Cà Mau: Trùm vận chuyển động vật hoang dã lĩnh án 13 năm tù giam

BVR&MT – Tòa án nhân dân tỉnh Cà Mau vừa tuyên phạt tổng cộng 37 năm tù giam cho 4 đối tượng liên quan đến đường dây mua bán, vận chuyển động vật hoang dã xuyên quốc gia.

Tê là loài thường xuyên bị các đối tượng mua bán vận chuyển trái phép
Ảnh minh họa.

Chiều 13/05/2020, Tòa án nhân dân tỉnh Cà Mau vừa tuyên phạt bị cáo Trần Quý, Giám đốc Công ty TNHH Hải Đăng 13 năm tù giam và phạt bổ sung 100 triệu đồng cho vai trò người tổ chức hoạt động vận chuyển trái phép động vật hoang dã (ĐVHD) nguy cấp, quý, hiếm. Ba bị cáo khác liên quan đến vụ án cũng bị kết án bao gồm: bị cáo Nguyễn Hải Nam (12 năm tù giam và phạt bổ sung 50 triệu đồng), bị cáo Lê Việt Lĩnh (10 năm tù giam) và bị cáo Ngô Vũ Lâm (Cán bộ kiểm lâm – 2 năm tù giam, về tội “Giả mạo trong công tác”).

Trước đó, tháng 1/2018, Đồn Biên phòng Đất Mũi đã phát hiện 114 cá thể tê tê Java (Manis javanica) và hơn 300 kg vảy tê tê Java (Manis javanica) được vận chuyển trái phép bằng tàu không số trên vùng biển Cà Mau. Sau khi vụ án bị phát hiện, Ủy ban nhân dân tỉnh Cà Mau cũng chỉ đạo các ban ngành có liên quan tiến hành thanh, kiểm tra hoạt động nuôi nhốt ĐVHD của Công ty TNHH Hải Đăng. Theo kết quả thanh tra của Ủy ban nhân dân tỉnh Cà Mau, Công ty TNHH Hải Đăng (do bị cáo Trần Quý là Giám đốc) đăng ký thực hiện dự án đầu tư du lịch kết hợp nuôi động vật hoang dã (ĐVHD) trên cụm đảo Hòn Khoai (thuộc tỉnh Cà Mau). Mặc dù được cấp phép cho hoạt động du lịch nhưng Công ty TNHH Hải Đăng không xây dựng các hạng mục công trình như trong báo cáo ban đầu và cũng không có bất kỳ hoạt động du lịch nào trên đảo mà chỉ thực hiện nuôi ĐVHD với mục đích xuất bán.

Bị cáo Trần Quý trước đó cũng được biết đến là một mắt xích quan trọng, đầu mối chuyên hỗ trợ các đối tượng buôn bán, vận chuyển ĐVHD trái phép từ nước ngoài về Việt Nam. Theo một số nguồn tin, cụm đảo Hòn Khoai thường được đối tượng sử dụng như một địa điểm tập kết ĐVHD sau khi vận chuyển trái phép từ nước ngoài về bằng đường “tàu cá” trước khi tiếp tục được vận chuyển bằng đường bộ đi tiêu thụ.

Ngay sau khi tiếp nhận thông tin về vụ việc Trung tâm Giáo dục Thiên nhiên (ENV) đã nhiều lần kiến nghị các cơ quan tiến hành tố tụng tỉnh Cà Mau xem xét, làm rõ vai trò của các đối tượng có liên quan, đặc biệt là đối tượng Trần Quý để xử lý nghiêm các đối tượng theo quy định tại Khoản 3 Điều 244 Bộ luật Hình sự 2015, sửa đổi bổ sung 2017 (“BLHS”).

Bà Bùi Thị Hà- Phó giám đốc ENV cho rằng: “Việc bắt giữ, khởi tố, truy tố và xử lý các đối tượng trong vụ án vận chuyển trái phép 114 cá thể tê tê là một thành công rất lớn các cơ quan chức năng tỉnh Cà Mau. Vụ án không chỉ thể hiện nỗ lực không ngừng nghỉ của các cơ quan chức năng trong việc chứng minh tội phạm mà còn khẳng định không có “vùng cấm” trong việc xử lý vi phạm về ĐVHD. ENV chúc mừng thành công của các cơ quan chức năng, cơ quan tiến hành tố tụng tỉnh Cà Mau và hi vọng đây sẽ là bài học thích đáng cho các đối tượng đã và đang làm giàu bất chính từ ĐVHD.”

Đây là lần thứ 2 mức án 13 năm tù giam được áp dụng với một đối tượng tội phạm về ĐVHD. Trước đó, cuối năm 2019, một đối tượng tại Quảng Ninh cũng bị tuyên phạt 13 năm tù giam vì hành vi nuôi, nhốt, buôn bán trái phép 145 cá thể tê tê.

Tê tê bị săn bắt từ các khu rừng ở Việt Nam và buôn lậu con sống từ Lào, Campuchia vào Việt Nam qua cửa khẩu ở các tỉnh miền Trung như Hà Tĩnh. Thịt tê tê đông lạnh và vảy tê tê thường được vận chuyển trái phép qua đường biển. Gần đây nhất, ENV đã ghi nhận một số vụ vận chuyển tê tê từ châu Phi. Trong năm 2019 , ENV cũng đã ghi nhận gần 17 tấn tê tê đông lạnh và vảy tê tê bị bắt giữ tại cảng Hải Phòng. Thông báo tới đường dây nóng MIỄN PHÍ bảo vệ ĐVHD 1800-1522 nếu bạn phát hiện hành vi quảng cáo, buôn bán tê tê hay các sản phẩm từ tê tê tại Việt Nam.

Hoàng Tôn