Cà phê bẩn, thuốc ung thư than tre: Đau lòng khi người Việt đang tự “giết” nhau !?

BVR&MT – Vụ vỏ cà phê về nhuộm lõi pin bán hàng tấn ra thị trường, những vụ thuốc giả, thuốc kém chất lượng gây sốc dư luận như thực phẩm chức năng (TPCN) Vinaca ung thư dạng thuốc viên nén làm từ bột than tre vừa phát hiện ở Hải Phòng, gây rúng động dư luận mấy ngày vừa qua chỉ là một vài trong muôn vàn vụ việc vừa được phát hiện.

Ảnh minh họa.

Ngày 16/4, Phòng Cảnh sát Môi trường kiểm tra, bắt quả tang cơ sở chế biến kinh doanh nông sản của bà Nguyễn Thị Thanh Loan đang pha trộn tạp chất vào cà phê. Chủ cơ sở khai mua cà phê thải loại, phế phẩm và cả vỏ cà phê về nhuộm đen, đóng gói bán ra thị trường. Tại kho, lực lượng chức năng phát hiện hàng chục tấn cà phê bên trong có lẫn đất, đá… Đáng nói, có tới 12 tấn cà phê được nhuộm đen bằng pin. Tại hiện trường, cơ quan chức năng còn phát hiện 02 chậu chứa 35kg vỏ pin được đập vụn, 01 xô chứa lõi pin, 01 xô chứa nước màu đen và nắp pin với trọng lượng 10kg. Qua đấu tranh, chủ cơ sở khai đã mua cà phê thải loại, phế phẩm vỏ cà phê, cà phê vụn, sau đó mua các cục pin về đập lấy lõi hòa với nước để nhuộm cà phê. Sau khi nhuộm, cà phê được sấy khô, đóng báo bán ra thị trường.

Trước đó chỉ vài ngày, vào ngày 08/04/2018, Công an quận Kiến An, TP Hải Phòng đã kiểm tra cơ sở sản xuất thực phẩm chức năng và hóa mỹ phẩm do bà Đào Thị Chúc (trú phường Ngọc Sơn, quận Kiến An) và phát hiện các công nhân tại đây đang đổ bột than tre tán mịn vào các ruột vỏ thuốc con nhộng, đóng gói bán cho bệnh nhân ung thư. Lực lượng công an xác định cơ sở này có 10 công nhân làm việc dưới sự quản lý của Chúc. Các sản phẩm gồm: Vinaca Vi5 (loại 874 ml), Vinaca ung thư CO3.2, Baby Vinaca Vi6, Vinaca Activated Carbon đa dụng, Vinaca vi lượng (nhỏ mũi), Vinaca đa dụng và một số chất bột cùng chất lỏng không nhãn mác khác.

Cùng với đó, nhiều ngày trước hang loạt vụ thực phẩm bẩn, thuốc chữa bệnh giả bị phanh phui khiến người dân thực sự hoang mang sợ hãi. Nhiều người thực sự đặt câu hỏi khi các loại thuốc, thực phẩm chức năng ảnh hưởng trực tiếp tới sức khỏe người dân lại có thể làm giả và không bị cơ quan chức năng phát hiện. Mà mặt hàng này hẳn là không được đem bán như mớ rau mớ tép ở lề đường hay vỉa hè, mà phải đưa vào hệ thống nhà thuốc, cơ sở y tế chứ. Vụ việc cũng chỉ do cơ quan công an và lực lượng quản lý thị trường lật tẩy chứ đâu phải từ cơ quan cấp phép. Nói cách khác là phép cứ cấp nhưng thực tế người ta làm gì thì chịu.

Nhưng đấy không phải là chuyện riêng có ở Hải Phòng vì xét trên bình diện quốc gia thì TPCN giả, thuốc giả, thuốc kém chất lượng, thực phẩm bẩn lâu nay đã là thảm trạng. Ngay như chuyện thuốc giả điều trị ung thư H-Capita do Công ty Cổ phần VN Pharma nhập lậu từng gây bàng hoàng dư luận cũng được nhiều chuyên gia về dược học khẳng định chỉ là một chuyện nhỏ thôi trong thảm trạng về mặt trái của công tác quản lý dược ở nước ta.

Người bệnh trước khi cực chẳng đã phải “vái tứ phương” thì hầu hết chỉ trông chờ vào toa thuốc từ các bệnh viện và hệ thống nhà thuốc do ngành y tế cấp phép. Nếu ngành y tế vẫn mãi loay hoay với việc xử lý cái ngọn với từng vụ việc cụ thể thì người bệnh hẳn sẽ vẫn khó thoát thân phận là cái túi hứng TPCN giả, thuốc giả, thuốc kém chất lượng.

Vấn nạn thuốc giả, thực phẩm bẩn đang đe dọa đời sống, sức khỏe của hàng triệu người dân Việt có nhiều nguyên nhân. Trong đó, đáng lo ngại nhất vẫn là lòng tham của nhà sản xuất, người cung cấp hàng hóa, chế biến… khi sử dụng các loại hóa chất cấm không có trong danh mục được sử dụng để chế biến hàng hóa nhằm thu lợi bất chính, mà các biện pháp quản lý, chế tài chưa giải quyết hay cải thiện được tình hình. Chúng ta hay nói nhiều đến tình trạng thực phẩm bẩn tràn lan từ chợ, tới cửa hàng, lề phố, với mẹt rau được phun hóa chất xanh um nõn mượt của bà hàng xén bán rau tới tô bún được chế biến bằng… muôn chủng loại hóa chất.

Họ thật sự đáng giận, đáng trách, vì lòng tham trước mắt đã trực tiếp và âm thầm đầu độc người tiêu dung. Hơn thế, điều đáng lo ngại là với con số mà các cơ quan liên bộ cung cấp từ kết quả phối hợp kiểm tra nêu trên, liệu chúng ta đã có nhận thức rằng: Vậy, Nhà nước có thể có chế tài, quản lý, giám sát gì đối với hoạt động sản xuất thực phẩm bẩn, thuốc giả của các cơ sở như vừa bị phát hiện? Chắc chắn rằng khi chưa có biện pháp, chế tài để quản lý phù hợp, cả một thị trường 95 triệu dân rõ ràng vẫn sẽ còn thấp thỏm không biết ngày mai, ngày kia, các nhà kinh doanh nhập khẩu hóa chất công khai, bán công khai và nhập lậu, sẽ còn tung ra thị trường những loại thuốc giả nào, loại thực phẩm gì mang danh chữa bệnh, phục vụ đời sống con người nhưng thực tế được dùng vào cung cấp cho các mục tiêu trục lợi bất chính, âm thầm đầu độc con người.

Chúng ta vừa ích kỷ, vừa tàn nhẫn, độc ác. Có ai dám chắc, gia đình, người thân chúng ta chả bao giờ ăn phải thực phẩm bẩn đang đầy rẫy ngoài thị trường kia, có ai dám chắc rằng chúng ta sẽ uống phải những loại thuốc còn độc hơn cả thuốc độc vì được làm giả kia? Sự thật là, không một ai dám chắc được điều đó, bởi chúng ta đang sống trong cộng đồng, trong một xã hội rộng lớn chứ không phải chỉ thu hẹp trong một gia đình bé nhỏ. Đó là sự ích kỷ của chúng ta. Chúng ta độc ác, tàn nhẫn bởi chúng ta sẵn sàng bỏ mặc đồng loại chết dần dần, miễn làm sao, thực phẩm làm ra bán được hết, tiền thu về thật nhiều, còn hại đến đâu không còn là câu chuyện của mình. 

Mảnh đất sống cho sự lương thiện ở những việc làm cụ thể như thế này gần như hẹp lại. Khi niềm tin không còn, nó huỷ hoại tất cả mọi thứ. Nó huỷ hoại từ những gì cầm nắm đến những giá trị vô hình. Nó huỷ hoại cả một nền nông nghiệp, gieo những cái chết vô hình, huỷ hoại niềm tin, huỷ hoại luôn cả những nỗ lực làm nên điều tốt đẹp trong lĩnh vực ấy. Không ít người dân Việt Nam không còn niềm tin vào thực phẩm, các loại thuốc “đồng loại” bán cho mình.

Rõ ràng, khi thực phẩm bẩn lên ngôi, khi các loại thuốc giả được các gian thương tung ra thị trường đã đục khoét niềm tin của người dân, khi ‘lợi nhuận’ trở thành công cụ duy nhất để người Việt bái ngưỡng thì cơ chế luật pháp và những cơ quan chức năng trong cơ chế hoàn toàn không thể vô tội.

Thực phẩm bẩn từ đâu ra? Mức xử phạt có thực sự răn đe? Người bị phạt có hoàn toàn nhận thức được hành vi của mình? Tại sao thực phẩm và các loại thuốc bẩn vẫn công khai mua bán vận chuyển mặc dù có hẳn đội ngũ cùng hệ thống kiểm soát thị trường dày đặc mà vẫn lọt đến như thế? Rõ ràng, tính không nghiêm pháp luật, tham nhũng vặt trong hệ thống công quyền gián tiếp tạo điều kiện cho thực phẩm bẩn tràn lan, đưa đến sự tổn hại của niềm tin trong người tại Việt Nam.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam trong phiên họp ngày 16/04/2018 đã không khỏi bức xúc trước những thông tin này. Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã yêu cầu thống nhất quan điểm tất cả các hành vi sản xuất kinh doanh hàng giả, thuốc giả, thực phẩm chức năng giả, thực phẩm giả liên quan đến sức khỏe con người đều cần được lên án mạnh mẽ và xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật, đặc biệt là các sản phẩm liên quan đến điều trị, hỗ trợ điều trị các bệnh nan y. Người bệnh khi mắc các bệnh nan y phải được điều trị, hỗ trợ điều trị bằng những sản phẩm có chất lượng để không ảnh hưởng đến sức khỏe, tính mạng. Bộ Y tế thảo luận, có tiếng nói để tránh tình trạng các sản phẩm dược, thực phẩm chức năng được tung ra thị trường. Đây là trách nhiệm của Bộ Y tế, không thể đứng ngoài và vô can như trong những vụ việc trước.


Minh Ngọc