Cà Moong – Bản nơi sơn cùng thủy tận

BVR&MT – Nằm lọt thỏm giữa lòng hồ thủy điện Bản Vẽ, Cà Moong là bản xa xôi, khó khăn bậc nhất của xã Lượng Minh (huyện Tương Dương, Nghệ An). Cuộc sống nghèo đói quanh năm đè nặng lên vai những đứa trẻ “ăn chưa no, lo chưa tới” nơi bản làng vùng sâu vùng xa, biệt lập với thế giới bên ngoài này.

Đường vào bản Cà Moong.

Từ thị trấn Hòa Bình (huyện Tương Dương), vượt chặng đường hơn 20 cây số bằng ô tô chúng tôi có mặt tại bến đò Thượng Lưu. Sau gần 2 tiếng đồng hồ ngồi trên chiếc thuyền gỗ dài, tròng trành giữa lòng hồ thủy điện Bản Vẽ, chúng tôi cập vào một bến thuyền nhỏ để tiến vào Cà Moong.

Bản nơi “sơn cùng thủy tận”

Tại đây, chỉ tay theo con đường mòn dốc dếch, đất đá lởm chởm, bà chủ quán tạp hóa tạm bợ nổi bên lòng hồ cho biết phải mất hơn một tiếng đi bộ nữa chúng tôi mới có thể vào đến trung tâm bản Cà Moong.

Nghèo đói và thất học khiến những đứa trẻ Khơ-mú tại bản Cà Moong xa vời những ước mơ.

May sao, thời điểm chúng tôi lên bờ cũng vừa lúc một nhóm thanh niên trong bản Cà Moong đi làm nương về nên được ngồi ké xe máy. Những xe máy của đám trai bản “hết đát” gầm rú inh ỏi từ từ chuyển bánh xua tan cảnh vắng lặng giữa “sơn cùng thủy tận”. Vượt đường núi cheo leo, đất đá lởm chởm, có nơi gần như dựng đứng khiến những con ngựa sắt chở theo một người ngồi sau đành phải chào thua, không thể tiếp tục cuộc hành trình. “Đường sá đi lại khó khăn vậy nên người dân trong bản này mua được một chiếc xe máy về dùng cũng được 3-4 năm là hỏng”, Lô Văn Tám, chàng trai lái xe máy chở tôi phân trần.

Hỏi ra mới biết Tám sinh năm 1988, đã có vợ và hai đứa con thơ. Cuộc sống năm này qua năm khác của đôi vợ chồng trẻ chỉ biết canh tác trên nương rẫy. Tuy nhiên, từ bản vào đến rẫy nếu đi bộ, vợ chồng Tám cũng phải mất cả ngày đường. Thường ngày, vợ chồng anh lều, đưa con cái và đồ ăn vào ở để tiện canh tác. Hôm chúng tôi về đây, Tám cũng chèo xuồng từ rẫy về vì trưởng bản thông báo ngày hôm nay họp bản.

Để vào được bản Cà Moong, chỉ có con đường độc đạo trên vùng lòng hồ Bản Vẽ.

Đến đầu bản, những đứa trẻ người Khơ Mú đen đúa, ngơ ngác đến tội nghiệp. Thấy người lạ vào bản, chúng chỉ đứng từ xa chỉ trỏ rồi cười khúc khích, hỏi cái gì cũng lắc đầu “ăm nơng” (không biết). Tìm đến nhà phó bản Moong Văn Vinh để nắm rõ hơn về đời sống bà con dân bản, ông này cho biết: “Do sống giữa lòng hồ Bản Vẽ nên người Khơ Mú ở bản Cà Moong chủ yếu sinh sống bằng phát rẫy trồng lúa, ngô và bắt cá suối. Cuộc sống nghèo đói quanh năm khiến người Khơ Mú không mấy mặn mà với việc học hành của con cái”.

Rồi ông Vinh trăn trở: “Vì thiếu ăn, thiếu học, những đứa trẻ chưa kịp lớn lên đã kịp “xèo xáo” để lấy chồng, lấy vợ rồi sinh con đẻ cái. Cái vòng luẩn quẩn nghèo đói, thất học, tảo hôn cứ bám riết lấy người dân ở chốn này. Đôi vai gầy guộc nhỏ bé của trẻ em nơi bản làng vùng cao này cũng phải chìa ra để “gánh” một phần nỗi lo cơm áo”.

Bản nhiều “không”

Cà Moong là bản tái định cư công trình thủy điện Bản Vẽ. Theo thống kê của ông phó trưởng bản, từ bản Cà Moong, để ra trụ sở xã Lượng Minh phải mất gần 1 giờ đi bộ và chừng 20 phút đi thuyền. Xuống huyện phải mất thêm gần 2 giờ đi thuyền và gần một giờ chạy xe máy. Toàn bản có 136 hộ với hơn 600 nhân khẩu, chủ yếu là người Khơ Mú và đều là hộ nghèo. Tháng 3/2011, 136 hộ dân dọc lòng hồ Bản Vẽ của xã Lượng Minh đã di cư về đây nhường đất cho công trình thủy điện bậc nhất khu vực Bắc miền Trung. Ngoài phát rẫy, đốt rừng trồng lúa theo cách truyền thống và chăn nuôi được ít bò, người dân ở đây chẳng biết làm gì thêm.

Rít một hơi thuốc lào rõ kêu, phó bản Vinh nói thêm: “Cô chú vào tận đây thì thấy rõ đấy, ở bàn heo hút này còn không đường, không lưới điện, nguồn nước sinh hoạt thì khan hiếm. Hiện nhà cửa, đất sản xuất của các hộ dân trong bản vẫn chưa được cấp sổ đỏ và muốn canh tác họ phải trở về bản cũ cách nhà 5 cây số”.

Điểm trường tiểu học Cà Moong.

Được biết, Chính quyền huyện Tương Dương cũng như xã Lượng Minh đã có nhiều chính sách hỗ trợ phát triển giáo dục nơi đây. Là một bản nhỏ nhưng Cà Moong có một điểm trường tiểu học với 4 phòng học và một nhà học mầm non.

Khi chúng tôi đến thăm, thầy Lương Văn Huỳnh (SN 1979), tổ trưởng Điểm trường bản Cà Moong háo hức khi có khách lạ xuất hiện. Từ thị trấn Hòa Bình (huyện Tương Dương) thầy Huỳnh mới vào nhận công tác chính thức tại điểm trường này gần hai năm nay. Cùng với thầy Huỳnh, hiện điểm trường bản Cà Moong còn có 3 giáo viên dạy 98 học sinh tiểu học, 1 giáo viên dạy 32 học sinh mẫu giáo.

Dạo qua dãy nhà cấp 4, đập vào mắt chúng tôi là những phòng nội trú giáo viên được bố trí sơ sài, thiếu thốn trang thiết bị dạy học. Điện lưới, sóng điện thoại chưa thể tới nên thầy Huỳnh cũng như các giáo viên bám trụ tại điểm trường bản Cà Moong khổ đủ đường. Từ lúc chuyển về đây cắm bản để gieo con chữ, những thầy, cô giáo điểm trường này phải chấp nhận cảnh “mù và đói” thông tin.

Cần cái ăn hơn cái chữ

Nhưng, đó chưa phải là nỗi buồn nhất. Thầy Huỳnh nói, buồn nhất là người dân không quan tâm đến con chữ. Mùa làm rẫy, nhiều gia đình mang theo con, ở luôn trong đó, các thầy lại mất nhiều ngày lội vào rừng tìm, đưa về trường, vì không đưa về các thầy dạy ai. Người dân ở đây cần cái ăn hơn cái chữ. Hằng ngày, “cuộc chiến” kéo học sinh đến lớp của các giáo viên nơi đây hết sức gian nan bởi chưa cao bằng cây lúa trên rẫy, các em đã phải lên rừng với bố mẹ để kiếm cái ăn hàng ngày. Đêm tối, điện thắp sáng không có, những thầy cô ở đây phải dùng đèn pin để sinh hoạt, soạn giáo án. Không sửa được đường ống dẫn nước sinh hoạt nên bể chứa nước tại điểm trường này cạn khô, mỗi lần lên lớp xong, các thầy cô lại phải đi xa 3-4 cây số để xách nước về dùng.

Một góc bản Cà Moong.

Khó khăn, gian khổ là vậy nhưng với những thầy, cô giáo cắm bản họ luôn đặt trách nhiệm “trồng người lên hàng đầu”. Thầy Huỳnh nói, thầy cô vất vả đã đành, dân nghèo, nhìn học sinh thấy thương. Mùa đông, trên này lạnh lắm nhưng hầu hết chúng vẫn manh áo mỏng. Ăn uống kham khổ, lâu lâu mới có một bữa cơm có thịt. Ở bản Cà Moong, bữa ăn trưa của các cháu học sinh do cha mẹ mang đến từ sáng là xôi với chuối chín hoặc măng luộc, ít khi có trứng, thịt. Thương các cháu, các thầy cô phải nấu thêm nồi canh rau hoặc măng, mì tôm để các cháu dễ nuốt.

Chia sẻ về cuộc sống thường ngày, một cô giáo trẻ cho biết, ở một mình, cơm cũng khó nuốt nên cứ mì tôm cho tiện. “Khi mới đến, em nhìn đâu cũng chỉ thấy toàn núi rừng, thời gian đầu cũng rất buồn và nhớ nhà nhưng lâu dần rồi cũng thành quen. Đêm đến, sóng điện thoại chập chờn chả biết làm gì nên chúng em soạn bài xong rồi chỉ biết đi ngủ sớm”.

Duy Ngợi – Thái Tuấn