Cá thể Vích quý hiếm mắc lưới, người dân tự nguyện chuyển giao

BVR&MT – Ngày 17/4 vừa qua, Chi cục Thủy sản Khánh Hòa đã tiến hành tiếp nhận một cá thể Vích, nặng 9,5kg được người dân tự nguyện chuyển giao. Cá thể Vích này sau đó đã được thả về vùng biển ở địa phương.

Cá thể Vích được thả về tự nhiên.

Trước đó, Trung tâm Giáo dục Thiên nhiên (ENV) nhận được thông báo của người dân mong muốn chuyển giao một cá thể Vích qua đường dây nóng 1800-1522.

Được biết, cá thể rùa đã mắc vào lưới khi người ngư dân đang đánh bắt cá. Sau khi nhận được tin, ENV đã làm việc với Chi cục Thủy sản Khánh Hòa để nhanh chóng tiếp nhận rùa.

Cá thể Vích trên mai có khắc chữ giống chữ Trung Quốc tại vùng biển Tiền Hải – Thái Bình.

Cũng trong ngày 17/4 tại vùng biển thuộc xã Đông Minh (Tiền Hải – Thái Bình) một số ngư dân đã bắt được một con Vích vàng cách bờ khoảng 200m, con Vích này nặng khoảng 6kg. Đặc biệt, trên mai của con Vích này có khắc chữ giống chữ Trung Quốc và có ký tự. Sau đó, người dân đã đưa con Vích ra xa bờ để thả về với tự nhiên.

​Thời gian vừa qua, đã có nhiều trường hợp các loài rùa biển quý hiếm mắc vào lưới ngư dân trong lúc đánh bắt cá. Sau đó, không ít người đã liên hệ các cơ quan chức năng địa phương và tự nguyện chuyển giao những cá thể rùa này, góp phần đưa chúng trở về môi trường tự nhiên. Đây là một tín hiệu đáng mừng cho thấy nhận thức ngày càng tăng của người dân trong vấn đề bảo vệ rùa biển nói riêng và các loài động vật hoang dã ở Việt Nam nói chung.

Vích là một trong 5 loài rùa biển hiện đang sinh sống tại Việt Nam bên cạnh Quản đồng, Đồi mồi dứa, Đồi mồi và Rùa da. Tất cả các loài rùa biển tại Việt Nam đều là loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ theo Nghị định 160/2013/NĐ-CP. Mọi hành vi săn bắt, giết, nuôi, nhốt, tàng trữ, vận chuyển, buôn bán trái phép rùa biển hoặc bộ phận, sản phẩm của chúng đều là hành vi vi phạm pháp luật nghiêm trọng và có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo Điều 244 BLHS với hình phạt lên đến 15 năm tù.

Đình Tưởng