BVR&MT – Năm 2017, được đánh giá là năm thành công đối với các sản phẩm nông sản của tỉnh ta, nhiều nông sản của tỉnh được cấp văn bằng bảo hộ. Trong đó, sản phẩm cà phê được Cục Sở hữu trí tuệ – Bộ Khoa học và Công nghệ cấp văn bằng chỉ dẫn địa lý, đây là lợi thế để tỉnh ta khẳng định thương hiệu cà phê Sơn La; theo đó, cây cà phê trở thành một trong những loại cây trồng đem lại hiệu quả kinh tế.
Theo thống kê, toàn tỉnh hiện có trên 12.000 ha trồng cà phê, chủ yếu tập trung tại Mai Sơn, Thuận Châu, Yên Châu, Sốp Cộp và thành phố; sản lượng cà phê tươi khoảng 200.000 đến 250.000 tấn, sản lượng cà phê nhân ước đạt 40.000-45.000 tấn. Sản phẩm cà phê nhân đã được xuất khẩu sang thị trường Mỹ, Nhật, EU và một số nước khác; được đánh giá cao về chất lượng và hương vị. Tuy nhiên, do sử dụng nhiều loại phân bón, thuốc trừ sâu trong quá trình canh tác nên người nông dân ngày càng có nguy cơ cao bị phơi nhiễm với hóa chất trong khi phun thuốc. Người dân quanh khu vực trồng cà phê cũng bị ảnh hưởng bởi dư lượng hóa chất trong không khí và nước; chi phí để chăm sóc cây cà phê cao dẫn đến hiệu quả kinh tế giảm. Trước thực tế này, một số nơi bà con đã áp dụng phương pháp canh tác cà phê theo hướng hữu cơ.
Là một trong những hộ đầu tiên canh tác cà phê theo hướng hữu cơ, ông Vì Văn Tâm, bản Áng, xã Chiềng Ban, huyện Mai Sơn, chia sẻ: Trước đây, gia đình tôi trồng cà phê theo phương pháp truyền thống, mỗi vụ cà phê phải đầu tư chi phí rất lớn về phân bón và thuốc trừ sâu nên lợi nhuận thu được không cao. Từ khi chuyển sang canh tác cà phê theo hướng hữu cơ, cây cà phê được bón bằng phân chuồng đã ủ hoai mục và tận dụng nguồn phế phụ phẩm thải từ quả cà phê để tự sản xuất phân hữu cơ nên giảm được chi phí đầu vào. Hơn nữa, việc hạn chế sử dụng thuốc bảo vệ thực vật và phân bón hóa học sẽ góp phần bảo vệ môi trường và sức khỏe của người dân trong vùng.
Cũng sử dụng phương pháp canh tác cây cà phê theo hướng hữu cơ, ông Tòng Văn Chiến, bản Hôm, xã Chiềng Cọ (Thành phố) cho biết: Từ khi canh tác theo hướng hữu cơ, ngoài việc hạn chế phân bón hóa học và thuốc bảo vệ thực vật, vườn cà phê của gia đình còn sử dụng các biện pháp quản lý cây trồng và dịch hại tổng hợp nên hạn chế sâu bệnh. Các loại sâu bệnh gây hại cho cây được sử dụng thuốc thảo mộc hoặc thuốc có nguồn gốc sinh học để phòng trừ như Ketomium, Cheatomium… Bên cạnh đó, gia đình tôi còn trồng xen một số loại cây ăn quả lâu năm để bảo đảm tính đa dạng thực vật trong hệ sinh thái cây cà phê. Các công việc như: làm cỏ, tỉa cành chồi tạo tán đều được làm thủ công và thường xuyên, không ảnh hưởng tới sinh trưởng phát triển của cây. Quá trình thu hoạch và chế biến được thực hiện kịp thời, không hái quả xanh, non, thu dọn hết tàn dư trên vườn nên hạn chế được sâu bệnh.
Để phát triển cà phê bền vững, hướng đến sản xuất theo hướng hữu cơ, vấn đề đặt ra là cần có sự liên kết giữa các hộ tham gia mô hình sản xuất cà phê hữu cơ; các hợp tác xã, tổ hợp tác sản xuất cà phê cần xây dựng định hướng hoạt động, sản xuất và đề ra phương án cụ thể về vấn đề tiêu thụ sản phẩm để các doanh nghiệp thực hiện việc thu mua của nông dân theo hợp đồng và giá hợp lý, đảm bảo lợi ích của người trồng cà phê. Trong sản xuất chế biến, người dân cam kết tuân thủ đúng yêu cầu kỹ thuật, tạo ra sản phẩm có thương hiệu, đạt tiêu chuẩn chất lượng. Các ngành, đơn vị liên quan cần đánh giá hiệu quả mô hình thâm canh cà phê theo hướng hữu cơ, đẩy mạnh việc hướng dẫn khoa học kỹ thuật, chuyển giao công nghệ trong canh tác cà phê cho nông dân thông qua việc tổ chức tập huấn, hướng dẫn sử dụng phân hữu cơ sinh học để bón cho cà phê, phòng trừ sâu bệnh hại bằng các loại thuốc sinh học; liên kết giữa các nhà cung ứng đầu vào với người sản xuất.
Với sự biến đổi khí hậu ngày càng theo chiều hướng tiêu cực, việc thâm canh cà phê theo hướng hữu cơ không những nâng cao trình độ nhận thức, kỹ thuật trồng, chăm sóc cà phê cho các hộ nông dân, đặc biệt là các hộ đồng bào dân tộc, mà còn góp phần bảo vệ môi trường, giữ được độ phì nhiêu của đất, nâng cao hiệu quả kinh tế sản xuất cà phê, từng bước đưa sản phẩm cà phê Sơn La vươn ra các thị trường lớn trong và ngoài nước.