BVR&MT – Cuối năm 2018, theo Chương trình UN-REDD, Việt Nam trở thành quốc gia châu Á – Thái Bình Dương đầu tiên đạt điều kiện được chi trả cho giảm các-bon dựa trên kết quả, đáp ứng đủ các yêu cầu bảo vệ theo Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (UNFCCC).
Theo cách nói của Liên hợp quốc, giai đoạn chín năm này được gọi là Pha 1, tập trung vào tính sẵn sàng. Akiko Inoguchi, cán bộ lâm nghiệp đóng tại Lào, làm việc cho Tổ chức Nông nghiệp Liên hợp quốc (FAO), đã tham gia vào công việc của UN-REDD tại Việt Nam ngay từ đầu, và gần đây đã viết một bài phản ánh về nỗ lực đó cho trang web chính thức của Chương trình UN-REDD.
Trong cuộc phỏng vấn qua Skype, Inoguchi cho biết “Có thăng có trầm, và rút ra được rất nhiều bài học. Tôi cảm thấy Việt Nam thực sự đã học được nhiều bài học thay cho cộng đồng REDD toàn cầu, có những bài học rất đau đớn”.
REDD+ (Giảm phát thải từ mất rừng và suy thoái rừng) lần đầu tiên được đề xuất vào năm 2005 nhằm mục đích giảm phát thải do mất rừng, bảo tồn trữ lượng rừng và thúc đẩy quản lý rừng bền vững.
REDD+ vào Việt Nam, nơi rừng tự nhiên bị đe dọa bởi các vấn đề như biến đổi khí hậu, công nghiệp hóa và khai thác gỗ bất hợp pháp, từ năm 2009.
Chi trả cho cộng đồng địa phương là một trong những thách thức lớn nhất đối với REDD+ tại Việt Nam.
“Có thời điểm, những gì thiết yếu chúng tôi đã làm là gần như hứa với người dân và những người quản lý rừng địa phương rằng họ sẽ được đền đáp về mặt tài chính nếu chăm sóc rừng”, Inoguchi chia sẻ. Sự đền đáp đó cứ tưởng như sắp đến, cho đến khi giai đoạn hai của REDD+ bắt đầu tại Việt Nam.
Ở cấp quốc gia, chương trình UN-REDD có tối đa 30 nhân sự, trong khi 6 tỉnh đang thực hiện REDD+ đều có sự tham gia của một đơn vị quản lý cấp tỉnh gồm những người từ cơ quan lâm nghiệp địa phương và các chuyên gia tư vấn theo hợp đồng. Mặc dù khâu nhân lực này đã bị giảm đáng kể do các cam kết quốc tế, mỗi đơn vị này có khoảng năm thành viên.
Một thời gian sau, nhóm của FAO, trong đó có Inoguchi, quay lại một ngôi làng nơi thông điệp này được lan truyền, và một người phụ nữ địu con đứng trước đám đông đã hỏi tiền của họ ở đâu, vì họ đang trông coi khu rừng gần đó.
Những người hoài nghi và các chuyên gia
Pamela McElwee, Phó giáo sư Khoa Sinh thái Nhân văn thuộc Đại học Rutgers kiêm tác giả cuốn “Rừng là Vàng: Cây cối, Con người và Luật lệ Môi trường ở Việt Nam” xuất bản năm 2016, là một người phần nào đó hoài nghi REDD+.
Điều này đặc biệt đúng khi nói đến các chương trình chi trả và thông điệp lộn xộn mà người dân địa phương nhận được.
UN-REDD hiện hỗ trợ các nỗ lực sẵn sàng cho REDD+ tại 65 quốc gia trên khắp châu Phi, châu Á – Thái Bình Dương và châu Mỹ Latinh trong khi Việt Nam là một trong những quốc gia thí điểm Sáng kiến.
Điều này có nghĩa Việt Nam là một trong những quốc gia đầu tiên trải nghiệm những kết quả có vấn đề từ REDD+.
“Ở một vài nơi [tại Việt Nam], người dân đã thực sự thay đổi chiến lược sinh kế để ứng đối với suy nghĩ rằng họ sẽ nhận được các khoản thanh toán. Vì vậy, đã có một dự án thí điểm về REDD+ ở tỉnh Kon Tum [thực hiện từ 2011-2014 tại Tây Nguyên], nơi mọi người được khuyên là nên bỏ nông nghiệp và chúng tôi sẽ cho bạn tiền để bảo vệ rừng, và cơ bản ai cũng đồng ý”, McElwee nói.
Những người nông dân này không trồng bất kỳ loại hoa màu nào trong mùa tiếp theo, trông chờ vào món chi trả từ REDD+. Những khoản tiền đó chưa bao giờ xuất hiện, vì Việt Nam vẫn đang ở Pha 1, nghĩa là các khoản thanh toán của UN-REDD chưa thể được thực hiện.
“Vì vậy, đàn ông phải đi làm kiếm tiền ở nơi khác để bù lại thực tế là họ đã bắt đầu thay đổi các hoạt động sinh kế và không có khoản chi trả nào (người ta tin rằng họ sẽ được trả tiền để quản lý rừng), vì thế tôi nghĩ việc đó đặc biệt nguy hiểm”, McElwee giải thích.
Di dân từ nông thôn ra thành thị là phổ biến ở một quốc gia đang phát triển nhanh chóng như Việt Nam nhưng có thể khiến các gia đình chia lìa vì phụ nữ phải ở lại để chăm sóc con cái trong khi chồng đi làm các công việc như xây dựng ở các thành phố và đô thị giàu có.
REDD đã làm được những gì?
Inoguchi nói rằng cô đã nhận ra những vấn đề đó với REDD+ và một số tổ chức đã không ước tính được việc triển khai nhanh chóng như thế nào.
“Ở cấp toàn cầu, những người [tham dự đàm phán Công ước khung về biến đổi khí hậu của Liên hiệp quốc] đã quá tham vọng khi nghĩ rằng bất kỳ quốc gia nào, huống hồ một quốc gia đang phát triển, cũng có thể chuyển đổi một ngành hoặc cả quốc gia trong vài năm”.
Năm 2012, FAO được đưa ra một mốc thời gian ba năm tại Việt Nam và năm 2015 thì được gia hạn thêm ba năm. Inoguchi đã vận động để có thêm ít nhất năm năm nữa.
Tuy nhiên, Inoguchi nói chung hài lòng với thành quả ở đây.
“Có nhiều tiến bộ đáng kể, và tôi nghĩ điều quan trọng nhất hiện nay là lãnh đạo và Chính phủ Việt Nam đang nhìn lâm nghiệp theo một khía cạnh và quan điểm khác nhiều so với khi chúng tôi bắt đầu, vì vậy đó là thành quả lớn nhất mà REDD+ đã góp phần”.
Như đã đề cập, FAO và UN-REDD sẽ không còn đóng vai trò lớn trong việc chương trình Việt Nam tiếp diễn. Điều này có được nhờ vào sự ủy nhiệm của Sáng kiến Lâm nghiệp và Khí hậu Na Uy, nhà tài trợ cho REDD+ tại Việt Nam.
Na Uy đã cắt giảm hỗ trợ cho Việt Nam về mọi mặt, vì Việt Nam hiện là quốc gia có thu nhập trung bình mới nổi. Theo Cơ quan Hợp tác Phát triển Na Uy, viện trợ tổng thể cho Việt Nam đã giảm từ 31,5 triệu USD năm 2012 xuống còn 10,3 triệu trong năm 2017. Hỗ trợ cho REDD+ nằm trong danh mục cắt giảm.
Inoguchi nói thêm rằng FAO không hoàn toàn rút khỏi REDD+ tại Việt Nam trong khi các tổ chức quốc tế khác như FCPF (Forest Carbon Partnership Facility) và Cơ quan hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) tiếp tục hỗ trợ kỹ thuật và tài chính.
Trong quá trình nghiên cứu, nhóm của McElwee phát hiện ra rằng thời gian biểu dài và tương đối bất định của REDD+ đã làm thất vọng cả người dân và Chính phủ Việt Nam.
Cô đã chia sẻ một giai thoại về việc một trưởng bản ở tỉnh Lâm Đồng, cũng thuộc Tây Nguyên, nói với một quan chức của Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn địa phương rằng mình đã “chế” ra từ viết tắt vui về các cơ quan làm việc theo chương trình REDD+ được dịch ra tiếng Anh thành “Cứ đến rồi lại đi”. Việc này phần nào đề cập đến các quan chức REDD+ đến thăm, hứa hẹn hành động và tiền bạc, sau đó rời đi.
Tương lai của REDD ở Việt Nam
Chính phủ, trong khi đó, tập trung vào chính sách thuộc nội địa – vốn phần nào đó thành công hơn về phân bổ nguồn quỹ cho cộng đồng cho đến nay.
Nguyễn Thị Hải Vân, hiện đang theo học tiến sĩ tại Viện Địa lý Bền vững thuộc Đại học Lausanne, Thụy Sĩ, người đã thực hiện nghiên cứu Thạc sĩ về dự án thí điểm REDD+ ở Kon Tum được đề cập ở trên, giải thích qua email rằng tỉnh này cùng với Quảng Nam và Quảng Ngãi gần đó đã nhận được tiền từ Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn để chi trả cho cộng đồng địa phương bảo vệ rừng. Chương trình đặc biệt này được sự hỗ trợ từ Tổ chức FFI. Các quỹ này đã hỗ trợ các đội bảo vệ rừng của làng và sẽ thực hiện đến năm 2020.
Tuy nhiên, không rõ khi nào các khoản chi trả cho việc giảm lượng cacbon – mục tiêu cuối cùng của REDD – sẽ trở thành hiện thực. “Các vấn đề về sự nảy sinh do thiếu kết nối giữa dự án REDD+ ở địa phương và hệ thống chương trình REDD+ quốc gia cũng như thiếu khung pháp lý để bán tín dụng cacbon”, Hải Vân cho biết.
Điều này nêu bật một trong những thách thức mang tính cơ cấu của REDD+ bao gồm các tầng quốc tế, quốc gia và tỉnh tương ứng với Liên hợp quốc, chính phủ trung ương tại Hà Nội và chính quyền địa phương.
Theo Phó giáo sư McElwee, “chính phủ Việt Nam hào hứng hơn nhiều về các khoản chi trả từ trong nước cho các chương trình dịch vụ môi trường. Họ luôn luôn có mặt trên đường đua kép, trong đó các khoản chi trả cho các dịch vụ hệ sinh thái là chuyện của trong nước còn REDD+ là một hoạt động quốc tế được thúc đẩy bởi các nhà tài trợ nước ngoài. Tôi không nhìn thấy sự nhiệt tình ở REDD+”.
Tuy nhiên, khi Việt Nam bước vào Pha II, không rõ REDD+ sẽ mang lại lợi ích rõ rệt đến mức nào cho quản lý lâm nghiệp quốc gia. Với lệnh cấm khai thác gỗ có hiệu lực, tham nhũng là một vấn đề lớn khi nói đến buôn bán gỗ xuyên biên giới của Việt Nam, và đổ tiền vào một ngành có tham nhũng sẽ không giải quyết được những vấn đề như vậy.
Tổng diện tích che phủ rừng của Việt Nam tăng từ 42% năm 2005 lên 48% năm 2016, theo FAO. Tuy nhiên, Báo cáo Đánh giá tài nguyên rừng toàn cầu năm 2015 rất chi tiết của cơ quan này cho thấy phần lớn sự tăng trưởng ở dạng rừng trồng trong khi các khu rừng già bị thu hẹp. Đánh giá tiếp theo sẽ được công bố vào năm 2020.
McElwee giải thích điều này đã tạo ra một ngành lâm nghiệp gồm hai lớp, một được tạo thành từ các khu rừng chất lượng thấp do các hộ sản xuất nhỏ và các đồn điền quản lý, một là rừng tự nhiên chất lượng cao được nhà nước quản lý. McElwee cho rằng REDD+ đã không tính đến hệ thống này.
“Cho đến nay, REDD+ đã cung cấp các khoản chi trả cho các cộng đồng địa phương nhỏ dù họ có phải là người điều khiển nạn phá rừng thực sự hay không. Và nếu họ không phải là động lực, chương trình sẽ không tạo ra bất kỳ sự khác biệt nào”.
Nhật Anh (Theo Mongabay)