hoang dã trên mạng. Họ được cung cấp thông tin về các loài ưu tiên, chẳng hạn như voi, chim, bò sát và bất cứ khi nào họ nghi ngờ vi phạm, họ sẽ báo cho chúng tôi, sau đó chúng tôi chia sẻ thông tin với các nền tảng liên quan để có hành động tiếp theo”, Lionel Hachemin thuộc IFAW cho biết.

Buôn bán động vật hoang dã trực tuyến được thúc đẩy bởi nhu cầu tiêu dùng đối với các sản phẩm từ động vật hoang dã như ngà voi, sừng tê giác và da mèo lớn cũng như vật nuôi bị buôn bán làm thú cưng. Buôn bán trái phép động vật hoang dã, cả trực tuyến và trên thị trường thực, đang tiêu diệt các quần thể các loài hoang dã và là nguyên nhân góp phần vào sự mất mát đa dạng sinh học thảm khốc trên toàn cầu.

Người dùng nền tảng có thể bảo vệ các loài có nguy cơ tuyệt chủng #OfflineandIntheWild bằng cách tham khảo khuôn khổ chính sách động vật hoang dã bị cấm của Liên minh để hiểu loài nào không nên buôn bán và báo cáo danh sách trực tiếp trên nền tảng của công ty hoặc thông qua trang báo cáo trực tuyến của Liên minh.

Ý Nhi