Cá nước ngọt khổng lồ giảm hơn 94% sau 4 thập kỷ

BVR&MT – Theo một nghiên cứu mới công bố trên Tạp chí Global Change Biology, các loài cá khổng lồ nước ngọt – có trọng lượng hơn 30 kg và có tuổi thọ nhiều thập kỷ – đã giảm hơn 94% trong khoảng thời gian 1970-2012.

Nghiên cứu này là một phần của phân tích quần thể động vật nước ngọt khổng lồ ở các sông hồ trên thế giới.

Sự sụt giảm phản ánh xu hướng đi xuống ở quy mô rộng hơn trong quần thể megafauna nước ngọt – chẳng hạn cá sấu caiman và kỳ nhông khổng lồ – trên khắp thế giới. Các tác giả ước tính rằng quần thể động vật nước ngọt khổng lồ đã giảm 88%.

Cá tra dầu sông Mê Công đang trên bờ vực tuyệt chủng. (Ảnh: Zeb Hogan/EPA).

“Kết quả gây sốc này thật sự đáng buồn”, He Fengzhi, nhà sinh thái học chuyên nghiên cứu về cá thuộc Viện sinh thái nước ngọt và thủy sản nội địa Leibniz, Berlin và là tác giả chính của nghiên cứu, chia sẻ.

Nhóm nghiên cứu ước tính rằng quần thể megafauna bắt đầu giảm vào thập niên 1980 trên khắp châu Á – bao gồm Campuchia, miền nam Trung Quốc, Ấn Độ và Afghanistan – và giảm tới 99%.

Nhóm nghiên cứu đã thu thập dữ liệu về quần thể của 126 loài nước ngọt lớn ở 72 quốc gia, phân tích dữ liệu bằng cách sử dụng Chỉ số hành tinh sống (Living planet index) – một biện pháp thống kê điều chỉnh sự mất cân bằng về lượng thông tin từ các khu vực khác nhau.

Họ dự đoán cá khổng lồ sẽ bị ảnh hưởng nặng nề nhất từ các hoạt động của con người như đánh bắt quá mức và mất sinh cảnh bởi nhiều loài cá khổng lồ trưởng thành muộn, sinh sản tương đối ít cá thể con và cần sinh cảnh lớn, nguyên vẹn để di cư. Hoạt động của chúng ngày càng bị các đập thủy điện trong các lưu vực sông lớn nhất thế giới như sông Mê Công, Congo, Amazon và sông Hằng cản trở.

Trong số hơn 200 loài động vật nước ngọt trên thế giới có trọng lượng hơn 30 kg, tới 34 loài được xếp vào nhóm cực kỳ nguy cấp trong Sách đỏ IUCN.

He Fengzhi cảnh báo rằng các nhà nghiên cứu không có đủ thông tin về nhiều loài nước ngọt lớn để xác định tình trạng bảo tồn của chúng. Nếu các nhà khoa học có dữ liệu chính xác về quần thể các loài động vật, họ có thể giúp phục hồi một số loài có nguy cơ tuyệt chủng.

Nhà sinh vật học thuộc Viện sinh thái nước ngọt và thủy sản nội địa Leibniz hy vọng rằng những phát hiện của nhóm nghiên cứu sẽ gợi mở cho những đánh giá chi tiết hơn ở những nơi như Đông Nam Á trước khi quá muộn.

“Tôi thực tâm cho rằng tình hình ở lưu vực sông Mê Công còn tồi tệ hơn chúng ta nghĩ. Ở đó, những loài như cá tra dầu và cá chép hồi khổng lồ sông Mê Công gần như đã bị xóa sổ”.

Nhật Anh (Theo Nature)