Cà phê Đắk Lắk được giá, được mùa

BVR&MT – Nông dân tỉnh Đắk Lắk – Thủ phủ cà phê của cả nước đang vào cao điểm mùa thu hoạch cà phê niên vụ 2023 – 2024. Năm nay, cà phê được giá, được mùa, nông dân Đắk Lắk rất phấn khởi.

Nông dân Đắk Lắk thu hoạch cà phê niên vụ 2023 – 2024.

Gia đình anh Y Yuin Niê ở buôn Đing, xã Cư Dliê M’nông, huyện Cư M’Gar trồng hơn 1 ha cà phê. Thu nhập chính của gia đình từ vườn cà phê, do đó khi giá cà phê tăng cao, gia đình anh rất vui. Anh Y Yuin Niê chia sẻ, giá cà phê tươi hiện dao động khoảng 11.000 đồng/kg, cao hơn năm trước 3.000 đồng/kg. Giá cà phê nhân cao gấp 1,5 lần so với năm trước. Giá cà phê tăng cao khiến gia đình anh và người dân trong buôn rất phấn khởi. Giá cao, sau khi trừ chi phí, gia đình anh có lãi để tiếp tục đầu tư vào vườn cà phê.

Gia đình chị Trần Thị Thảo ở xã Ea Tóh, huyện Krông Năng năm nay được mùa, được giá cà phê. Với 1 ha cà phê, gia đình chị dự kiến thu được 4 – 5 tấn cà phê nhân. Theo chị Thảo, thời tiết năm nay tương đối thuận lợi, cây cà phê được chăm sóc tốt, với giá cả như hiện nay, bà con nông dân sẽ yên tâm gắn bó với cây cà phê.

Chị Trần Thị Thảo cho biết, sau 3 năm chuyển sang sản xuất cà phê theo hướng hữu cơ, sản lượng vườn cà phê của gia đình chị tăng, quả chín đều hơn, thuận lợi cho thu hái. Bên cạnh đó, giá bán cà phê nhân của gia đình cao hơn thị trường 11.000 đồng/kg, lan tỏa giá trị và mang lại động lực cho nông dân trên địa bàn huyện về sản xuất cà phê sạch, cà phê chất lượng cao.

Ông Triệu Văn Phúc ở xã Cư Suê, huyện Cư M’Gar chia sẻ, gắn bó với cây cà phê hơn 30 năm nay, gia đình ông thấy rõ lợi ích của việc tái canh cà phê và tham gia vào hợp tác xã. Ông Phúc mong muốn, giá cà phê giữ ổn định trên 50.000 đồng/kg cà phê nhân để người dân đủ chi phí trang trải tiền nhân công, tiền phân bón và có lãi.

Cà phê là sản phẩm nông nghiệp chủ lực trong cơ cấu nền kinh tế của tỉnh Đắk Lắk, là cây trồng gắn bó lâu đời với người dân trên địa bàn tỉnh. Tỉnh Đắk Lắk hiện có 212.915 ha cà phê. Dự kiến, sản lượng cà phê niên vụ 2023 – 2024 đạt trên 570.000 tấn, tăng hơn 5% so với niên vụ trước. Giá cà phê đang dao động trên 60.000 đồng/kg cà phê nhân.

Theo đánh giá của ngành nông nghiệp tỉnh, sản lượng cà phê tăng do vụ mùa cà phê năm nay gặp nhiều thuận lợi, mưa không nhiều, nắng đồng đều, chất lượng cà phê tương đối đảm bảo. Bên cạnh đó, nhiều diện tích tái canh cà phê ứng dụng giống mới đã được thu hoạch, góp phần tăng năng suất, giá trị, sản lượng cà phê. Ngoài ra, trong năm nay, giá cà phê ở mức cao nên người dân quan tâm đầu tư, chăm sóc cho vườn cây khá tốt, mang lại triển vọng lạc quan cho ngành hàng cà phê và bà con sản xuất cà phê.

Phơi cà phê sau thu hoạch.

Năm nay, giá nhân công thu hái cà phê trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk dao động khoảng 250.000 – 300.000 đồng/người/ngày, cao hơn các năm trước. Để tránh tình trạng khan hiếm nhân công, ảnh hưởng đến chất lượng cà phê, nhiều địa phương, nông dân đã chủ động các giải pháp đảm bảo nguồn nhân công thu hoạch cà phê.

Anh Y Yuin Niê, buôn Đing, xã Cư Dliê M’nông, huyện Cư M’Gar chia sẻ, với 1 ha cà phê, gia đình anh cần khoảng 50 công thu hái. Ngay từ đầu vụ, gia đình anh đã chủ động đi thu hái đổi công cho người thân trong họ hàng và người dân trong buôn, như vậy vừa luân phiên thu hoạch, nhà nào chín nhiều thì hái trước, vừa không sợ thiếu nhân công thu hái cà phê.

Huyện Cư M’Gar có diện tích cà phê lớn nhất tỉnh Đắk Lắk với 38.457 ha. Năm nay, dự kiến sản lượng cà phê của huyện đạt khoảng 84.200 tấn. Sau đại dịch COVID-19, huyện có số lượng lớn người dân làm việc ở các tỉnh, thành phố phía Nam về sinh sống, ở lại địa phương. Bên cạnh đó, người dân trên địa bàn huyện nâng cao trách nhiệm trong thu hoạch cà phê, hái quả chín, không thu hoạch ồ ạt như những năm trước, không dồn công, giảm áp lực về nhân công trong mùa vụ thu hoạch cà phê.

Phó Chủ tịch UBND huyện Cư M’Gar Nguyễn Công Văn cho biết, ngay từ đầu vụ thu hoạch, địa phương đã tuyên truyền, hướng dẫn người dân tiến hành thu hái rải vụ, thu hoạch quả chín, như vậy vừa bảo đảm nhân công thu hái, vừa bảo đảm được chất lượng cà phê, đáp ứng nhu cầu của thị trường. Cùng với đó, huyện vận động các hộ gia đình tự liên kết lại với nhau thành lập các tổ đổi công thu hái cà phê, đây là cách làm hiệu quả tránh tình trạng khan hiếm nhân công thu hái cà phê.

Theo Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Đắk Lắk Nguyễn Hoài Dương, một trong những giải pháp khắc phục tình trạng thiếu nhân công mà ngành triển khai là kêu gọi nông dân tái canh những vườn cây cà phê già cỗi. Trước đây, nông dân sử dụng những loại giống khác nhau dẫn đến vườn cà phê chín không đồng đều. Sau khi tái canh cà phê, bà con sử dụng những giống mới đồng nhất, do đó vườn cà phê chín khá đồng đều, một vụ chỉ thu hoạch 2 – 3 lần, giảm áp lực nhân công.

Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Đắk Lắk Nguyễn Hoài Dương nhấn mạnh, thời gian tới, các địa phương cần đề cao dự báo, nghiên cứu dự báo nguồn cung lao động để chủ động phương án nhân công thu hoạch cà phê. Ngoài ra, trên địa bàn tỉnh cần có đơn vị hoặc tổ chức làm dịch vụ điều phối lao động, đào tạo chuyên nghiệp cho lực lượng nhân công để vừa tạo năng suất cao trong lao động, vừa bảo đảm yêu cầu kỹ thuật để sản phẩm cà phê sau thu hoạch đạt chất lượng tốt nhất.

Ngành nông nghiệp tỉnh Đắk Lắk cũng kỳ vọng, với giá cà phê tăng cao như hiện nay, nông dân trồng cà phê chú trọng sản xuất cà phê chất lượng cao, cà phê có chứng nhận, liên kết hợp tác trong sản xuất, chế biến và tiêu thụ cà phê, góp phần nâng cao uy tín, chất lượng sản phẩm cà phê Buôn Ma Thuột nói riêng, cà phê Đắk Lắk nói chung.